SPERI LIVELIHOOD SOVEREIGNTY MECO-ECOTRA HEPA ECO-FARMING SCHOOL CO2 JUSTICE CHESH GLOBAL
  TRANG CHỦ  
Đối tác
Mạng lưới Đất Rừng - Chiến lược vì phát triển hài hoà và tự chủ
09/05/2013
 
 

Việt Nam có diện tích tự nhiên khoảng 33,095 triệu ha, xếp thứ 58/200 quốc gia trên thế giới về diện tích, nhưng diện tích bình quân đầu người lại rất thấp, xếp thứ 159/200 quốc gia và chỉ bằng 1/6 bình quân của thế giới. Theo các tài liệu thống kê cho thấy chỉ tính đến năm 2010, chúng ta đã khai thác và sử dụng khoảng hơn 10,1 triệu ha đất vào sản xuất nông nghiệp. Diện tích sử dụng cho mục đích lâm nghiệp vào khoảng 15,4 triệu ha và còn khoảng 2,6 triệu ha đất đồi núi chưa sử dụng, phần lớn là đất trống đồi trọc) có tiềm năng phát triển lâm nghiệp (Theo Quyết định 2282/QĐ-BTN&MT ngày 8/12/2011 về Phê duyệt và công bố kết quả thống kê diện tích đất đai đến 1/1/201). Đất lâm nghiệp và tài nguyên rừng phân bố chủ yếu ở vùng miền núi, là vùng đầu nguồn của nhiều hệ thống sông suối, vùng sâu vùng xa, vùng biên giới, và cũng chính là nơi định cư của gần 25 triệu người, trong đó có khoảng 15 triệu đồng bào dân tộc thiểu số, chiếm khoảng 14% dân số cả nước. Vì vậy rừng và đất lâm nghiệp có vị trí đặc biệt quan trọng trong phát triển kinh tế xã hội, bảo vệ môi trường sinh thái và an ninh quốc phòng của Việt Nam.

Không chỉ có giá trị về mặt kinh tế, rừng và đất rừng còn là không gian sinh tồn gắn với truyền thống văn hoá xã hội và là nguồn lực tự nhiên rất quan trọng để duy trì sinh kế của cộng đồng các dân tộc miền núi. Lịch sử phát triển của đất nước cho thấy, việc đảm bảo ổn định cuộc sống cho đồng bào miền núi có vai trò đặc biệt quan trọng đối với việc ổn định xã hội, phát triển kinh tế, bảo đảm an ninh quốc phòng của quốc gia cũng như bảo vệ môi trường sinh thái. Cộng đồng các dân tộc miền núi luôn là hậu phương vững chắc cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc của Việt Nam. Vì vậy, Đảng và Nhà nước luôn xác định vấn đề nông nghiệp, nông thôn miền núi và vấn đề dân tộc là những lĩnh vực ưu tiên đặc biệt trong chính sách phát triển kinh tế xã hội của quốc gia. Nhiều chủ trương chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế xã hội, nhiều chương trình xoá đói giảm nghèo đã được ban hành qua các giai đoạn phát triển của đất nước, trong đó quan trọng nhất là các chính sách giải quyết đất đai cho đồng bào dân tộc thiểu số miền núi... Tuy nhiên, do nhiều lý do, từ một vài thập niên trở lại đây, nguồn tài nguyên đất và rừng ở nước ta ngày càng trở nên suy kiệt và trở thành một vấn đề bức xúc trong đời sống cộng đồng, và cho đến nay, mặc dù có tiềm năng lớn về đất đai, đặc biệt là đất lâm nghiệp, nhưng hầu hết khu vực miền núi và vùng đồng bào dân tộc thiểu số lại đang là những vùng chịu nhiều áp lực về thiếu quỹ đất sản xuất, dẫn đến tiềm ẩn những nguy cơ xung đột khó lường tại nhiều địa phương khác nhau. Thực tế đó cho thấy quá trình thực thi chính sách phát triển kinh tế xã hội vùng dân tộc thiểu số miền núi đã và đang bộc lộ nhiều vấn đề bất cập, từ đó dẫn đến những bức xúc trong quản lý sử dụng tài nguyên đất đai và tài nguyên rừng, ảnh hưởng nghiên trọng đến sinh kế cũng như sự ổn định trong đời sống của đồng bào các dân tộc, trở thành rào cản trong quá trình phát triển tại các vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi nói riêng và toàn quốc nói chung.Theo chiều hướng đó, những vấn đề này dần phát triển thành những thách thức trong đời sống xã hội ở Việt Nam, khiến cho Nhà nước và các tổ chức quốc tế bắt đầu có những quan tâm và đầu tư đáng kể để tăng cường quản lý và bảo vệ nguồn tài nguyên đất, rừng, vốn là nguồn sống của cộng đồng nói riêng cũng như toàn nhân loại nói chung. Song bất chấp những nỗ lực đầy thiện chí đó, nguồn tài nguyên thiêng liêng ấy vẫn đang trong tình trạng “nguy kịch” mà chưa có giải pháp khắc phục ở tầm chiến lược. Có thể nói bài toán về tình trạng suy thoái tài nguyên rừng và đất rừng ở nhiều nước trong khu vực nói chung, và đặc biệt ở Việt Nam nói riêng, thực sự đang cần có những lời giải thiết thực.

