Bát Xát là vùng núi đồi hùng vỹ, cheo leo và hiểm trở phía tây của tỉnh Lào Cai, với những đỉnh cao chót vót của dãy Hoàng Liên Sơn quanh năm sương mù bao phủ, là địa bàn cư trú của một số cộng đồng dân tộc thiểu số như người Mông, Dao, Kháng, Khơ Mú... cho đến nay, do nhiều lý do cả khách quan lẫm như chủ qua mà hầu như toàn bộ khu vực này, đều không còn rừng, hoặc chỉ là một chút hiếm hoi những khu rừng tái sinh thưa thớt... Nhưng giữa cả một vùng đất bao la trơ trụi đó, xung quanh những ngôi làng của người Hà Nhì vẫn còn những màu xanh tươi tốt của những cánh rừng già với những cây cổ thụ, dây leo chằng chịt như những ốc đảo bình yên. Những nóc nhà với nhiều hình dạng khác nhau, năm cheo leo trên các triền đồi, những chân ruộng bậc thang, những ruộng ngô xanh ngắt, những cung đường uốn lượn mem theo triền núi tạo thành một bức tranh thơ mộng và hùng vỹ.
Là tộc người sinh sống chủ yếu ở những vùng núi cao, phía Bắc Việt Nam và một số vùng phía Nam của tỉnh Vân Nam - Trung Quốc. Từ thế kỷ thứ 8, thư tịch cổ đã viết về sự có mặt của dân tộc Hà Nhì ở Tây bắc Việt Nam. Dựa theo đặc điểm trang phục, người Hà Nhì chia làm hai ngành chính: Hà Nhì hoa, sinh sống chủ yếu ở một số huyện thuộc tỉnh Lai Châu, và người Hà Nhì đen, hiện có khoảng trên 15.000 người, trong đó cư trú ở tỉnh Lào Cai có gần 4.000 người, tập trung ở các xã Ý Tý, Nậm Pung, Ngải Thầu, A Lù, Trịnh Tường... của huyện Bát Xát, nơi có phong cảnh thiên nhiên hùng vĩ trên biên giới Việt - Trung, và cũng là địa danh “Nơi con sông Hồng chảy vào đất Việt” mà thi sỹ Lò Ngân Sủn, nhà thơ dân tộc Giáy quê Bát Xát này đã gửi gắm trong bài thơ Gửi em ở cuối sông Hồng thắm thiết của mình...
Trong những câu chuyện truyền miệng của người Hà Nhì thì dân tộc này cách đây chừng 50 đời có nguồn gốc từ bộ tộc mang tên là Để Khương ở phương Bắc, còn ở Lao Cai, đây là lớp cư dân đã sinh sống từ khoảng 300 năm...
Nằm ở độ cao trên 2.000 mét so với mực nước biển, lưng tựa vào dãy núi Nhù Cù San cao vút, giữa khung cảnh bao la, khoáng đạt, mênh mang của đất trời, quê hương của người Hà Nhì gần như quanh năm mây mù bao phủ, rất hiếm khi ánh nắng mặt trời soi đủ cả ngày, bởi thế nhiều người gọi Ý Tý bằng cái tên vùng đất mù sương, còn theo tiếng Quan Hỏa, thứ tiếng mà hầu hết các cộng đồng dân cư ở đây vẫn đang sử dụng, thì Y Tý có nghĩa là Xứ mưa... cái tên ngắn gọn mà phăn ánh rất rõ hình anhe của những đỉnh núi cao với những đám mây mang nhiều hình thù quanh năm ôm ấp như một mối gắn bó truyền đời, từ nơi đó,những thác nước đổ xuống dội vào nền đá tỏa ra trông như mái tóc thiếu nữ, tạo nên một khung cảnh vừa nên thơ, vừa hoang dã của miền sơn cước... Và giữa mảnh đất ngút ngàn sương gió ấy là bản Lao Chải, nơi có những nguồn nước trong lành đang bình yên chảy suốt ngày đêm...
Lao Chải theo nghĩa Hán là “thôn gốc”, “thôn cũ”, bởi đây là thôn đầu tiên với gần 80 hộ dân, 100% là người Hà Nhì đen. Đặc trưng nổi bật nhất trong tất cả các nhóm Hà Nhì chính là ngôi nhà. Sống trên những ngọn núi cao, khí hậu khắc nghiệt, những ngôi nhà trình tường vững chắc, trông xa giống như một cây nấm khổng lồ kia không chỉ là nơi sinh hoạt của mỗi gia đình, mà còn là một pháo đài vững chắc để chống lại cái giá rét của mùa đông và cái gió ngút ngàn của vùng cao. Đặc trưng này được duy trì ở tất cả các khu vực, các làng bản và các thế hệ.Với người ở xa mới đến, có thể nói ngôi nhà giống như một lời giới thiệu đầy đủ, thân thiện và đầy bản sắc văn hóa của người Hà Nhì..
