Đất rừng truyền thống của cộng đồng là không gian để người dân thực hành và duy trì các giá trị tín ngưỡng thờ phụng các vị thần thiên nhiên thông qua các nghi lễ truyền thống. Trong suy nghĩ và hành động của người dân, đất rừng tâm linh cộng đồng mãi thuộc về họ bởi họ đã được trao truyền từ nhiều thế hệ trước. Việc quản lý và bảo vệ đất rừng gắn chặt với tập quán truyền thống và nguồn tri thức của cộng đồng, với vai trò đi tiên phong của các già làng, những người đứng đầu các dòng họ, và những người có uy tín trong cộng đồng - họ vẫn đang ngày đêm tự nguyện, chủ động, và có trách nhiệm quản lý và bảo vệ rừng.
Ngoài mục đích tâm linh, đất rừng cộng đồng còn là nơi cung cấp nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú, đảm bảo các hoạt động sinh kế của các hộ gia đình trong cộng đồng: sản xuất, trồng trọt, làm nhà, lấy củi, thuốc nam và các sản phẩm khác từ rừng.
Từ đầu những năm 90 đến nay các tổ chức tiền thân của Viện SPERI (Trung tâm TEW, Trung tâm CIRD, Trung tâm CHESH) và Viện SPERI đã phối hợp với các thành viên Liên minh LISO, đối tác chính quyền và cơ quan ban ngành địa phương tổ chức nhiều nghiên cứu và hỗ trợ khẳng định quyền đất rừng truyền thống của cộng đồng và hộ gia đình người dân tộc thiểu số ở một số tỉnh ở Việt Nam và Lào. Chi tiết xin tham khảo trong bản đồ Chủ quyền sinh kế dưới đây.
|
|