SPERI LIVELIHOOD SOVEREIGNTY MECO-ECOTRA HEPA ECO-FARMING SCHOOL CO2 JUSTICE CHESH GLOBAL
  TRANG CHỦ   Đất rừng thiêng  Bài viết
Phụng Dưỡng Thiên Nhiên
Tổng quan
Vật linh giáo
Đất rừng thiêng
Lễ hội
Đối tác
Những mối tương tác trong quan hệ giữa Đất và sự Sinh tồn
01/01/2011
 
 
 
 
Tương tác hành vi và những ảnh hưởng về kinh tế xã hội: Cấu trúc, chức năng và vị thế của từng lớp đất trong hệ đất cũng giống như các giai tầng trong xã hội vậy.
 
Hãy giả định tầng mặt của đất ta gọi là tầng A - là tầng canh tác, cũng là tầng giao lưu trực tiếp với các đối tác bên ngoài, như sự dẫm đạp của trâu bò, sự xói mòn của những trận mưa, sự hao hụt lượng mùn và các hạt đất tơi xốp bởi những luồng gió thổi, sự lạm dụng canh tác và hệ thống tưới tiêu nhân tạo lên những cơ cấu cây trồng vì mục đích thương mại… Tất cả những sự va chạm với bên ngoài như vậy chính là nguyên nhân gây nên sự mất đi của tầng canh tác này, và chính vì vậy mà có thể gọi đây là tầng dễ bị tổn thương. Tầng đất này cũng là tầng dễ bi tước đoạt, vì thông thường thì những bàn tay khổng lồ của con người vốn dĩ chỉ lạm dụng tầng mặt canh tác của đất để sinh lời..
 
Hệ đất bị tước đi khả năng duy trì và phát triển của tầng mặt A này được SPERI gọi là đất bị rửa trôi, hay xói mòn cơ học (Soil Erosion). Khả năng khắc phục hiện tượng rửa trôi, xói mòn cơ học này tuy khó, nhưng vẫn được coi là khả thi và dễ hy vọng, bằng các giải pháp cơ cấu cây – con và hành động ứng xử hàng ngày của người nông dân trên nương vườn của họ, mà chưa cần đến một chiến lược quy hoạch sử dụng dài hạn, mang tầm vĩ mô, cũng như sự can thiệp của chính sách.
 
Khi đất bị rửa trôi hay xói mòn, một số giá trị văn hoá trong đời sống hàng ngày của người dân cũng sẽ bị đổi thay theo chiều hướng từ đa dạng đến ít đa dạng hơn. Các món ăn hàng ngày của muôn loài, trong đó có cả con người, cũng sẽ giảm bớt các thành phần gia vị của thiên nhiên, bởi tầng mặt của đất cũng là cửa ngõ gặp gỡ và an cư của hàng triệu triệu sinh linh. Đó là kho hàng vô tận của các loài có chức năng và vị trí như là nguồn vitamin và gia vị của cuộc đời. Nét văn hoá và hành vi ứng xử của con người phụ thuộc nhiều vào sự sinh sôi nảy nở của các loài mang chức năng gia vị đó. Gia vị bị rửa trôi hay xói mòn, các ứng xử cũng nghèo đi theo.
 
Cấu trúc của đất đai cũng tương tự như trong cấu trúc của một xã hội. Trong xã hội, người nông dân thường là tầng lớp thấp nhất, và cũng là tầng lớp dễ tổn thương nhất. Nhưng đây lại là tầng quyết định cơ bản nhất cấu trúc của một xã hội, bởi nhân dân chính là nền tảng của mọi xã hội và mọi giai cấp. Dân cũng là tầng lớp vô quyền trong một xã hội, một khi xã hội đó thiếu đi sự dân chủ trong phát triển hài hoà.
 
