Theo “Chương trình hỗ trợ sinh kế gắn với tập quán truyền thống của các đồng bào dân tộc trên địa bàn huyện Kon Plông và huyện Sa Thầy giai đoạn 2014 - 2016”, từ ngày 10 đến ngày 13 tháng 11 năm 2014, Liên minh LISO đã phối kết hợp với Liên hiệp các Hội Khoa học Kỹ thuật tỉnh Kon Tum (LHH Kon Tum) tổ chức chuyến thăm quan học hỏi kinh nghiệm quản lý, bảo vệ rừng giữa đại diện cộng đồng người H’re, xã Pờ Ê, huyện Kon Plông và cộng đồng Gia Rai, Rơ Ngao, xã Hơ Moong, huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum.
Làng Vi Ô Lăk giữ rừng để bảo vệ nguồn sinh kế theo kinh nghiệm truyền thống
Cũng như các buôn làng khác trong tỉnh Kon Tum, hầu hết diện tích đất rừng truyền thống của cộng đồng H’re tại làng Vi Ô Lăk đang được quản lý bởi Ban quản lý rừng phòng hộ Thạch Nham (tiểu khu 434) và Lâm trường Ma Lăng (tiểu khu 439). Một phần diện tích đất rừng còn lại của cộng đồng vẫn đang được bảo vệ nghiêm ngặt bởi những qui định luật tục truyền thống nhằm duy trì không gian văn hoá tín ngưỡng (nơi trú ngụ của Giàng) và nguồn sinh kế - ‘giọt nước’ cho sinh hoạt và sản xuất của làng.
Anh Pan – Đại diện làng Vi Ô Lăk chia sẻ về kinh nghiệm quản lý, bảo vệ rừng
Bên cạnh đó, Làng còn hình thành các tổ bảo vệ những diện tích rừng của các hộ gia đình. Năm 2012, Nhà nước giao đất rừng cho 21 hộ gia đình trong làng. Song vì khu vực đất rừng đó nằm trong ranh giới đất cộng đồng nên Làng đã tổ chức họp dân và thống nhất là phải chia đều diện tích đất rừng này cho toàn bộ 72 hộ gia đình trong Làng. Các hộ không có tên trong sổ đỏ sẽ tự lựa chọn một trong số 21 hộ có sổ để thống nhất phân chia ranh giới, đảm bảo hộ nào cũng có đất rừng đều nhau. Theo đó, 21 hộ đứng tên chủ sổ đỏ trở thành các tổ trưởng và phân công nhiệm vụ cho các thành viên thường xuyên đi tuần tra, bảo vệ rừng.
Một đập nước của làng Vi Ô Lăk
Chính vì rừng được bảo vệ tốt như vậy nên con suối Noong cả năm có nước chảy để tưới cho cánh đồng lúa Vi Noong, chiếm gần 28% (12 ha) toàn bộ diện tích trồng lúa nước của làng. Theo chiều dài con suối, người dân trong Làng đã tự tổ chức thành lập các nhóm hộ gia đình để đắp và thay phiên nhau theo dõi và bảo dưỡng các con đập nhỏ bằng đá dẫn nước chảy thẳng về các mảnh ruộng, đảm bảo trong ruộng lúa luôn có đủ nước. Người dân trong Làng cũng chỉ cần trồng lúa một vụ là đủ ăn cả năm. Anh A Pan, đại diện Làng Vi Ô Lăk chia sẻ “
Khi các kho thóc đã đầy thì dù có thiên tai, mất mùa 1 đến 2 năm thì người dân trong làng cũng không lo bị đói vì đã có các “kho dự trữ quốc gia” (kho thóc)”. Ngoài ra, con suối Noong còn là nguồn cung cấp nước sinh hoạt chủ yếu cho toàn bộ các hộ gia đình trong làng.