Hoạt động trong lĩnh vực Phát triển cộng đồng tại các vùng miền núi và dân tộc từ giai đoạn những năm 1995 đến nay, các tổ chức Khoa học Công nghệ: Viện Nghiên cứu Sinh thái Chính sách Xã hội (SPERI)[1]; Viện Tư vấn Phát triển (CODE)[2]; Trung tâm Tư vấn Quản lý Bền vững Tài nguyên và Phát triển Văn hóa Cộng đồng Đông Nam Á (CIRUM)[3] và Trung tâm Nghiên cứu Kiến thức Bản địa và Phát triển (CIRD)[4] đã tiến hành nhiều hoạt động khảo sát, nghiên cứu, đánh giá về quản lý, bảo vệ, sử dụng nguồn tài nguyên đất, rừng dựa vào luật tục; và từ đó đã triển khai xây dựng được nhiều mô hình tại nhiều vùng sinh thái khác nhau[5]; đồng thời cũng nhận diện ra nhiều vấn đề thách thức liên quan đến nguồn tài nguyên rừng và đất rừng mà đồng bào các dân tộc cũng như chính quyền địa phương đang phải đối mặt, trong đó nổi bật lên là sự suy thoái nguồn tài nguyên rừng cả về số lượng lẫn chất lượng, và điều đó đang làm xói mòn những giá trị văn hóa, tính ngưỡng của cộng đồng trong suốt gần 20 năm qua

Một trong những nghiên cứu mà các tổ chức này thực hiện đã chỉ ra rằng bản chất của sự nghèo đói của các nhóm dân tộc thiểu số (Có thể hiểu rộng hơn là của các cộng đồng sinh sống ở khu vực miền núi) ở Việt Nam chính là sự giao thoa của ba vòng luẩn quẩn. Thứ nhất là sự cách biệt về ngôn ngữ, điều kiện địa lý... dẫn đến thiếu cơ hội tham gia vào quá trình tiếp cận thông tin và lập định những chính sách liên quan đến quyền lợi của họ. Thứ hai là từ sự cách biệt đó sẽ dẫn đến sự thiếu tự tin trong việc tự quyết định các giải pháp để giải quyết các vấn đề cho bản thân, và thiếu tự tin trong quá trình tham gia đóng góp ý kiến vào việc giám sát thực thi và lập định chính sách khi có cơ hội. Và thứ ba là chính vì vậy mà họ thiếu đi quyền sở hữu các dạng tài nguyên, công cụ lao động của chính mình... Như vậy có thể thấy để giải quyết triệt để vấn đề đói nghèo, có nghĩa là phải giải quyết được ba vòng luẩn quẩn này.

Nhận thức ra điều ấy, cách làm việc của các tổ chức nói trên bắt đầu bằng việc học hỏi từ những người dân, và sau đó cố gắng hỗ trợ để họ tham gia vào nhận diện những khó khăn, bức xúc để rồi tối đa hoá vai trò của họ trong các giai đoạn cần thiết, để cuối cùng đi đến quyết định của cộng đồng trước mỗi công việc cần thực hiện. Với cách tiếp cận như vậy, nhu cầu của người dân dần dần được bộc lộ. Tiếp đến, tính tự tin của họ ngày càng được khơi dậy, lớn dần lên thành khả năng tự quản, tự điều hành, rồi tự chịu trách nhiệm...

