SPERI LIVELIHOOD SOVEREIGNTY MECO-ECOTRA HEPA ECO-FARMING SCHOOL CO2 JUSTICE CHESH GLOBAL
  TRANG CHỦ  Phụng Dưỡng Thiên Nhiên
Đối tác
Lời cảm ơn từ “Rừng thiêng”: viết cho người Hà Nhì
05/11/2014
 
Hai cái “cùng” nhưng lại mang đến một sự “khác biệt”; đó là những gì để nói về người đồng bào Hà Nhì, một trong số 53 dân tộc ít người của nước ta, đang sinh sống chủ yếu ở miền biên cương của Tổ quốc - Lào Cai.  Cùng với thiên nhiên không ưu đãi và sự “thiệt thòi” của dân tộc nhỏ bé về số lượng nhưng người Hà Nhì lại làm được điều lớn lao mà hơn 85% dân số người Kinh không làm được - gìn giữ rừng cho hiện tại và muôn đời sau.

Lào Cai, lâu nay nổi tiếng khắp cả nước với tư cách là địa danh của “nơi con Sông Hồng chảy vào Đất Việt”, hay gần đây được biết đến với những sự kiện “hot” như có đường cao tốc Hà Nội - Lào Cai ‘dài nhất Việt Nam”, và dự án “cơm có thịt” mà Nhà báo nổi tiếng Trần Đăng Tuấn dày tâm để vì con em và học sinh vùng cao.

Vậy nhưng, ở một mảng sáng khác, mấy ai biết đến tập tục gìn giữ rừng vĩ đại của một đồng bào “nhỏ bé” - Hà Nhì nơi ấy!

Dù chỉ là dân tộc có số lượng đứng thứ 33, với 0,0253% trong hơn 90 triệu dân của 54 dân tộc Việt Nam, nhưng điều họ làm được có lẽ là đứng số 1 và to lớn như con số chiếm 85,727% dân số của người Kinh chúng ta.

Ở nơi “con Sồng Hồng chảy vào đất Việt”

Cơ duyên công tác gắn với rừng cho tác giả biết đến Y Tý, một xã thuộc huyện Bát Xát - điển hình cho những cái đặc biệt của tỉnh Lào Cai nói riêng và cả nước nói chung.

Đó là nơi trung tâm của các “mỹ từ” mà Lào Cai được gắn cho như: nơi "khỉ ho cò gáy", “vùng đất mù sương”, nơi “thiên đường mây”, “xứ mưa"; hay “nơi chân đạp mây cưỡi gió lên trời” của Vùng 13 tỉnh Đông Bắc Việt Nam.

Sự “xa xôi - hẻo lãnh” của Y Tý thậm chí đã đi vào “thơ ca hò vè” - như chuyện kể về đôi trai gái tán tỉnh nhau thông qua vần thơ dân gian:

"Bao giờ Y Tý có kem;

Bát Xát có điện thì em mới lấy chồng”.

Nơi miền biên cương – Y Tý – Bát xát – Lào cai. St/Phuot.vn
 
Dường như, trong những cái “đặc biệt” so với cả nước đó đã tạo cho Y Tý cũng đặc biết với con người và thiên nhiên núi rừng nơi đây - nó cứ hòa quyện vào nhau.

Đó là Y Tý nằm trên độ cao khoảng 1800 m, bốn mùa chìm trong sương mù, vẫn còn gìn giữ được hơn 8.000 ha rừng già với rất nhiều loài thực vật và động vật có tên trong Sách đỏ Việt Nam.

Đó là vẻ hoang sơ của những khu rừng nguyên sinh mà chỉ có thể tồn tại với một dân tộc “đặc biệt” - Hà Nhì, vì sự trân trọng và có những luật tục nghìn đời nay trong bảo vệ và phát triển vốn rừng.

Coi rừng là Tổ tiên

Dù người Hà Nhì trong xã chỉ có 8 thôn (bản), chiếm 54,2% dân số của cả xã, nhưng bản nào cũng có một khu rừng thiêng để thờ thần rừng - vị thần bảo hộ cho cả làng.

