Các thầy thuốc người H'mông bản Lóng Lăn, huyện Luang Prabang, tỉnh Luang Prabang, Lào đang còn lưu giữ hệ thống chuẩn mực đạo đức trong việc ứng xử với nguồn tài nguyên thuốc nam.
Người H'mông ở bản Lóng Lăn tin rằng người bệnh được chữa khỏi là do sự mách bảo, hỗ trợ của ông tổ thuốc nam, thần cây thuốc đối với các thầy thuốc nam. Nếu không có sự đồng ý và mách bảo của những vị thần linh này thì các bài thuốc sẽ không có hiệu nghiệm. Vì vậy, cộng đồng đã tự hình thành luật tục trong mối quan hệ giữa thầy thuốc-cây thuốc-thần thuốc, bệnh nhân-thần thuốc-cây thuốc.
Thông thường người bệnh muốn được các thầy thuốc nam chữa trị thì phải chuẩn bị các lễ vật để xin ông tổ thuốc nam và thần cây thuốc. Lễ vật gồm có: giấy tiền, hương và tiền. Lễ vật này được đặt trên bàn thờ ông tổ thuốc nam đặt ở gian nhà giữa của thầy thuốc nam. Sau đó, thầy thuốc nam phải đọc một bài cúng - ý là xin ông tổ thuốc nam đồng ý, phù hộ và hỗ trợ cho lấy đúng cây thuốc, chữa cho đúng bệnh.
Sau khi xin xong, thầy thuốc nam phải đi lên rừng tìm thuốc. Trước khi hái, thầy thuốc nam phải làm lễ cúng xin thần cây thuốc nam cho phép. Nếu không làm lễ, theo quan niệm của người H'mông, thầy thuốc nam sẽ bị ốm đau hoặc ngón tay bị cong queo dị tật. Làm lễ xong, thầy thuốc mới bắt đầu lấy thuốc.
Tuy nhiên, việc lấy thuốc cũng tùy thuộc vào loại bệnh, loại cây, thời gian và địa điểm. Điều này còn tùy thuộc vào kinh nghiệm của từng thầy thuốc. Có thể cùng một loại cây thuốc, thời điểm lấy thuốc khác nhau thì công dược của chúng cũng khác nhau. Nếu lấy sai thời điểm và địa điểm thì bài thuốc sẽ không có hiệu nghiệm. Thông thường, nếu muốn lấy dễ cây thì thầy thuốc phải lấy vào buổi sáng. Muốn lấy lá thì phải vào buổi trưa. Và nếu là thân thì vào buổi chiều tối. Đầu tiên, Thầy thuốc phải nín thở cho đến khi nào hái được 3 lá thuốc. Đồng thời, khi lấy thuốc bóng người không được che cây thuốc. Nếu cây thuốc bị che bóng người thì bài thuốc sẽ không có tác dụng. Theo kinh nghiệm của ông Lam Bay, để chữa bệnh mụn nhọt thì phải kết hợp hai loại lá - khoai lang và sắn. Nhưng thầy thuốc nam phải vừa đi dật lùi và nín thở vừa hái thuốc. Nếu không thì bài thuốc sẽ không có hiệu lực.
Nếu lấy thuốc mà không có lễ vật thì thầy thuốc sẽ bị quở phạt. Theo lời kể của ông Lam Bay, mẹ ông đã bị thần thuốc nam bẻ ngược ngón tay cái là do nhiều khi không làm đúng thủ tục lễ cúng. Nhiều thầy thuốc khác khi về già người trở nên cong queo và đau đớn trong xương thịt.
Việc truyền nghề thuốc nam của người H'mông cũng phải tuân thủ các qui định nghiêm ngặt. Có nhiều bài thuốc chỉ được truyền từ người bố mẹ cho con hoặc người tin cẩn, cần cù và có trí nhớ tốt. Đôi khi, chỉ những người có bệnh thì mới học được bài thuốc. Người đó sẽ được chỉ bảo của thầy thuốc. Sau đó, họ sẽ phải tự đi lấy những vị thuốc đúng như những gì thầy thuốc đã chỉ bảo. Sau khi chữa khỏi những người đó sẽ trở thành thầy thuốc. Nếu người nào không có bệnh mà vẫn đi học, thì thầy thuốc sẽ bị quở phạt ốm đau. Người học sẽ bị làm cho bị bệnh (đúng như bệnh mà họ đang học).
Ý nghĩa trong việc Bảo tồn và phát triển nghề và nguồn thuốc nam
Với hệ thống giá trị của người H'mông bản Lóng Lăn đối với nghề thuốc truyền nam truyền thống và cây thuốc, một số nhận định cần được tiếp tục thảo luận liên quan tới việc bảo tồn và phát triển.
Thứ nhất, rõ ràng việc hành nghề của các thầy thuốc nam và cây thuốc nam của bản Lóng Lăn hàm chứa về giá trị niềm tin/tín ngưỡng, chuẩn mực đạo đức, tri thức bản địa và trong việc bảo tồn tính đa dạng sinh học. Theo truyền thống, chúng không có hàm chứa ý nghĩa về mặt kinh tế / tiền tệ.
Thứ hai, những giá trị và kiến thức bản địa của người H'mông bản Lóng Lăn trong việc lấy thuốc và chế biến thuốc đã góp phần không nhỏ vào việc bảo tồn và phát triển tính đa dạng sinh học của cây thuốc nam (Cultural-Biodiverisity).
Thứ ba, những qui định về chuẩn mực đạo đức của người bệnh-thầy thuốc-thần thuốc, và người học-thầy thuốc-thần thuốc chính là một hệ thống bảo vệ an toàn bản quyền về tri thức bản địa của người H'mông (indigenous property right), đặc biệt đối với xu hướng kinh tế hóa và toàn cầu hóa như hiện nay. Trong khi giá trị của việc chữa trị truyền thống bằng cầy thuốc nam của các thầy thuốc người dân tộc thiểu số vẫn chưa được Nhà nước công nhận.
Thứ tư, 'bí truyền' của các bài thuốc và xu hướng thanh niên muốn ra thành thị tìm kế sinh nhai là một trong những thách thức của việc lưu giữa các giá trị và kiến thức về thuốc nam qua các thế hệ.