Một trong những đặc điểm đáng chú ý nữa của những ngôi nhà Hà Nhì chính là những đống củi khô được xếp ngay ngắn ở góc chiếc sân đá được cắt xẻ từ những tảng đá trên núi, lắp ghép lại với nhau trở thành một nền đá bền vững hơn tất cả mọi chất liệu khác, và cũng là một nét văn hóa truyền thống của người Hà Nhì... Cho đến hôm nay, những đống củi này tuy không còn nhiều nữa, nhưng không thể không có, giống như chiếc sân đá vẫn thâm u trầm mặc thuỷ chung bên ngôi nhà trình tường qua triền miên sương mù biên viễn. Từ xưa, người Hà Nhì có quan niệm đánh giá sự giàu nghèo của mỗi gia đình thông qua chính đống củi này. Ngoài việc tượng trưng cho tài sản, đống củi còn biểu hiện cho sự nết na chăm chỉ của người phụ nữ. Bất kỳ một ngôi nhà nào trong bản làng người Hà Nhì Ý Tý đều có đống củi để dành trước sân, không chỉ là hiện thân lặng lẽ của mong ước giàu có, mà còn mang ý niệm với cộng đồng rằng: đây là ngôi nhà của những con người chất phác, khỏe khoắn, trong sáng và chịu khó làm ăn.
Sống giữa thiên nhiên hào sảng nhưng hà khắc, củi là biểu hiện của sự nết na, chăm chỉ, là hiện thân lặng lẽ của mong ước giàu có. Thế nhưng người Hà Nhì lại là dân tộc có truyền thống giữ rừng vô cùng nghiêm khắc. Điều này thoạt nghe tưởng như nghịch lý, thế nhưng có ngồi uống rượu với những người đàn ông Hà Nhì trong căn nhà bóng đen bồ hóng, có đi cùng họ đến nhưng cánh rừng, có nghe, có nghĩ cùng họ thì mới càng thấy thấm thía cái triết lý sâu xa của câu chuyện này. Cũng như rất nhiều dân tộc sống gắn bó với rừng, từ ngàn xưa, tổ tiên người Hà Nhì đã sống với núi rừng biên viễn, vẫn xem rừng thiêng là nguồn sống. Họ quan niệm rừng và cây rừng, con thú trong rừng đều có sinh mạng, có đời sống như con người; trong mỗi khu rừng đều có một vị thần trị vì, con người với cây, với thú trong rừng đều có quan hệ họ hàng, một số loài động thực vật còn là vật tổ của các dòng họ... Quan niệm như vậy khiến cho tất cả mọi người trong cộng đồng hết sức quan tâm đến rừng, có thái độ kính trọng, chăm sóc, bảo vệ rừng kỹ lưỡng...
Trong ngôi nhà trình tường ấm áp của già làng Phu Ha Giờ, những người đàn ông đang ngồi bên bếp sưởi lửa, Già làng đang ngồi uống rượu. Bên ánh lửa bập bùng và hương rượu ngô thơm nồng, Già làng Phu Ha Giờ kể: "Bản của người Hà Nhì gọi là Phu. Mỗi Phu có các loại rừng cấm, rừng thiêng và rừng cộng đồng khác nhau. Ở Lao Chải này cũng vậy, có 4 khu rừng cấm, là Gà ma do, Mu thu do, thờ thần Thủ tỷ, và rừng vui chơi A gờ là do, được cộng đồng tôn thờ, chăn sóc và bảo vệ từ nhiều đời nay. Mỗi khu rừng đều có quy định thời gian, lễ vật và người đứng ra cúng rất cụ thể, không bao giờ được vi phạm. Trước đây có người ở nơi khác đến do không biết nên vào chặt cây trong rừng cấm, bị phạt rất nặng..."
Niềm tin, tín ngưỡng được hình thành nên từ cuộc sống gắn bó với thiên nhiên, tạo nên một nền tảng mang tính văn hóa của cộng đồng, từ đó trở thành nhưỡng giá trị văn hóa, những tri thức bản địa quay trở lại phục vụ đời sống của con người. Câu chuyện của già làng Phu Ha Giờ chỉ đơn giản có thế, song nó như sự tối giản của cả một bề dày văn hóa mà người dân Hà Nhì sống trên những dãy núi cao chót vót này đã dày công gìn giữ và truyên lại qua nhiều đời...