Trong một hệ xã hội, khi tầng lớp thường dân bị tổn thương, giải pháp hoà giải, thuyết phục bằng các luật lệ được quy định bởi chính những người thường dân với nhau, thường thuận hoà và giản đơn. Họ sẽ vận dụng những giải pháp cộng đồng, được cộng đồng tự chấp nhận với nhau và cùng nhau vận dụng vào trong cuộc sống hàng ngày để xoa dịu những tổn thương mang tính đột xuất, tạm thời, nhỏ lẻ, không thường xuyên, không nguy cơ đến những yếu tố tinh thần, niềm tin và chuẩn mực đạo đức.
 
Tương tác bán hệ thống và những ảnh hưởng mang tính định hướng thể chế
 
Trong hệ đất, khi tầng canh tác A bị xói mòn, thì đồng thời chức năng kết nối giữa tầng canh tác A và tầng thứ hai, tầng B, cũng không còn giữ được. Tầng B buộc phải thay thế chức năng của tầng A. Khi đó tầng B này sẽ phải cọ xát trực tiếp với những can thiệp của môi trường. Trong trường hợp này, trình tự về chức năng và diễn thế sinh thái của đất bị xáo trộn không theo quy luật vốn dĩ của nó. Cơ cấu cây trồng và vật nuôi, phương thức canh tác đương nhiên là bị đảo lộn theo. Người nông dân trong giai đoạn đảo lộn các chức năng và vị trí của hệ đất giữa hai tầng của hệ thống A và B sẽ buộc phải có những giải pháp và tư duy thích ứng trong thực trạng mới của hệ đất. Lúc này phổ quan hệ giữa con người với đất cũng phức tạp hơn. Nó không còn là sự thong thả và giản đơn như lúc hệ đất còn tồn tại sung mãn vốn dĩ của tự nhiên. Nếu như tầng A và B của đất được mô phỏng như là cái chợ đa dạng sinh học, trong đó A là sự đa dạng của hàng hoá, còn B là nền móng của chợ, với bao kẻ bán, người mua… thì trong trường hợp này chúnh là tương tác giữa các tiến trình sinh học và quan hệ xã hội. Ngoài ra đây cũng là nơi giao lưu của các hành vi văn hoá đa dạng của con người.
 
Điều gì xảy ra khi hai tầng A và B này bị xói mòn?... Khi đất bị đảo lộn chức năng sẽ ảnh hưởng đến tiến trình chu chuyển tự nhiên giữa tầng A và B, can thiệp tới các phản ứng tự nhiên trong hệ đất đã đành, nó còn là một cản trở đến tiến trình sinh trưởng tự nhiên của các hợp phần trong hệ đất.
 
Hệ quả xơ cứng đất, diễn thế đất sẽ bị thay đổi, kéo theo sự thay đổi về chức năng vận hành trong hệ đất, và những bổn phận tự nhiên trong hệ thống đất quy chuẩn bị đảo lộn, các phản ứng trong lòng đất bắt đầu xảy ra. Tình trạng này được SPERI gọi là hiện tượng tiền suy thoái đất – Pre – Soil degradation.
 
Khái niệm Đất ở đây được định nghĩa là vật điều phối liên kết và kích thích các chu trình sống của các hợp phần sinh thái, trong đó có cả vấn đề xã hội, thể chế, văn hoá, tín ngưỡng, kinh tế và tính đa dạng sinh học của môi trường. Đất ở đây không chỉ dừng lại ở “Soil” thuần túy.
 
Quan hệ giữa tầng canh tác A và B của hệ đất thay đổi, kéo theo sự thay đổi tất yếu của hình thức canh tác. Cách tư duy, quan hệ giữa các kiểu tư duy và kiểu canh tác cũng thay đổi, dẫn đến các hành vi văn hoá giữa người nông dân với mảnh đất của mình cũng thay đổi, và các quan hệ giữa những người nông dân với nhau, giữa người nông dân với chính quyền cũng thay đổi, theo thực tiễn và logic của chính nó…
 