Một cảnh lễ cúng thần rừng của người Hà Nhì – Ý Tý – Bát Xát – lào Cai. Hữu Nghị/Dantri
 
Họ quan niệm, rừng và cây rừng, con thú trong rừng đều có sinh mạng, có đời sống như con người. Trong mỗi khu rừng đều có một vị thần trị vì, con người với cây, với thú trong rừng đều có quan hệ họ hàng. Một số loài động thực vật còn là vật tổ của các dòng họ.

Theo ông Ly Dờ Lúy, nguyên Bí thư Đảng ủy xã Y Tý: “lệ làng đã định, cứ vào dịp đầu xuân, các bản, làng lân cận lại hội họp về rừng để cùng tổ chức “lễ cúng thần rừng". Nói về lễ “cúng thần rừng”, ông Lúy cũng cho biết thêm:

Lễ cúng thần rừng không chỉ có người dân sinh sống gần rừng, mà lãnh đạo địa phương, lực lượng kiểm lâm cũng có mặt đông đủ để tham dự lễ tế” – ghi nhận của tác giả trong chuyến đi Lào Cai từ ngày 22 – 24/9/2014. 

Quả thật, lên với Y Tý chỉ trong 1 ngày ngắn ngủi nhưng mọi thành viên trong Đoàn Công tác đều cảm nhận được dù còn nghèo, nhưng người Hà Nhì đều ý thức được rừng là kho tài sản chung và không vô tận, nên ngay cả việc khai phá đất rừng làm ruộng cũng được nằm trong giới hạn. Bình luận về điều này, ông Lúy say sưa nói:

"Mọi người ý thức lắm, nếu có thiếu thì cũng chỉ vào rừng xin phát tỉa các cành vụn, nhặt củi rơi vãi thôi chứ không ai dám xâm hại đến rừng" – ghi nhận của tác giả trong chuyến đi.

Rõ ràng, trong lúc mỗi ngày, các phương tiện thông tin đại chúng lại phát đi những thông điệp cảnh báo về suy thoái rừng như “xẻ thịt rừng”, “đốt rừng làm rẫy”, “săn bắt động vật hoang giã”, “đặc sản thịt thú rừng”… thì chỉ với việc xem “rừng là tổ tiên”, là “thần”, là “thiêng liêng”… của người Hà Nhì cũng đã là đáng trân trọng và để mà học hỏi. 

Đến những cách làm “khác biệt”

Không quá phức tạp với các điều luật như các Luật của Nhà nước, "luật tục" của cộng đồng người Hà Nhì ở xã Y Tý đơn giản nhưng tính hiệu lực cũng như hiệu quả thì triệt để đến hàng ngàn đời.

Trước hết, luật tục người Hà Nhì quy định, bất cứ ai vi phạm rừng cấm cũng đều bị xử phạt nặng và buộc phải trồng lại đúng loài cây đã chặt phá. Đây thực sự là một luật tục rất độc đáo và nhân văn - với ý nghĩa “lấy gì của thiên nhiên thì trả lại cho thiên nhiên” hay đồng nghĩa với các khái niệm thịnh hành lâu nay như phát triển bền vững, tăng trưởng xanh…

Ngay cả việc tận dụng cành ngọn và củi khô cho chất đốt cũng được “chế tài hóa” trong luật tục. Mỗi năm, các khu rừng chỉ mở cửa đúng 3 ngày trước khi làm lễ cúng rừng để mọi người vào dọn dẹp và chỉ trong những ngày này người dân mới được phép lấy củi khô về tích trữ để dùng cho cả năm.

Chính vì thế, dù đã rất lâu nhưng ông Phó Chủ tịch xã Tráng A Lù còn nhớ như in một ví dụ rằng:

Cuối năm 2008, vợ của Chu Hờ Xa lấy củi khô cách vườn nhà mình không xa, nhưng vẫn thuộc khu rừng cấm. Có người phát hiện báo trưởng thôn và nhà Xa bị phạt” - ghi nhận của tác giả trong chuyến công đi.