Trong xóa đói giảm nghèo, cách làm ấy gọi là Dựa vào cộng đồng. Trong kinh tế, đó là phương pháp Phát huy nội lực. Còn về mặt tư tưởng, đó chính là Lấy dân làm gốc... và trên cơ sở đó, Mạng lưới Nông dân nòng cốt, một sản phẩm của quá trình tiếp cận mà các Trung tâm TEW[6], CHESH[7], và CIRD, những tổ chứctiền thân của Viện Nghiên cứu Chính sác xã hội - SPERI ngày nay, đã tạo dựng nên trong quá trình hoạt động của mình...

Bắt đầu từ công việc đầu tiên của quá trình tiếp cận cộng đồng là xây dựng các nhóm cùng sở thích, trên cơ sở khuyến khích các thành viên bày tỏ những nhu cầu của họ. Khi các nhóm đã hình thành, họ nhận được sự hỗ trợ bằng cách tư vấn và thông qua các chương trình đào tạo, tham quan học tập kinh nghiệm, để rồi sau đó cùng nhau tự xây dựng nên quy chế hoạt động và xác định phương hướng phát triển. Hỗ trợ ngư­ời dân học tập, rèn luyện kỹ năng đối thoại, đàm phán với các cán bộ chính quyền cơ sở và bàn luận với các đoàn thể quần chúng không chỉ là biện pháp nâng cao năng lực và sự tự tin trong mỗi cá nhân, góp phần củng cố vai trò của họ trong việc quản lý, điều hành ở mỗi nhóm, mà còn tạo ra điều kiện để từ đó liên kết lại những ngư­ời dân có nền tảng văn hoá khác nhau, ở những vùng khác nhau, như­ng cùng có chung mối quan tâm, tạo ra diễn đàn đối thoại về việc thực thi chính sách ở cấp cơ sở. Khi các nhóm cùng sở thích ở các xã đã phát triển mạnh mẽ và ổn định, ngư­ời dân bắt đầu có những nhu cầu đ­ược trình bày các ý kiến, mối quan tâm của họ ra trước công chúng. Khái niệm Nông dân nòng cốt hình thành theo mô hình mạng lưới xuất phát từ nhu cầu này. Nông dân Nòng cốt là những người nông dân có khả năng tiếp cận và vận dụng kiến thức, công nghệ nhanh, nhạy. Họ làm việc cùng nhau trong các nhóm cùng sở thích, chia sẻ với nhau những thế mạnh và những thách thức. Họ cùng nhau quyết định liên kết các nhóm lại để tìm ra những mối quan tâm chung ở tầm cao hơn. Đây đều là những nhu cầu xuất phát từ những bức xúc lâu nay của người dân, nhưng chỉ được bộc lộ khi khả năng nhận thức và sự tự tin của họ đạt đến một mức độ nhất định.... Và mạng lưới cũng lớn mạnh dần lên từ đó...   

Việc hình thành nên một mạng lưới Nông dân Nòng cốt trên thực tế đã khẳng định một triết lý hành động, đó là triết lý về sự chia sẻ và đồng cảm. Còn với các tổ chức TEW, CHESH, CIRD khi đó cũng như SPERI, CODE và CIRUM hiện nay, triết lý mạng lưới đã trở thành triết lý cũng như chiến lược của mọi hoạt động...

