Từ khóa: |
Đất-rừng cộng đồng, quản trị đất rừng, Luật lâm nghiệp, Sơn Lĩnh, Hương Sơn, Hà Tĩnh, Luật tục, Hương Ước |
Tóm tắt: |
Nghiên cứu trường hợp này được tiến hành tại 7 thôn dân tộc Kinh có rừng cộng đồng thôn tại xã Sơn Lĩnh, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh. Có 41 người tham gia phỏng vấn sâu, cung cấp thông tin cho các bảng hỏi bán cấu trúc với nội dung trọng tâm là cách hiểu về rừng cộng đồng, đánh giá hiệu quả và mô tả cơ chế quản lý rừng cộng đồng. Xã Sơn Lĩnh hội tụ được nhiều thuận lợi để giữ và phát triển rừng chung: đã có các khu rừng đầu nguồn được tập thể sử dụng ổn định từ lâu, trong khi ít có các tác động từ lâm trường hoặc các chủ thể bên ngoài; người dân có nhận thức tốt về ý nghĩa của rừng, có ý thức, đồng thuận cao để giữ rừng chung; tầm nhìn và quyết tâm của chính quyền huyện, xã khi quy hoạch và giao đất cho cộng đồng thôn. Xã Sơn Lĩnh có mô hình quản lý bảo vệ rừng tốt, với vai trò đáng kể của người thầu đập nước kiêm bảo vệ rừng đầu nguồn, cùng với việc vận dụng quy ước thôn bản kết hợp với các quy định bảo vệ rừng của Nhà nước. Mặc dù rừng đầu nguồn cho khoản thu trực tiếp không lớn, nhưng lại cho nguồn thu gián tiếp to lớn khi giữ nguồn nước ổn định để tưới ruộng lúa, cung cấp thức ăn cho gia súc, và chống xói lở đất, lũ lụt.
Nghiên cứu phát hiện một vấn đề có thể xảy ra trong tương lai, đó là sự lệch pha giữa hình thức ghi trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (còn gọi là ‘bìa đỏ’ của cộng đồng thôn), trong khi thực tế có nhiều mối liên kết đa dạng nhưng không phải là tập thể toàn thôn bản sử dụng mảnh đất được ghi trên ‘bìa đỏ’. Vì vậy việc sửa đổi Luật Bảo vệ và Phát triển rừng cần có các quy định công nhận các hình thức liên kết tự nguyện, các tổ hợp tác, dòng họ hoặc điểm dân cư là những hình thức cụ thể của cộng đồng dân cư thôn, giúp cho việc vận dụng luật, giao đất, giao rừng cho cộng đồng thuận lợi và có hiệu quả lâu dài. |