Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh Kon Tum tại Văn bản số 2583/UBND-KTN ngày 11 tháng 11 năm 2013 về thống nhất chủ trương đồng ý cho phép Viện Tư vấn Phát triển (CODE) triển khai chương trình hỗ trợ sinh kế gắn với tập quán truyền thống của đồng bào dân tộc trên địa bàn huyện Konplong và huyện Sa Thầy giai đoạn 2014 – 2016. Theo đó, Viện CODE với sự hỗ trợ của Trung CIRUM, Viện SPERI và Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Kon Tum (LHH Kon Tum) đã phối hợp cùng UBND huyện Sa Thầy tổ chức triển khai công tác giao đất giao rừng gắn với bảo vệ nguồn nước và phục hồi phát huy bản sắc văn hóa gắn với rừng cho ba làng người dân tộc Rơ Ngao tái định cư của thủy điện Pleikrông ở xã Hơ Moong, huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum gồm làng Đăk Wơk, Đăk Yo và Kơ Tu.
Lễ trao sổ đỏ đất rừng cho các cộng đồng
Thực hiện Quyết định số 2040, 2041, 2042 ngày 6/11/2014 của UBND huyện Sa Thầy về giao đất giao rừng cho cộng đồng ba làng Đăk Wơk, Đăk Yo và Kơ Tu, ngày 17/12/2014 tại xã Hơ Moong, UBND xã Hơ Moong đã tổ chức lễ bàn giao Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất rừng bảo vệ nguồn nước cho các cộng đồng này.
Tham dự lễ bàn giao Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất rừng gồm có các đại diện: cơ quan ban ngành tỉnh Kon Tum: Ông Nguyễn Ngọc Sơn - Phó chánh Văn phòng Tỉnh ủy, Ông Nguyễn Thanh Cao – Chủ tịch LHH Kon Tum, ông Nguyễn Tấn Liêm – Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm đại diện Sở NN&PTNT Kon Tum, Đài phát thanh và truyền hình tỉnh Kon Tum; cơ quan ban ngành huyện Sa Thầy: Phòng NN&PTNT, Phòng TN&MT, Hạt Kiểm lâm; lãnh đạo và các phòng ban của xã Hơ Moong; cộng đồng các buôn làng Đăk Wơk, Đăk Yo và Kơ Tu; đơn vị tư vấn hỗ trợ (Viện SPERI, Viện CODE và Trung tâm CIRUM).
Cộng đồng dân tộc Rơ Ngao tại làng Đăk Wơk, Đăk Yo và Kơ Tu phải di dời để xây dựng thủy điện Pleikrông đến định cư tại xã Hơ Moong huyện Sa Thầy từ năm 2005. Tại nơi ở mới, người dân phải đối mặt với nhiều khó khăn thách thức để ổn định cuộc sống. Đến năm 2012, nhiều hộ vẫn chưa được hỗ trợ đất sản xuất theo kế hoạch dự án tái định cư, đặc biệt là hệ thống nước sinh hoạt bằng giếng đào lấy nguồn nước ngầm phần lớn không đáp ứng nhu cầu sử dụng và không có nước vào mùa khô.
Rừng đầu nguồn làng Đăk Yo bị xâm hại trước khi giao
Nhằm khắc phục tình trạng thiếu nước sinh hoạt, năm 2012 – 2013, UBND tỉnh Kon Tum chỉ đạo các cơ quan liên quan đầu tư hỗ trợ hệ thống nước sinh hoạt lấy nước tự chảy từ các suối đầu nguồn. Đến 2012 nhiều diện tích rừng tự nhiên đầu nguồn đã bị chặt phá và chuyển sang sản xuất nông nghiệp. Tình trạng xâm lấn đất rừng, phá rừng ngày càng diễn biến phức tạp và gia tăng không kiểm soát được đã ảnh hưởng trực tiếp đến nguồn nước cung cấp cho các hệ thống nước sinh hoạt.
Để bảo vệ rừng cung cấp nguồn nước cho các hệ thống nước sạch đã được Nhà nước đầu tư, UBND huyện Sa Thầy với sự hỗ trợ của Viện CODE cùng với Trung tâm CIRUM, Viện SPERI, LHH Kon Tum đã tổ chức giao 55,37ha đất rừng cho ba cộng đồng (651 hộ) gồm làng Đăk Wơk (8,5ha), làng Đăk Yo (37,24ha) và làng Kơ Tu (9,63ha) để quản lý sử dụng phục hồi và phát triển rừng.
Sổ đỏ của cộng đồng dân cư làng Đăk Yoˆ
Theo phản ánh của người dân và UBND xã Hơ Moong, từ khi triển khai rà soát phân định ranh giới để giao đất rừng cho các cộng đồng, công tác bảo vệ rừng được duy trì thường xuyên, rừng đang được phục hồi nhanh để duy trì nguồn nước sinh hoạt cho người dân.
Các hộ dân của các buôn làng đã nhận thức rõ hơn được khu vực đất rừng của làng cũng như vai trò của họ trong việc bảo vệ rừng đối với nguồn nước nên không ai xâm phạm phá rừng làm nương rẫy.
Bên cạnh trách nhiệm chung của mỗi người dân, việc vận hành bảo vệ rừng của các làng được đảm bảo thường xuyên nhờ hệ thống tổ bảo vệ rừng chung trong và giữa các cộng đồng để cùng phối hợp tuần tra bảo vệ rừng kết hợp kiểm tra duy tu bảo vệ hệ thống nước sạch. Các cộng đồng còn có những qui định trong việc ngăn chặn các cá nhân bên ngoài vào khai thác vàng sa khoáng ven suối.
Trong quá trình tổ chức bảo vệ rừng người dân đã phát hiện kịp thời một số trường hợp vi phạm chặt cây rừng và xử lý nghiêm theo quy ước bảo vệ rừng của làng và báo lên UBND xã.
Thay mặt cho cộng đồng ba làng, ông A Cương – Trưởng làng Đăk Wơk cho biết, những diện tích đất rừng được giao này có ý nghĩa rất lớn đối với người dân tộc Rơ Ngao để khôi phục và duy trì văn hoá tâm linh tín ngưỡng đối và các tập quán truyền thống khác gắn với rừng, đặc biệt là nguồn nước sinh hoạt. Các cộng đồng sẽ quyết tâm bảo vệ tốt những không gian văn hoá và sinh kế này cho thế hệ hiện tại và tương lai.
Ông Nguyễn Văn Niệm – Chủ tịch UBND xã Hơ Moong đánh giá, việc giao đất giao rừng bảo vệ nguồn nước cho cộng đồng dân cư tại làng Đăk Wơk, Đăk Yo và Kơ Tu có ý nghĩa rất lớn góp phần nâng cao hiệu quả đầu tư hệ thống nước sạch của Nhà nước đảm bảo nguồn nước sinh hoạt, ổn định cuộc sống cho người dân, ngăn chặn tình trạng chặt phá rừng, xâm lấn đất rừng, phục hồi và phát huy tập quán văn hóa gắn với rừng của cộng đồng dân tộc Rơ Ngao. Đồng thời, kết quả giao đất giao rừng cho các cộng đồng ở xã Hơ Moong là cơ sở để mở rộng ra các địa bàn khác tại huyện Sa Thầy và tỉnh Kon Tum.
Vũ Thái (CIRUM)