Ở giai đoạn tiền suy thoái, đất đã có sự can thiệp trực tiếp tới các phương thức canh tác truyền thống của người dân, bởi khi tầng B bị tiền suy thoái, đồng nghĩa với người dân buộc phải tìm kiếm các tập đoàn cây trồng, vật  nuôi khác thích nghi trong điều kiện suy thoái. Tập đoàn cây, con thay đổi, sẽ kéo theo sự thay đổi các hành vi ứng xử, kinh nghiệm canh tác, văn hoá sử dụng và những kinh nghiệm của đồng bào. Ở giai đoạn này, hệ xã hội đã bắt đầu có sự thay đổi về các mối quan hệ và mức độ quan hệ giữa những người trong cộng đồng với nhau, giữa cộng đồng và cộng đồng; giữa cộng đồng với chính sách, và giữa chính cộng đồng vốn dĩ đã tự hình thành cho mình một phương thức canh tác phù hợp trước đây, nay đành phải thay đổi trên một hành trình bị động và lệ thuộc từ bên ngoài.
 
Xáo trộn trong hệ thống tự nhiên giữa đất, cây, vi sinh vật, con và người đã    dẫn đến xáo trộn quan hệ trong xã hội và giữa xã hội với các chính sách, vì những sở trường và quan tâm khác nhau trong hệ thống, lẽ đương nhiên sẽ kéo theo sự thay đổi cấu trúc xã hội truyền thống tại các bản làng. Giải pháp khắc phục tiền suy thoái đất đòi hỏi một cơ chế vĩ mô trong quy hoạch sử dụng đất mới có thể khả thi, nghĩa là đòi hỏi ở những người trực tiếp đảm nhận chiến lược quy hoạch sử dụng đất một tri thức, một tầm nhìn, một hành vi ứng xử và một quan điểm về giá trị đối với hệ đất,  trước khi đưa ra chiến lược quy hoạch sử dụng đất cho vùng, cho tỉnh hay cho cả quốc gia. Đây cũng chính là lúc bắt đầu cần phải tính đến quan điểm đối với đất đai, quan niệm về giá trị của hệ đất. Nó hoàn toàn không chấp nhận quan điểm Đất đai là hàng hoá, hay Đất là vô tri vô giác, mà phải là quan điểm phát triển, lấy đất là trung tâm của định hướng một cách bền lâu.
 
Tương tác hệ thống và những ảnh hưởng tổn thương đến niềm tin của thể chế
 
Tầng thứ  ba của hệ đất được gọi là tầng C. Tầng này nằm sâu phía dưới, là nơi an cư của các loài cây lâu năm, có bộ rễ ăn sâu. Đây chính là những cây chỉ thị đặc trưng khó bị đổi thay của Hệ sinh thái. Những loài cây này cũng là nơi trú ngụ của các loài động vật bậc cao, có những biểu hiện thích nghi đặc trưng.
 
Cùng với hệ quả xơ cứng đất, diễn thế và chức năng của tầng A và B bị thay đổi, kéo theo sự thay đổi của tầng C. Nói một cách khác, khi tầng A và B của đất đã bị tước đi, nghĩa là các loài cây, con và vi sinh vật chỉ thị, cùng một chỉ số đặc trưng sinh học của đất đã bị tước đi quyền tồn tại, buộc phải thay bằng một giải pháp hoàn toàn đối lập, ví dụ như quy trình trồng các loại cây nhập từ nơi khác đến để phục vụ cho mục tiêu công công nghiệp đang dần thay thế những cánh rừng, đồng ruộng vốn luôn đa dạng trước đây, bởi công nghệ của các nhà máy đòi hỏi lượng tiêu hao nguyên liệu lớn, đã tác động đến quy trình này. Hiện tượng này được SPERI gọi là hiện tượng suy thoái đất và là nguy cơ trở thành hoang mạc hoá. Cấu trúc, chức năng của hệ đất bị đảo lộn, giá trị của hệ đất bị giảm, đất bị tổn thương về linh hồn và các mối quan hệ giữa hệ đất với các hệ xung quanh (hay còn gọi là  Soil Degradation).
 