Người dân xã Hơ Moong thăm kho thóc làng Vi Ô Lăk
Bức tranh trái chiều tại xã Hơ Moong
Ngay sau khi đặt chân tới xã Hơ Moong, người dân xã Pờ Ê cảm nhận được cái nóng như ‘lửa đốt’. Họ bị choáng ngợp bởi một màu xanh chỉ có cây công nghiệp, thấp thoáng một vài cây Kơ Nia; những khu vực còn lại thì trơ trọi một màu trắng của đất. Chưa dừng lại ở đó, khi đi thăm các buôn ở xã Hơ Moong, người dân xã Pờ Ê tiếp tục ‘bàng hoàng’ vì các giếng nước sâu thẳm mà lượng nước lấy được cũng ít ỏi. Một số các điểm nước tập trung của các Buôn cũng không có nước để hoạt động. Đi thăm các đầu nguồn nước thì phải len lỏi leo lên những rẫy mì (sắn) đến tận đỉnh đồi. Chứng kiến tận mắt những cảnh đó, người dân xã Pờ Ê càng thấy được những ảnh hưởng tiêu cực của việc mất rừng tới sinh hoạt và sản xuất.
Anh Thái chia sẻ cảm nhận về việc mất rừng ở xã Hơ Moong
Khác với làng Vi Ô Lăk, nơi không gian sinh kế và văn hoá truyền thống hầu như chưa bị thay đổi và tác động nhiều, các Buôn hiện tại của xã Hơ Moong (gồm Kơ Tu, Kơ Tol, Đăk Yo, Đăk Vơk, Ka Bay và Tân Sang) được hình thành từ việc di dời các hộ gia đình người Gia Rai, Rơ Ngao và người Kinh từ xã Hà Mòn, huyện Đắk Hà và xã Sa Bình, huyện Sa Thầy để nhường chỗ cho lòng hồ thuỷ điện Plei Krông.
Tuy nhiên, sau gần 3 năm tái định cư các Buôn mới được cấp đất canh tác và đến nay vẫn chưa được cấp đủ đất sản xuất theo kế hoạch. Diện tích lúa nước được cấp quá ít và không thể canh tác vì khô hạn, phần lớn chuyển qua trồng mì (sắn). Phần ít diện tích còn lại có thể cấy được lúa nước chủ yếu dọc các ven suối do người dân tự phát khai hoang (không phải đất cấp). Thu nhập thường xuyên của người dân phụ thuộc vào cây mì. Do vậy, hầu hết các hộ gia đình trong xã phải đong gạo ăn quanh năm. Đến thời điểm hiện nay, các khu vực rừng trên địa bàn xã đã thay thế bằng cây công nghiệp như: Cao su, cà phê, bời lời, đặc biệt là mì…trồng tự do bởi các hộ gia đình.
Thảm thực vật xung quanh lòng hồ thủy điện Plei Krông
Từ bảo vệ ‘giọt nước’ đến khẳng định chủ quyền đất rừng góp phần ổn định sinh kế
Chia sẻ với người dân làng Vi Ô Lăk, ông A Đứu đại diện buôn Ka Bay nói: “
Đầu tiên Làng đi tìm cái khe nào còn nước có thể chảy được về Làng, sau đó cùng nhau làm công trình nước sạch. Sau đó cả Làng cùng nhau kiên quyết bảo vệ rừng. Không cho phép hộ nào được làm rẫy gần nguồn nước, không đốt nương, phun thuốc sâu gần nguồn nước. Nếu ai vi phạm thì sẽ bị Làng phạt rất nặng. Làng còn thỏa thuận với Công ty Nguyên liệu giấy Miền nam, đơn vị có diện tích rừng Thông ở phía trên đầu nguồn của Buôn thì không được đốt thực bì, dùng thuộc sâu ở khu vực gần nguồn nước. Buôn cũng cam kết sẽ bảo vệ rừng xung quanh giúp cho Công ty nếu Công ty tôn trọng đề nghị của buôn”. Sau khi đã có nguồn nước ổn định chảy về buôn, cộng đồng buôn Ka Bay tiếp tục có đơn xin UBND xã giao đất rừng đang bảo vệ cho cộng đồng mình.