Đã gọi là rừng thiêng thì không ai được tự ý xâm phạm, ngoài người được phân công chăm sóc việc cúng lễ tại những khu rừng này, gọi theo tiếng Hà Nhì là Gạc ma guy. Ở Lao Chải, Gạc ma guy năm nay là Phu Che Xa, con trai già làng Phu Ha Giờ... Chất thêm một khúc củi khô nữa vào lò, Phu Che Xa đứng dậy cùng một số thanh niên trong thôn dẫn chúng tôi ra thăm rừng, một việc làm hy hữu ở đây trong những ngày không phải là vào dịp lễ hội như thế này...
Gà ma do là khu rừng thiêng quan trọng nhất, thờ thần hộ mệnh của bản. Gà ma do thôn Lao Chải có khu thờ ông, có khu thờ bà, gọi là rừng vợ, rừng chồng... Vận mệnh của dân làng gắn liền với vận mệnh của những cánh rừng này, vì vậy người Hà Nhì nói chung đều cấm mọi người vào rừng thiêng. Gạc ma guy Phu Che Xa kể: "Mọi cây khô trong rừng đổ ngổn ngang cũng không một ai được lấy về. Thậm chí khi vào rừng cũng phải đi chân không, không được mang dày dép... Hàng năm chỉ có ngày cúng Gà ma do, thường là ngày con rồng Lò no của tháng Giêng hoặc tháng Hai, các thành viên nam giới đại diện các gia đình mới được theo thầy cúng quản rừng Mí Cù và người phụ giúp La chạ vào rừng thiêng làm lễ cúng thần rừng..."
Bên cạnh rừng Gà ma do là khu rừng vui chơi, ca hát A gờ la do. Người dân Lao Chải còn gọi là Rừng công viên. Khu rừng này là địa điểm tổ chức lễ hội Khô zà zà, lễ hội cầu mùa lớn nhất hàng năm của dân tộc Hà Nhì,hay còn gọi là Tết tháng sáu, khi cây lúa bắt đầu lên đòng, ngô gieo đã lên xanh. Gọi là rừng vui chơi, ca hát, hay rừng công viên, nhưng đây cũng là khu rừng được bảo vệ nghiêm ngặt, cấm tự tiện khai thác, chặt cây....
Còn khu rừng thiêng thứ ba là khu rừng thờ Mu thu do, có vị trí thấp hơn, nằm ở cuối nguồn nước của làng và gần khu vực canh tác. Theo quan niệm người Hà Nhì, thần rừng thờ Mu thu do là nữ thần và là vợ của thần rừng Gà ma do, vậy nên cây thần được thờ trong rừng Mu thu do phải là cây có thể ra hoa kết quả, nhưng không nhất thiết phải là cây ăn quả... Nữ thần rừng Mu thu do là nữ thần phù hộ cho sự sinh sôi, phát triển, sẽ phù hộ cho thôn trại: mùa màng tốt tươi, gia súc phát triển, con cháu trong làng đông đúc. Từ quan niệm này nên người ta cũng gắn lễ cúng rừng Mu thu do với lễ gieo mạ - Gu xè xè.
Một vòng tham quan mấy khu rừng của bản vậy mà cũng hết buổi sáng. Gọi là rừng, song mỗi nơi, lớn nhất cũng chỉ rộng chừng hơn 1 héc ta, còn nhỏ thì chỉ như một chòm cây nhỏ với chưa đầy mươi cây cổ thụ, tất cả đan xen với những thửa ruộng, những nóc nhà giống như một sự quy hoạch vô cùng hài hòa của thiên nhiên. Và đằng sau sự đan xen đầy đồng cảm ấy, là vô số những chồi non của cỏ cây, của con người, của văn hóa đang được ươm mầm...
Là xã vùng sâu, vùng xa và có thể nói là còn nhiều khó khăn nhất của huyện Bát Xát nói riêng, tỉnh Lao Cai nói chung, thế nhưng có thể nói cho đến hôm nay, Y Tý lại là nơi có mật độ cũng như chất lượng rừng nói chung thuộc vào loại nhất nhì tỉnh. Có lẽ ngoài Vườn Quốc gia Hoàng Liên, thì chỉ còn lại khu rừng rộng hơn 8.000 héc ta trong vùng Hà Nhì này là khu rừng nguyên sinh duy nhất còn lại của tỉnh Lao Cai... Mọc trên núi đá, ở độ cao trên 2.000 mét, rừng nguyên sinh Y Tý vì vậy mà đã được mệnh danh là khu Rừng treo, một tài sản vô giá, một nguồn vốn sinh thái rất đáng trân trọng của người Hà Nhì Bát Xát...