Hệ đất suy thoái kéo theo Hệ xã hội bị đổi thay hoàn toàn về cấu trúc, về chức năng, về phương thức, về niềm tin và các quan niệm về giá trị; Bởi bản chất tự nhiên của hệ thống sinh thái đã được thay thế bằng một hệ thống khác. Sự thay đổi này kéo theo sự thay đổi bản chất của các mối quan hệ trong xã hội và trong cộng đồng. Hệ giá trị của cộng đồng, các Luật và Tục trong cộng đồng bị lãng quên dần  theo thời gian và năm tháng. Cấu trúc và tính cộng đồng bị rệu rạo dần, năng lực tự chủ và tính tự tin của cộng đồng đối với hệ sinh thái xung quanh mình sẽ bị khủng hoảng. Cấu trúc cộng đồng bị mại một, tính dính kết trong cộng đồng bị rạn nứt, các thế hệ sẽ chia lìa, cộng đồng sẽ ở vào tình trạng vô hướng và mất niềm tin vào chính bản thân mình đối với thế giới tự nhiên. Điều này dẫn đến hệ quả là Cộng đồng có thể sẽ hoà nhập theo hai chiều hướng: hoặc thích nghi, hoặc bị cô lập với môi trường mới. Trong thực tế, nhiều cộng đồng đã bị đẩy ra ngoài, buộc phải rời bỏ quê hương, làng bản để tha phương cầu thực ở một miền đất mới từ những nguyên nhân này…
 
Giải pháp khắc phục đất suy thoái đòi hỏi một chiến lược, một tư tưởng và triết lý phát triển của các nhà lãnh đạo; mà khi đã thuộc về phạm trù tư tưởng và triết lý phát triển, nghĩa là cần phải có một cuộc cách mạng tư tưởng để cải thiện hành vi và thái độ từ trong định hướng, trong lập pháp và trong hành pháp, để từ đó tiến đến có được mọi sự nổ lực của nhà nước và toàn thể nhân dân, vì một chiến lược phát triển hài hoà và đích thực. Một chiến lược Lấy đất làm trung tâm không chỉ dừng lại ở chính sách, ở luật pháp, mà phải là ở linh hồn của tư tưởng, của chính sách và của luật pháp. Sâu sắc hơn nữa là cần có những hành vi và thái độ công minh trong tiến trình lập pháp, và cần một không gian mà ở đó, mọi Hành vi xã hội được bình đẳng, tự do, trên cơ sở coi đất là một chủ thể đầy quyền uy, là trung tâm của định hướng phát triển…
 
Một căn bệnh mãn tính nói chung của các chương trình quy hoạch sử dụng  hệ đất xưa nay là không xem đất là một chủ thể bình đẳng, biết phản ứng. Với các chương trình này, đất là vật vô tri vô giác. Trong khi Tạo hoá sinh ra Trời và Đất, tựa như vợ và chồng; cặp vợ chồng này sinh ra muôn loài, trong đó có con người; rồi từ loài người sinh ra xã hội, và các mối quan hệ xã hội hình thành, trong đó có cả các thể chế chính trị; thì sự đối xử bất công với đất quả là điều không công bằng.
 
Trong đời sống hiện nay, ít có ai nhận diện ra trong lòng đất đang ẩn chứa nguồn nuôi dưỡng những sở hữu tâm linh khác nhau của các tộc người, các hệ tín nguỡng, và cũng là nơi phôi thai ra mọi sinh linh, dẫu rằng trong các văn bản quy định về đất đai đều có đề cập đến khái niệm đất nghĩa địa, mồ mả tổ tiên… và coi đây là một loại đất được quy định riêng…
 
Nếu ai sinh ra trong cuộc đời này cũng cảm nhận được những tiếng thở dài ngao ngán, những tiếng than phiền lặng lẽ của đất, ắt hẳn sẽ không nỡ phũ phàng ném lên đất những rác thải, thuốc trừ sâu, chất kích thích… bởi cũng như tất cả mọi sinh linh, đất cũng là chủ thể để cảm nhận và cảm nhận rất nhạy cảm những sự phũ phàng đó của con người một cách công bằng đích thực nhất. Tuy nhiên, điều tồi tệ hơn là những hành vi ném lên đất nhưng vật chất thô bạo chết người và vô cảm đó nhiều khi lại trở thành trào lưu xã hội, và đôi khi còn được tuyên truyền quảng bá như một sáng kiến, phát minh làm ra tiền, và nhận được sự đồng tình của dư luận xã hội và được pháp luật chấp nhận…
 