Nói về hình phạt “lấy củi khô sai ngày”, ông Lù giải thích: “Người vi phạm khi lấy củi sẽ bị phạt 36 kg thịt lợn, 20 lít rượu, 20 kg gạo nếp và các loại gia vị để nấu cho đại diện các gia đình và các thôn trong xã đến phạt vạ” - ghi nhận của tác giả tại hiện trường.

Ngoài ra, kẻ vi phạm sẽ phải trả cho người phát hiện và đấu tố 65 kg thóc” - ông Lù nói tiếp.

Và theo như phân tích của vị Phó Chủ tịch UBND Xã này, “Chế tài xử phạt” đó có từ bao đời nay, trưởng thôn, kiểm lâm thôn cứ thế mà thực hiện.

Rồi việc giải quyết nhu cầu sử dụng gỗ cho các hộ gia đình làm nhà cũng có những “chế tài” rất đặc biệt.

Trong câu chuyện với ông Tráng A Lù cho thấy gia đình nào muốn xin gỗ về dựng nhà, làm vật dụng sinh hoạt đều phải trình bày bằng văn bản với kiểm lâm viên của thôn. Trong trường hợp này, “luật tục” cũng quy định Kiểm lâm viên này phải có trách nhiệm báo cáo già làng, trưởng thôn - một sự khác biệt so với các quy định của Nhà nước.

Rồi ngay cả khi “đơn khai thác” được duyệt, nếu hộ gia đình khai thác sai số lượng, chủng loại và sử dụng sai mục đích thì sẽ bị cấm vĩnh viễn - không được vào rừng khai thác nữa.

Về vấn đề phòng chống, chữa cháy rừng, luật tục người Hà Nhì còn quy định rằng người nào thấy rừng cháy mà thờ ơ, không dập lửa, hoặc không thông báo kịp thời cho mọi người biết cũng sẽ bị phạt rất nặng.

Là nơi cúng thần nên các khu rừng phải tuyệt đối thanh tịnh, nếu ai làm ô uế cũng sẽ bị phạt. Theo như lời ông Lù:

Nếu bị bắt vì tiểu tiện hay đại tiện trong khu rừng, người lạ (do không biết) bị phạt một con gà và một chai rượu, còn người trong làng đã quá biết luật tục sẽ phải nộp 36 kg thóc sung vào quỹ của thôn” – ghi nhận của tác giả tại hiện trường.

Vậy đó, không ai có thể khẳng định có hay không có “các vị thần” ở trong rừng, rừng có “thiêng” hay “không thiêng”… nhưng những niềm tin, những tục lệ ăn sâu vào tiềm thức của người Hà Nhì là thực. Cái “thực nhỏ bé, đơn giản” của một dân tộc “nhỏ bé” ấy đã gìn giữ cho màu xanh nơi thượng nguồn của Tổ quốc hàng ngàn đời nay và cho hiện tại cũng như muôn đời sau.

Trần Văn Việt (Chuyên viên Ban Kinh tế Trung ương)
In bài viết Bookmark and Share Quay lại

Tin tức
Xuất bản

- Tổng quan
- Video
- Diễn đàn
- Câu chuyện
- Liên minh Chủ quyền Sinh kế
Chủ Quyền Sinh Kế
- Tổng quan
- Đồng quản trị
- Luật tục
- Tín ngưỡng
Phụng Dưỡng Thiên Nhiên
- Tổng quan
- Vật linh giáo
- Đất rừng thiêng
- Lễ hội
Vùng Hoạt Động
- Lưu vực Mêkông
- Việt nam
- Lào
- Ban thư kí MECO-ECOTRA
Quản trị Tổ chức
Tổ chức
- Lịch sử
- Triết lý và Hành vi
- Tầm nhìn & Sứ mệnh
- Thiết chế
Nhân sự
- Điều phối Chương trình
- Ban Giám đốc
- Hội đồng Khoa học
- Thẩm định độc lập
- Hội đồng Viện
Lý thuyết
- Sinh thái Nhân văn Sinh học
- Nhân học và Sinh kế
12C Đường Phạm Huy Thông, Quận Ba Đình, T.P Hà Nội  *  Tel: +84-(0)4-3771 7367  *  Fax: +84-(0)4-3771 5691  *  Email: speri@speri.org
Copyright © 2019 by SPERI. All rights reserved