Anh Đứu, đại diện Buôn Ka Bay chia sẻ về quá trình tìm lại nguồn nước cho cộng đồng
Năm 2013, thông qua sự phối kết hợp giữa UBND huyện Sa Thầy, LHH Kon Tum và Liên minh LISO, cộng đồng Ka Bay đã nhận quyền quản lý hơn 30 ha đất rừng đầu nguồn. Tiếp đó, người dân đã cùng nhau thống nhất qui chế của Buôn trong việc quản lý, bảo vệ diện tích đất rừng được giao. Hàng năm mỗi hộ gia đình tự nguyện nộp 20.000 đồng để làm quỹ cho tổ bảo vệ rừng của Buôn hoạt động và bảo dưỡng nguồn nước. Đến nay, rừng của Buôn tiếp tục được bảo vệ tốt, công trình nước sạch của Buôn được quản lý và sử dụng hiệu quả.
Từ những bài học của Ka Bay trong việc nhận đất rừng để duy trì nguồn nước sinh hoạt và sản xuất, các Buôn trong xã cũng đã đề nghị Nhà nước giao những diện tích đất rừng đầu nguồn của cộng đồng. Trong năm 2014, các Buôn Đăk Yo, Đăk Vơk và Kơ Tu đã được UBND huyện Sa Thầy dự kiến giao 55, 4 ha diện tích đất rừng đầu nguồn. Tiếp theo, các Buôn này đã cùng nhau hợp tác để cùng bảo vệ những diện tích rừng đã được giao thông qua việc hình thành tổ bảo vệ chung. Đại diện 4 Buôn luân phiên nhau làm Tổ trưởng, mỗi quý sẽ do một Buôn chịu trách nhiệm tổ chức tuần tra bảo vệ và báo cáo kịp thời với UBND xã khi phát hiện vi phạm.
Ông Nguyễn Văn Niệm, chủ tịch UBND xã Hơ Mooong chia sẻ về sự hình thành của làng Vi Ô Lăk và quá trình giúp người dân khắc phục cuộc sống bắt đầu từ nguồn nước
Tại Vi Ô Lăk, từ đầu 2013 đến nay, UBND huyện Kon Plông đã phối hợp với LHH Kon Tum và Liên minh LISO để khảo sát, đo đạc và làm thủ tục giao khoảng 56,7 ha tích đất rừng dọc theo đỉnh Văng Ka La và suối Pờ Ê cho cộng đồng dân cư quản lý, bảo vệ. Đây là khu vực rừng duy trì ‘giọt nước’ để đảm bảo quanh năm cung cấp đủ nước cho khoảng 72 % diện tích canh tác lúa (30 ha).
Sơ đồ ranh giới truyền thống làng Vi Ô Lăk, xã Pờ Ê
Trong những thập niên vừa qua, bên cạnh những kết quả đem lại từ các chính sách và chương trình phát triển như khai hoang làm kinh tế, di dân, thuỷ điện, khai khoáng, trồng cây công nghiệp…, cộng đồng các nhóm dân tộc tại chỗ cũng như nguồn tài nguyên thiên nhiên (đất, rừng, nước) tại Kon Tum nói riêng, Tây Nguyên nói chung đang ngày càng phải hứng chịu hàng loạt những tác động tiêu cực. Rừng nhanh chóng bị cạn kiệt, đất khô cằn, nguồn nước càng khan hiếm, không gian sinh kế và văn hoá của các nhóm dân tộc tại chỗ bị thu hẹp…, đã làm cho đời sống của người dân ngày càng bấp bênh do phải phụ thuộc vào thị trường.
Ánh lửa bập bùng cùng với những cái nắm tay, bước nhảy theo nhịp của tiếng Chiêng, tiếng Trống tại nhà Rông của Buôn Đắk Vơk càng làm cho buổi giao lưu, chia sẻ giữa các nhóm dân tộc càng trở nên ý nghĩa, ấm cúng và đoàn kết hơn bao giờ hết. Chuyến thăm quan đã giúp cho các cộng đồng nhớ lại và quyết tâm bảo vệ và duy trì các không gian của những lễ hội văn hoá tín ngưỡng và cũng là nguồn sinh kế, đảm bảo cho sự sung túc và thịnh vượng của mỗi dân tộc trong một Tây Nguyên phát triển.
Vũ Văn Thái (CIRUM)