Sau hơn mười năm định canh định cư (ĐCĐC) tại nơi ở mới nhưng lòng người Mã Liềng Bản Cáo vẫn đau đáu về bản cũ chỉ cách đó khoảng 1 km. Ở vùng cội nguồn đó những kỷ niệm, tập tục văn hoá và tri thức sinh tồn của dân tộc Mã Liềng đã được hình thành, thích nghi qua hàng thế kỷ dường như vẫn đang hằn sâu đậm nét trong tâm trí của mỗi con người nơi đây.
Nằm hai bên cầu Khe Núng nơi miền Tây tỉnh Quảng Bình, trên con đường mòn Hồ Chí Minh, Bản Cáo xã Lâm Hóa có 26 hộ đồng bào Mã Liềng đang sinh sống. So với các bản khác như Bản Chuối, Bản Kè thì Bản Cáo về định cư nơi đây muộn nhất vào năm 2003.
Hầu hết nhà ở của bà con khu tái định cư nằm cặp theo đôi bờ Khe Núng - đầu nguồn con Sông Gianh và dưới chân những cánh rừng nghèo kiệt. Sông ở phía dưới và rừng nghèo kiệt ở phía trên. Trong khu vực tái định cư, rất hiếm khi nhìn thấy những mảnh ruộng lúa, ruộng màu. Cái mới nhất mà chúng tôi nhìn thấy là con đường nội bản được rải bằng bê tông mới làm xong từ Chương trình Nông thôn mới.
Cùng với anh thanh niên tên Tú, là người Mã Liềng hiện đang sinh sống ở Lâm Đồng, mới về cùng với bà nội để thăm lại quê hương, chúng tôi bắt đầu hướng về phía rừng xa, vượt những ngọn thác trên Khe Núng, nơi cội nguồn của người Mã Liềng bản Cáo mà đi tới.
Bản cũ của người Mã Liềng tại Bản Cáo
Từ lòng Khe Núng, leo lên một con dốc cao rồi dừng lại là một vùng đất rộng mênh mông ước chừng 8 ha với địa hình bằng phẳng được bao bọc bởi Khe Núng. Vùng đất ở của bản cũ của người Mã Liềng Bản Cáo nay là thế giới của cỏ Lào và cây lùm bụi. Chung quanh bản cũ là những cánh rừng đầy tiếng chim, với dòng Khe Núng rì rào tiếng thác - một không gian sinh kế an toàn, một môi trường trong lành và tĩnh lặng. Những người già, người lớn tuổi trong bản vẫn kể về nơi bản cũ này với ánh mắt xa xăm đầy nuối tiếc.
Một vùng đất thiên-địa nhân hoà, nơi có núi, có sông, có đất để làm ruộng, cất nhà và chăn thả gia súc, nhưng lạ lùng là tại sao 10 năm trước đây Chương trình
ĐCĐC lại chọn phương án đưa người dân ra gần đường. Mà ở nơi mới thì có cách bản cũ bao xa đâu? Vả lại, nếu định cư tại chỗ và người dân có được một con đường nối với đường mòn Hồ Chí Minh, thì bây giờ họ đã luôn có được những đêm ngủ bình yên không bị đánh thức bởi tiếng gầm rít của những chiếc xe cơ giới rầm rập lao qua cầu Khe Núng mỗi đêm. Chưa kể những vấn đề tệ nạn xã hội gieo rắc cho bản làng từ con đường. Và cũng rất có thể người dân Mã Liềng cũng đã đỡ đói hơn để rồi không phải hàng tháng ngồi chờ Nhà nước trợ cấp gạo như bây giờ.
Khe Núng, cội nguồn hai từ rất đỗi thiêng liêng và ý nhị, nơi che chở cho mỗi đời và nhiều thế hệ người Mã Liềng. Thế mà đã và đang có suy nghĩ cho rằng đó là nơi xa xôi, hẻo lánh, kém phát triển, lạc hậu và vì vậy người dân cần phải được di dời đến chỗ văn minh hơn, thuận lợi hơn. Nhưng liệu người dân bản Cáo có hạnh phúc hơn, văn minh hơn, no đủ hơn và phát triển hơn khi được chuyển đến một nơi mà ruộng nương không có, nước uống khó tìm, xa những cánh rừng, không gian văn hoá và kế sinh nhai của người Mã Liềng! Câu trả lời đó là hiện nay người dân bản Cáo vẫn vào rừng mỗi sáng, mỗi trưa cả trẻ lẫn già vẫn xuống suối để tìm con tôm, con cá. Họ vẫn tìm về với rừng, với suối, với không gian sống của ngày xưa bên dòng Khe Núng nơi đầu nguồn cách cầu Khe Núng không xa.
Câu hát đượm buồn của một người phụ nữ Mã Liềng vào buổi chiều tà, bên dòng Khe Núng:
"có đi rừng lấy được mây, được đót thì no. Nếu không lấy được mây, được đót thì đói" mà chạnh lòng cho cái nghèo cái khổ của đồng bào nơi đây, sau ngần ấy năm sống gần văn minh và liên tục được hỗ trợ từ Nhà nước. Theo nghiên cứu của Trung tâm CIRD gần đây cho biết bình quân một hộ gia đình bản Cáo, với 6-7 miệng ăn hàng ngày phải trông chờ vào vào số tiền khoảng 50 ngàn đồng thu được từ việc bán các sản phẩm thu hái trong rừng. Những ngày mưa gió, bão lũ không đi được rừng thì người dân chỉ biết ngồi nhà để chờ đợi và hy vọng. Hàng sáng lũ trẻ nhỏ quây quần bên những cái rá đầy nhóc sắn và bát ớt cay muối măng mà lòng đầy trắc ẩn.
Theo chị Gái, người phụ nữ Mã Liềng trở về từ Lâm Đồng để định cư lại ở Bản Cáo cho biết, trong bản không nhà nào không nợ quán. Nợ trước, trả sau và cứ thế luân hồi. Người dân thường mua nợ và trả bằng mây, bằng lá nón, măng,...và tất cả những gì mà họ lấy được từ rừng. Nếu là quán của người Mã Liềng như chị Gái, bà con có thể đỡ hơn khi phải nợ nần, khi thanh toán. Song với người ngoài thì sẽ rất khó khăn. Tình trạng mua rẻ bán đắt là không bao giờ tránh khỏi.
Rồi đây, tương lai của những hộ gia đình người Mã Liềng, đặc biệt là tương lai của các thế hệ trẻ ở khu định cư mới sẽ ra sao? Nuối tiếc về vùng đất cội nguồn trong khi vẫn còn đó những chuỗi ngày đói nghèo, thiếu thốn và phụ thuộc đằng đẵng bám theo họ - hệ luỵ từ những chương trình, dự án chìa khoá trao tay trước đây có lẽ cần phải được đánh giá, xem xét một cách nghiêm túc để tìm được những giải pháp phù hợp hơn, thiết thực hơn vì một cuộc sống tốt đẹp, ấm no hơn cho người Mã Liềng. Đó cũng là nguyện vọng thiết tha của mỗi người dân Mã Liềng cả già lẫn trẻ ở bản Cáo.
Nguyễn Văn Sự (CIRUM)