Đường Hồ Chí Minh được xây dựng, vận hội mới của người dân ở những vùng sâu, vùng xa được mở ra. Đặc biệt là khi Vườn Quốc gia Phong Nha Kẻ Bàng được UNESCO công nhận là Di sản Thiên nhiên Thế giới, thu hút một lượng lớn khách du lịch đổ về, thì đã có nhiều người lạc quan nghĩ rằng cơ hội đổi đời của người dân Bố Trạch, của Quảng Bình đã gần gũi lắm... Tuy nhiên để đạt được đến viễn cảnh kia thì câu chuyện vẫn còn phải trải qua biết bao nhiêu gian nan, trăn trở. Trăn trở của tư duy, trăn trở của phương pháp... mà câu chuyện về người phụ nữ "mát tay" ở xã Lâm Trạch, huyện Bố Trạch có thể coi là một ví dụ về những nỗi niềm trăn trở đó...
Câu chuyện bắt đầu từ năm 1997, khi Mạng lưới Nông dân nòng cốt bắt đầu được hình thành từ 13 xã khó khăn nhất thuộc ba huyện miền núi của tỉnh Quảng Bình, trong đó có xã Lâm Trạch của chị. Thông qua các nhóm cùng sở thích tại mỗi địa phương, bằng phương pháp tiếp cận trực tiếp đến những người nông dân, cố gắng hỗ trợ để họ tự nhận diện những khó khăn, bức xúc trong cuộc sống của mình, rồi sau đó tối đa hoá vai trò của chính họ trong các giai đoạn cần thiết; chương trình đã dần dần khơi dậy cho những người nông dân ở đây tính tự tin, rồi lớn dần lên thành khả năng tự quản, tự điều hành, rồi tự chịu trách nhiệm trong các hoạt động xoá đói giảm nghèo...
Nghỉ việc rồi không mần được thì làm răng?" - "Không mần thử sao biết được!"... và cuối cùng, "mần thì mần" là quyết định đầu tư của vợ chồng o...
Chị Bình đang chia sẻ kinh nghiệm trong phát triển kinh tế hộ gia đình
|
Cái chuyện mần, nói vậy chứ ngày đầu cũng cực. Cứ tưởng làm ra con lợn là xong, ai dè con lợn to quá, béo quá cũng lại thành khó bán. Bán được con lợn rồi, tìm mua con giống khác về nuôi, chọn hết phiên chợ này đến phiên chợ khác chẳng được con nào ưng ý... Chọn được rồi thì lại phụ thuộc vào thức ăn. Cám bã ở các cửa hàng bán thức ăn chăn nuôi thì đầy, lợn ăn thứ đó lớn nhanh, nhưng thịt không ngon, khi bán không được giá, lơ mơ tiền của và công sức mấy tháng trời đổ xuống sông xuống biển cả... Thế nhưng cứ phải cọ xát với tất cả những chuyện liên quan đến "đầu ra" của con lợn như vậy, người ta mới chóng trưởng thành.
Mần con lợn, cũng có nghĩa là người nông dân đã bắt đầu bước chân vào kinh tế thị trường đầy bỡ ngỡ, mà những chuyện vừa nói ở trên chỉ là những bài học có tính nhập môn. Vấp ngã có, thiệt thòi có, thế nhưng khi đã thuộc bài rồi thì họ sẽ đứng dạy vững vàng để làm theo cách riêng của mình. O Bình sau một thời gian đã chuyển dần từ nuôi lợn thịt sang nuôi lợn nái để chủ động nguồn giống, rồi sau đó lại tìm cách chế biến, tạo ra nguồn thức ăn cho lợn ngay từ những sản phẩm địa phương. Ngày qua ngày, bằng sự cần cù, chịu khó vốn có của người phụ nữ Quảng Bình, lại được Trời phú cho cái "mát tay", nên đàn lợn nhà o Bình cứ thế ngày một phát triển. Giờ thì đàn lợn bột nhà o Bình lúc nào cũng có trên dưới 200 con lợn chờ xuất chuồng, và hầu như ngày nào ở "trại" cũng có lợn nái đẻ...
Từ nuôi con gà, con lợn đến hình thành nên một mô hình chăn nuôi trang trại ở gia đình; từ chỉ nuôi lợn thịt để phục vụ thị trường đến chuyển sang nuôi lợn nái để chủ động nguồn cung cấp giống, không chỉ cho mình mà còn cho chị em trong nhóm, cho bà con trong xã, thậm chí con lợn giống còn trở thành "vốn đầu tư" để chia sẻ với nhau giấc mơ đổi đời; từ sử dụng nguồn thức ăn công nghiệp sang sử dụng nguồn thức ăn tại chỗ; từ sản xuất nhỏ lẻ đến sự tương trợ giúp đỡ lẫn nhau cùng phát triển... Bằng tư duy nhạy bén của một doanh nhân trước nhu cầu của thị trường, con đường đi của o Bình nói riêng và của chị em phụ nữ Lâm Trạch nói chung sau hơn 10 năm đã tiến những bước dài... Câu chuyện này, nếu nhìn từ góc độ kinh tế, có người sẽ nói đó là sự nhạy bén, sáng tạo trong sản xuất, kinh doanh. Ở một góc độ khác, nói theo cách của các cụ ta xưa, là cái khó làm ló cái khôn. Nhưng riêng tôi lại có suy nghĩ, rằng có lẽ làm được như vậy cũng có phần là bởi tính cách của người dân Quảng Bình. Xưa gan góc kiên cường trong chiến tranh để thành người chiến thắng; thì nay trong kinh tế thị trường, họ cũng quyết không để thị trường điều khiển mà ngược lại, họ phải là người điều khiển thị trường...
Dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm trước bản thân, trước cộng đồng để vươn lên làm giàu cho gia đình và cho xã hội, góp phần làm thay đổi hình ảnh về người nông dân trong xã hội, có lẽ chính bản thân o Bình cũng không biết rằng cho đến lúc này, tài sản của mình không chỉ còn là một mô hình chăn nuôi đầy tiềm năng, với số vốn vài trăm triệu đồng, hay một khu vườn rừng cũng đang đợi ngày thu hoach; hoặc cao hơn nữa là những kinh nghiệm làm ăn đúc rút được từ thực tiễn; mà cái đáng nói ở đây chính là thứ Vốn xã hội mà người phụ nữ này đã tạo ra. Nguồn vốn có được từ sự chắt chiu, nhưng chỉ để cho đi chứ không lấy lại bao giờ...
Và kết quả của hôm nay cũng chính là lời hứa hẹn với ngày mai.
Bút ký: Lương Ngọc An
|
|