SPERI LIVELIHOOD SOVEREIGNTY MECO-ECOTRA HEPA ECO-FARMING SCHOOL CO2 JUSTICE CHESH GLOBAL
  TRANG CHỦ  
Đối tác
Tọa đàm Tổng kết và kiến nghị của MECO-ECOTRA vì an toàn sinh kế và hạnh phúc cộng đồng
25/01/2015
 
Tọa đàm đã diễn ra từ ngày 15/1 đến 19/1/2015 tại Khu Thực hành Sinh thái Nhân văn (HEPA), xã Sơn Kim I, huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh. Có 33 đại biểu là đại diện cộng đồng thuộc 9 dân tộc từ 9 tỉnh và đại diện nông dân sinh thái trẻ Việt Nam và Lào đã tham gia Tọa đàm, gồm: H’Mông, Dao (Dao đỏ, Dao Quần chẹt), Tày, Nùng, Mã Liềng, Gia Rai, Hơ Re, Rơ Ngao, Thái (Thái trắng, Thái đen). Đây là diễn đàn tiếp nối Tọa đàm “Nhóm Thư ký lãnh đạo trẻ với an toàn sinh kế tự lực và hạnh phúc cộng đồng” diễn ra trước đó tại HEPA.


Vấn đề xuyên suốt được các đại biểu tập trung thảo luận là chủ quyền đất và rừng và các giá trị văn hóa, tri thức địa phương và các sáng kiến cộng đồng để phát huy giá trị đất, rừng được giao. Các cuộc thảo luận toàn thể, thảo luận nhóm và trình bày kết quả thảo luận nhóm cho thấy mỗi vùng, mỗi dân tộc có đặc điểm riêng, nhưng cùng chung một chia sẻ về ảnh hưởng trực tiếp của đất rừng đối với cuộc sống. Các đại biểu nhận thức sâu sắc rằng sự tồn tại và phát triển của mỗi dòng tộc, mỗi cộng đồng, mỗi dân tộc đều cần có đất làm nền tảng. Những cộng đồng đã được công nhận quyền sử dụng đất rừng đã và đang tự tin, tự chủ tổ chức sản xuất, ổn định cuộc sống, bảo vệ tốt rừng, đất và nguồn nước, đồng thời phát huy được các giá trị văn hóa. Đó là cộng đồng người Mông ở bản Ổn Ốc, xã Mường Lựm, huyện Yên Châu, Sơn La hoặc người Thái ở bản Pỏm Om, xã Hạnh Dịch, huyện Quế Phong, Nghệ An, hay người Kinh ở thôn Khe 5, xã Sơn Kim I, Hương Sơn, Hà Tĩnh và người H’rê ở làng Violak, xã Pờ Ê, huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum. Ngoài ra, các hộ gia đình, cá nhân đã được trao quyền sử dụng đất đang nỗ lực tìm các cây, con bản địa phù hợp, xen canh và tạo các mô hình nông lâm kết hợp để có được cuộc sống ấm no và thanh thản trên nguồn tài nguyên vô giá do ông cha trao truyền.

Trái ngược với những điển hình nêu trên là tình trạng người dân và cộng đồng địa phương chưa có quyền về đất rừng, thiếu đất và không có đất còn tồn tại ở nhiều nơi. Bất cập này gắn liền với những khó khăn chồng chất thêm, tình trạng thiếu đói, độc canh, sử dụng hóa chất độc hại, phụ thuộc thị trường bên ngoài, mất rừng, suy thoái đất và nguồn nước. Thực tế đó ảnh hưởng tiêu cực đến bản sắc và lòng tự tin của các thành viên trong cộng đồng. Các đại biểu đã đưa ra một số thí dụ cho thấy quyền sử dụng đất rừng của cộng đồng địa phương vẫn còn mong manh, bởi vì họ vẫn còn bị xâm lấn và mất đất mặc dù đã có quyền sử dụng đất. Thí dụ điển hình là bản Chiếng, một bản gần với bản Pỏm Om nêu trên, nơi nông trường cao su Quế Phong đang tìm mọi cách lấy đi phần đất rừng hạn hẹp còn lại của bản, bất chấp tình trạng thiếu đất và những bức xúc của người dân.

Các đại biểu đã chia sẻ những trăn trở phát huy lợi thế đất rừng được giao để tạo ra những sản phẩm phù hợp với đặc thù địa phương và cải thiện cuộc sống của mình. Đại diện các cộng đồng đã nhận diện các giá trị bản quyền trí tuệ và nhãn mác gắn với các đặc sản sinh thái vùng, miền của mình. Bản quyền trí tuệ không chỉ đi liền với việc giữ vững chủ quyền sinh kế, mà còn cả bản sắc và tính cộng đồng. Vì nếu cộng đồng không liên kết tạo thành một khối sức mạnh thống nhất, thì họ sẽ khó đạt được kết quả mong muốn trước vấn nạn các công ty ăn cắp bản quyền trí tuệ và thôn tính đất rừng cộng đồng.