Từ niềm tin, tình yêu mến và trân trọng đối với thiên nhiên, người Hà Nhì ở Y Tý đã góp phần tích cực vào việc bảo vệ nguồn tài nguyên thiên nhiên của quê hương mình. Bảo vệ rừng dựa vào cộng đồng là một khái niệm mới được nhìn nhận chưa lâu, nhưng có lẽ chưa bao giờ và chưa ở đâu nó lại được thể hiện rõ ràng như ở đây. Với những đặc thù của khí hậu và đất đai trên mảnh đất biên cương này, sự hiển hiện của những cánh rừng không chỉ xem như một sự tồn tại đơn thuần, mà phải nhìn nhận đó là một sự vươn dậy, một sự trưởng thành giữa đất trời...
Cũng như người Mông và nhiều dân tộc khác sống gắn bó với thiên nhiên, người Hà Nhì cũng có các luật tục quy định về các hành vi ứng xử của con người với nhan trong cộng đồng cũng như ứng xử với thiên nhiên, rừng núi, được cộng đồng truyền tụng và trân trọng. Và cho đến hôm nay, những luật tục đó đã trở thành quy chế tại các bản làng. Luật tục người Hà Nhì quy định, bất cứ ai vi phạm rừng cấm cũng đều bị xử phạt nặng bằng tiền và buộc phải trồng lại đúng loài cây đã chặt phá. Không chỉ trồng mà sau đó còn phải chăm sóc đến khi cây lớn, người làng đến nghiệm thu mới xong. Đó thực sự là một luật tục rất độc đáo và nhân văn, không chỉ thể hiện sự nghiêm minh của luật tục, mà còn là sự nhân ái, công bằng của con người với thiên nhiên mà không một cơ quan chính quyền nào làm được... Chính những bài học nghiêm khắc như thế, đã tạo nên "tấm áo giáp" thực sự trong ý thức bảo vệ rừng của người Hà Nhì. Vì thế, mặc dù con đường lớn chạy qua giữa cánh rừng đã thông, kinh tế hàng hóa đã mở ra, nhưng bên cạnh những khu rừng thiêng, thì hơn 8.000 ha rừng nguyên sinh Ý Tý vẫn nguyên vẹn vẻ hoang sơ, kỳ vĩ và huyền bí, vẫn vững vàng vươn tấm thân lực lưỡng của mình che chở cho những bản làng, vẫn cầm mẫn chắt chiu nguồn nước mát lành trong vắt nuôi những dòng suối quanh năm tuôn chảy và trở thành nguồn sinh thái trường tồn nhất ở vùng núi phía tây Lào Cai này.
Thiên nhiên đầy ưu ái, nhưng thiên nhiên không hề nuông chiều con người. Thiên nhiên đã ban cho con người tất cả, nhưng cái mà thiên nhiên cần ở con người chính là tình thương và sự đối xử công bằng. Ngày hôm nay, chứng kiến vô vàn những phản kháng của thiên nhiên đối với con người ở khắ nơi trên thế giới đang diễn ra từng ngày, từng giờ, mới thấy hết được ý nghĩa của nguồn nước mát lành và trong vắt đang chảy mệt mài dưới chân những cánh rừng, tưới mát những cánh đồng Y Tý đang mướt một màu xanh...
Nếu như ví cuộc sống của cộng đồng giống như một cơ thể, thì nguồn nước mà những cánh rừng kia đem lại chính là dòng máu để duy trì sự sống đó. Nhưng không chỉ có vậy, rừng Y Tý còn đem lại cho cộng đồng cả những nhan sắc của sự phồn vinh. Lâu nay, những cây thảo quả mọc dưới tán rừng đã trở thành nguồn thu nhập có giá trị cao của người dân các bản Hà Nhì ở các xã Ý Tý, Dền Sáng, Sảng Ma Sáo... của huyện Bát Xát. Từ cây thảo quả, những cộng đồng người Mông, Dao, Hà Nhì... đã có của ăn của để, và đầu tư cho chất lượng cuộc sống của mình.
Và những cánh rừng cũng nhờ thế mà thêm sự bình yên...
<span style="Times New Roman" ,"serif""="">Ghi chép của Lương Ngọc An