Khi nói đến những giá trị trong đời sống văn hoá, tinh thần, và những giá trị về tri thức bản địa của đồng bào dân tộc thiểu số, chúng ta không thể tách rời họ ra khỏi môi trường mà họ đang sinh sống, đó là những cánh rừng, những vùng núi cao ở các khu vực phòng hộ đầu nguồn. Và những giá trị mà những con người luôn sống gắn bó với thiên nhiên ấy đã tạo nên ấy, thường được thể hiện trong đời sống thông qua cách ứng xử với rừng. Ngược lại, khi nói đến rừng thì không thể không nhắc đến, tìm đến và cảm nhận những giá trị tri thức bản địa của những người dân đang sinh sống, gắn bó tại đó. Thế rồi từ một tổ chức tự nguyện của những người nông dân tại một địa phương, mạng lưới Nông dân Nòng cốt dần dần phát triển ra cả nước, rồi đến phạm vi khu vực... Cho đến khi địa bàn của mạng lưới được mở rộng ra các nước thuộc lưu vực sông Mêkông, và nội dung hoạt động của nó không chỉ đơn thuần nằm trong lĩnh vực Xóa đói giảm nghèo nữa, mà đã bắt đầu có sự liên quan đến hoạt động thương mại, thì vấn đề công bằng thương mại - MECO - ECOTRA bắt đầu được đặt ra. Đây thực sự là một bước phát triển tất yếu của mạng lưới, theo triết lý về sự đồng cảm, bởi nó chia sẻ một thế giới quan mà MECO - ECOTRA đang hướng đến; đó là mang lại một cuộc sống hài hòa, công bằng, dân chủ cho các cộng đồng dân tộc thiểu số vùng cao và người dân bản địa đang sinh sống ở lưu vực sông Mêkông, trên cơ sở hướng đến một sự đa dạng sinh học, phong phú về tri thức bản địa, góp phần bảo tồn bản sắc văn hóa, đảm bảo kế sinh nhai và tạo ra được một xã hội dân sự cấp cơ sở ở các cộng đồng dân tộc thiểu số tại những khu vực này.

"... Dòng sông MêKông chảy qua 6 quốc gia, trong các quốc gia đó có hàng trăm dân tộc khác nhau cùng sinh sống, cùng chia sẻ lợi ích cũng như điều kiện sinh tồn của mình. Để đảm bảo một cuộc sống thực sự hài hoà và công bằng với tất cả mọi người, cũng như sự công bằng giữa con người với thiên nhiên, thì không có cách nào khác là tất cả các nước này, những dân tộc này, đặc biệt là những nhóm dân tộc đang sinh sống bên những nhánh con của dòng sông MêKông, phải ngồi lại với nhau để cùng chia sẻ những giá trị đối với những niềm tin, tín ngưỡng cũng như những giá trị văn hoá của cộng đồng mình, dân tộc mình, đã cùng được đúc rút nên từ một dòng sông; để từ đó cùng nhau duy trì và phát triển cuộc sống cùng với những phong tục tập quán của từng nhóm, từng dân tộc, hướng tới những tiêu chí về sự công bằng và cân bằng sinh thái mà vốn dĩ các nhóm dân tộc thiểu số của chúng ta đã có từ lâu đời. Hiện nay, do sự phát triển thiếu cân bằng của một xã hội luôn coi công nghiệp là tiêu chí và động lực của sự phát triển, những giá trị này đã và đang dần bị đánh mất, và trách nhiệm của chúng ta phải gọi hồn nó lại. Đây chính là mục tiêu của Thiên niên kỷ và Chương trình nghị sự 21 mà Việt Nam cũng như nhiều nước khác trên thế giới đã cam kết thực hiện thông qua việc ký kết vào các công ước Quốc tế. Ngoài ra, đây cũng là thị phần của con em đồng bào dân tộc thiểu số trong thiên niên kỷ mới, thiên niên kỷ của sự giao lưu và thương mại, không có sự lựa chọn nào khác.

Ngày hôm nay, trong xu hướng chung của sự phát triển trên thế giới, các nhóm dân tộc thiểu số của Việt Nam nói riêng và trong lưu vực MêKông nói chung đã có cơ hội để phát triển các hoạt động giao lưu, trong đó có giao lưu thương mại. Việt Nam đã gia nhập WTO, biên giới này không còn bất kỳ một nền quản trị nào ngăn cách, chính vì vậy mà khái niệm MECO – ECOTRA phải được hiểu theo đúng những ý nghĩa trên. Đó là sự đoàn kết, tay trong tay để cùng tạo ra những sản phẩm thương mại sinh thái, trên cơ sở bảo tồn những giá trị của thiên nhiên và của tri thức bản địa, nếu không thì chúng ta chắc chắn sẽ bị loại khỏi thị trường.

Tiêu chí của MECO - ECOTRA cũng chính là những giá trị đạo đức của dân tộc, được lưu giữ từ đời ông cha của chúng ta!..."

 (Bà Trần Thị Lành – Viện Nghiên cứu Sinh thái Chính sách xã hội - SPERI)

Từ triết lý đó, ngay sau khi được hình thành cho đến nay, MECO - ECOTRA đã luôn đồng hành cùng với mạng lưới Nông dân Nòng cốt và các tổ chức khoa học công nghệ trong một cơ thể thống nhất, hướng tới mục tiêu chung vì một sự công bằng giữa con người với thiên nhiên trên tinh thần tôn trọng và phụng dưỡng...