Thực tiễn đa chiều từ những đại diện cho nhiều vùng, miền đã có ý nghĩa tham vấn, đóng góp và phản biện những bất cập trong chính sách đất rừng và phát triển ở vùng núi. Các đại biểu đều mong muốn được giao đất rừng đầy đủ phục vụ sản xuất và được công nhận quyền sử dụng đất. Đối với đất rừng được giao, thì cần có quy định rõ phần hưởng lợi từ công tác bảo vệ rừng cho hộ gia đình và cộng đồng. Ngoài ra là những nguồn lực và chính sách cụ thể khuyến khích dân phát triển rừng, để họ có thể sống được bằng nghề rừng.

Những bất cập liên quan đến quy định về đất tín ngưỡng, quy hoạch treo, phân loại rừng đã được các đại biểu nêu ra và kiến nghị tháo gỡ. Chính sách Chi trả dịch vụ môi trường rừng cũng cần được xem xét lại, trong đó nổi lên vai trò điều tiết của trung ương bảo đảm cho việc chi trả công bằng cho tất cả người dân và cộng đồng các địa phương có rừng. Ở nhiều nơi bà con đã bảo vệ rừng đầu nguồn nước theo luật tục từ lâu đời và được công nhận quyền sử dụng đất rừng. Những vùng rừng này có chức năng tương tự như rừng phòng hộ, nhưng lại được phân loại là rừng sản xuất. Và cũng chỉ trên cách phân loại chính thức rừng sản xuất như vậy cộng đồng mới có thể được nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ). Nếu quy hoạch là rừng đặc dụng, rừng phòng hộ thì thường đất lại được giao cho một ban quản lý rừng phòng hộ, vườn quốc gia hoặc khu bảo tồn thiên nhiên. Vì những bất cập đó, nên cộng đồng - thí dụ như bản Pỏm Om, xã Hạnh Dịch, Quế Phong, Nghệ An - mặc dù đã bảo vệ rừng rất tốt nhưng lại không được hưởng tiền công bảo vệ rừng và vẫn chưa nhận được phí dịch vụ môi trường rừng theo Nghị định 99/2010/NĐ-CP.

Quy định tại Khoản 1 Điều 160, Luật Đất đai năm 2013 giới hạn đất tín ngưỡng là đất có công trình đình, đền, miếu, am, từ đường, nhà thờ họ. Điều này thể hiện tư duy của người Kinh ở đồng bằng nhưng lại không phù hợp với thực tế của các dân tộc thiểu số miền núi. Đồng bào các dân tộc có những nơi thờ thần thiên nhiên ở những khu rừng thiêng, những đỉnh núi, tảng đá, đầu nguồn sông suối, bến nước mà không nhất thiết phải lập một công trình như luật quy định. Những vùng đất thiêng này được bảo vệ bằng niềm tin và luật tục truyền thống, và mức độ thực thi nghiêm ngặt không thua kém gì rừng đặc dụng. Vì thế các đại biểu kêu gọi các nhà làm luật cân nhắc, điều chỉnh những bất cập trên trong Dự thảo Luật Bảo vệ và Phát triển rừng (sửa đổi) trong thời gian tới.
 
Phạm Văn Dũng (SPERI)
In bài viết Bookmark and Share Quay lại

Tin tức
Xuất bản

- Tổng quan
- Video
- Diễn đàn
- Câu chuyện
- Liên minh Chủ quyền Sinh kế
Chủ Quyền Sinh Kế
- Tổng quan
- Đồng quản trị
- Luật tục
- Tín ngưỡng
Phụng Dưỡng Thiên Nhiên
- Tổng quan
- Vật linh giáo
- Đất rừng thiêng
- Lễ hội
Vùng Hoạt Động
- Lưu vực Mêkông
- Việt nam
- Lào
- Ban thư kí MECO-ECOTRA
Quản trị Tổ chức
Tổ chức
- Lịch sử
- Triết lý và Hành vi
- Tầm nhìn & Sứ mệnh
- Thiết chế
Nhân sự
- Điều phối Chương trình
- Ban Giám đốc
- Hội đồng Khoa học
- Thẩm định độc lập
- Hội đồng Viện
Lý thuyết
- Sinh thái Nhân văn Sinh học
- Nhân học và Sinh kế
12C Đường Phạm Huy Thông, Quận Ba Đình, T.P Hà Nội  *  Tel: +84-(0)4-3771 7367  *  Fax: +84-(0)4-3771 5691  *  Email: speri@speri.org
Copyright © 2019 by SPERI. All rights reserved