 
Các cách phân loại đất đai của các tổ chức quốc tế như FAO, UNESCO… hay của các nhà Khoa học về đất trên thế giới cũng như ở Việt Nam, đều ít chú ý đến một vận mệnh và là chức năng hết sức quan trọng của đất, đó là trong lòng đất có một chức năng nuôi dưỡng những sở hữu tâm linh của nhiều sinh vật, trong đó con người là một…
 
Con người trong xã hội vật chất ít khi ứng xử có đạo đối với đất như những người mà cuộc sống, mưu sinh của họ luôn gắn bó với đất đai. Ở xã hội vật chất, con người thường cho rằng đất sinh ra là để phục lợi cho con người, và như vậy họ luôn bằng mọi cách bóc lột đất để phục vụ cho mình. Câu chuyện về lễ hội Nào Sòng của cộng đồng các tộc người Mông là một ví dụ rõ ràng về các cách ứng xử khác nhau của con người đối với đất. Câu hỏi đặt ra trong câu chuyện này là tại sao rừng Nào Sòng của cộng đồng người Mông không bao giờ bị chặt phá, trong khi rừng giao cho các Hợp tác xã, các lâm trường thì lại luôn bị trộm cắp?… Người Mông trả lời câu hỏi này rất giản đơn, rằng ở rừng Nào Sòng, đất có hương có khói, có linh hồn…
 
Trường đào tạo nhà nông sinh thái của SPERI cũng đã và đang cố gắng đi tìm câu trả lời như người Mông vậy. Nhà nông sinh thái nơi HEPA, SIMACAI là một triết lý, đó là nơi của những người cảm nhận được đất là chủ thể có hồn; và để trở thành một nhà nông sinh thái là điều không phải ai cũng làm được trên thế giới đầy rác thải và những toan tính vị kỷ này, nếu như họ chỉ biết tham muốn mà chẳng chịu chia sẻ với xung quanh…
In bài viết Bookmark and Share Quay lại
Bài viết khác
Rừng tâm linh cộng đồng và phương thức canh tác truyền thống bản Yàng, Luang Prabang, Lào
Lời cảm ơn từ “Rừng thiêng”: viết cho người Hà Nhì
Tín ngưỡng thờ “Thùy tỳ” của người Tày, Bắc Lãng
Đất và rừng đối với đồng bào các dân tộc thiểu số
Đất và rừng đối với đồng bào dân tộc thiểu số

Tin tức
Xuất bản

- Tổng quan
- Video
- Diễn đàn
- Câu chuyện
- Liên minh Chủ quyền Sinh kế
Chủ Quyền Sinh Kế
- Tổng quan
- Đồng quản trị
- Luật tục
- Tín ngưỡng
Phụng Dưỡng Thiên Nhiên
- Tổng quan
- Vật linh giáo
- Đất rừng thiêng
- Lễ hội
Vùng Hoạt Động
- Lưu vực Mêkông
- Việt nam
- Lào
- Ban thư kí MECO-ECOTRA
Quản trị Tổ chức
Tổ chức
- Lịch sử
- Triết lý và Hành vi
- Tầm nhìn & Sứ mệnh
- Thiết chế
Nhân sự
- Điều phối Chương trình
- Ban Giám đốc
- Hội đồng Khoa học
- Thẩm định độc lập
- Hội đồng Viện
Lý thuyết
- Sinh thái Nhân văn Sinh học
- Nhân học và Sinh kế
12C Đường Phạm Huy Thông, Quận Ba Đình, T.P Hà Nội  *  Tel: +84-(0)4-3771 7367  *  Fax: +84-(0)4-3771 5691  *  Email: speri@speri.org
Copyright © 2019 by SPERI. All rights reserved