***

Những năm vừa qua, nguồn tài nguyên rừng và đất rừng ở Việt Nam nói riêng, cũng như toàn bộ khu vực MêKông nói chung, đang đứng trước những biến động đầy bi quan. Tài nguyên rừng nhiệt đới suy thoái một cách nghiêm trọng, tình trạngsa mạc hóa đất đai nói chung đang dẫn đến suy thoái và xói mòn các hành vi và giá trị xã hội truyền thống trong các cộng đồng. Sự khủng hoảng đạo đức và niềm tin trong quan hệ giữa con người với con người, giữa con người với thế giới tự nhiên đang là những bài toán chưa có đáp số cho tương lai; hàng trăm triệu nam, nữ thanh niên dân tộc thiểu số trong các vùng núi rừng trong suốt một dải MêKông đang phải vật lộn không chỉ với kế sinh nhai, mà còn là sự sống còn về nhân cách, tâm lý, về ý chí tộc người... Tất cả những điều đó đã đặt ra cho con người những câu hỏi mới, những yêu cầu mới và cả những thách thức mới...

Ý tưởng về Mạng lưới Đất Rừng được khởi xướng và thảo luận từ năm 2012 với sự tham gia của các tổ chức SPERI, CODE, CIRUM, RDPRvà CIRD, cùng với các chuyên gia, cố vấn là những người có tâm huyết và kinh nghiệm làm việc tại các vùng miền núi và từng tham gia thực hiện các chương trình, các dự án nghiên cứu và triển khai các mô hình về quản lý, sử dụng và bảo vệ đất, rừng dựa vào luật tục. Và cuối cùng, ngày 21 tháng 4 năm 2013 vừa qua, Mạng lưới Đất Rừng đã chính thức đượchình thành sau cuộc tọa đàm được tổ chức tại Vùng bảo tồn Sinh thái Nhân văn - HEPA, huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh trong thời gian từ ngày 19 đến 23/4/2013, do các thành viên mạng lưới Nông dân nòng cốt chủ trì và điều hành.       

Mạng lưới Đất Rừng được hình thành xuất phát từ mối quan tâm chung của các tổ chứcNông dân nòng cốt các tỉnh Lào Cai, Sơn La, Lạng Sơn, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình và Kon Tun; các tổ chức cộng đồng như HTX Lâm nghiệp Trường Sơn (Huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh), Hội Thuốc nam xã Hạnh Dịch (Huyện Quế Phong, Nghệ An), Mạng lưới thổ cẩm, Trường đào tạo thực hành HEPA (Hương Sơn, Hà Tĩnh) và CCCD Simacai (Lào Cai); các điều phối viên, các chuyên gia, chính quyền các địa phương, các tổ chức phát triển đã từng làm việc và quan tâm đến vấn đề đất, rừng, cùng hướng tới những giải pháp nhằm giải quyết những vấn đề khó khăn, thách thức liên quan đến nguồn tài nguyên đất và rừng mà các địa phương đang gặp phải hiện nay.

Từ mục tiêu này, ngay từ cuộc làm việc đầu tiên trong chương trình của cuộc tọa đàm, các thành viên đã cùng nhau thảo luận về những vấn đề quan tâm chung, đó là về các vấn đề vềThực trạng quản lý và sử dụng đất, rừng: Thách thức và giải pháp; từ đó mỗi thành viên đều tìm thấy thêm từ đây những sự đồng cảm, tiến tới ủng hộ và hợp tác sâu sắc hơn trong các hoạt động để cùng thúc đẩy những sáng kiến tích cực góp phần vào quá trình phát triển của Mạng lưới Đất Rừng trong tương lai...

Cũng tại hội nghị này, các thành viên đã thống nhất bầu ra Ban đại diện lâm thời của Mạng lưới để điều hành các hoạt động của Mạng gồm có 3 người, gồm ông Nguyễn Khắc Thứ, Trưởng Ban; 2 thành viên còn lại là ông Trần Quốc Việt và bà Phạm Thị Lâm; đồng thời cũngmời các ông Tôn Gia Huyên, chuyên gia chính sách quản lý đất; ông Khỗng Diễn, chuyên gia Dân tộc học, và bà Trần Thị Lành, chuyên gia phát triển, tham gia hội đồng cố vấn và giám sát hoạt động của mạng lưới.

Mạng lưới Đất Rừng được hình thành là một sự phát triển dựa trên nhu cầu thực tiễn của người dân và các tổ chức cộng đồng, là kết quả dựa trên quá trình học hỏi, đúc rút kinh nghiệm và sự thúc đẩy từ Mạng lưới các nước trong cộng đồng Mêkông hướng tới thương mại sinh thái - MECO - ECOTRA, và là sự kế thừa một cách hiệu quả kinh nghiệm của đội ngũ nông dân nòng cốt cùng với các mô hình sử dụng và quản lý bền vững tài nguyên đất, rừng dựa vào tri thức truyền thống tại cộng đồng đã được xây dựng trong khu vực suốt gần 20 năm qua, vì một chiến lược hành động tiên quyết cho mục tiêu phát triển hài hoà và tự chủ, để cùng hướng tới một xã hội công bằng, minh bạch, hòa thuận và bền vững, trên cơ sở của sự hòa đồng và trân trọng giữa con người với thiên nhiên...


[1] Địa chỉ: 12C Phạm Huy Thông, Hà Nội

[2] Địa chỉ: Số 5, ngõ 535, Kim Mã, Ba Đình, Hà Nội.

[3] Địa chỉ: 12C Phạm Huy Thông, Ba Đình, Hà Nội.

[4] Địa chỉ: Thị trấn Đồng Lê, huyện Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình.

[5] Trong đó đáng chú ý là các hoạt động như Giao đất giao rừng, hoạt động đào tạo, với những kết quả cụ thể: Giao được khoảng 50.000 ha đất lâm nghiệp, trong đó có rừng tâm linh, rừng phòng hộ bảo vệ nguồn nước truyền thống dựa vào luật tục của cộng đồng, rừng thuốc nam cộng đồng và đất rừng cho hơn 10.000 hộ gia đình và 30 tổ chức truyền thống của cộng đồng tại các tỉnh: Sơn La, Lào Cai, Lạng Sơn, Hà Tây (cũ), Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, DakLák, Gia Lai, Kon Tum và tỉnh Luangprabang-Lào; Đòng thời hướng dẫn cộng đồng phát huy tính tự chủ và tự chịu trách nhiệm trong quản trị và phát triển 15 mô hình quản lý, bảo vệ, sử dụng và phát triển bền vững rừng cộng đồng dựa vào luật tục, và nhiều tư liệu, phim và ảnh trực tiếp ghi lại những phong tục và cách ứng xử văn minh và sinh động của cộng đồng trong việc tự quản các cánh rừng mà chất luợng rừng và diện tích quản lý hàng chục ngàn ha tương tự như rừng đặc dụng và rừng phòng hộ theo quy chuẩn của nhà nước tại các tỉnh trên.

[6] Trung tâm Nghiên cứu & Phát triển năng lực phụ nữ dân tộc
[7] Trung tâm Nghiên cứu sinh thái Nhân văn vùng cao
 
 
In bài viết Bookmark and Share Quay lại

Tin tức
Xuất bản

- Tổng quan
- Video
- Diễn đàn
- Câu chuyện
- Liên minh Chủ quyền Sinh kế
Chủ Quyền Sinh Kế
- Tổng quan
- Đồng quản trị
- Luật tục
- Tín ngưỡng
Phụng Dưỡng Thiên Nhiên
- Tổng quan
- Vật linh giáo
- Đất rừng thiêng
- Lễ hội
Vùng Hoạt Động
- Lưu vực Mêkông
- Việt nam
- Lào
- Ban thư kí MECO-ECOTRA
Quản trị Tổ chức
Tổ chức
- Lịch sử
- Triết lý và Hành vi
- Tầm nhìn & Sứ mệnh
- Thiết chế
Nhân sự
- Điều phối Chương trình
- Ban Giám đốc
- Hội đồng Khoa học
- Thẩm định độc lập
- Hội đồng Viện
Lý thuyết
- Sinh thái Nhân văn Sinh học
- Nhân học và Sinh kế
12C Đường Phạm Huy Thông, Quận Ba Đình, T.P Hà Nội  *  Tel: +84-(0)4-3771 7367  *  Fax: +84-(0)4-3771 5691  *  Email: speri@speri.org
Copyright © 2019 by SPERI. All rights reserved