Một đêm nằm với Lý Seo Vư, cháu nói với tôi về chương trình trồng cây cốt khí, một loại cố định đạm thuộc họ đậu và kế hoạch nuôi giun theo phương pháp được một chị tình nguyện viên người Úc dạy, kết hợp với kinh nghiệm của chính gia đình Vư ở Simacai. Tôi buột miệng hỏi: "Để cải tạo đất phải không?". Đang nằm, đột nhiên Vư tung chăn và cả màn, ngồi bật dậy: "Sao bác lại nói thế ? Sao lại nói cải tạo đất? Cháu không đồng ý đâu. Đất có tội gì mà phải cải tạo? Đối với đất, con người phải phụng dưỡng như cha mẹ.
Trông như một làng trong rừng. Một dòng suối, nhỏ, quanh năm đầy nước, rất xanh. Ven suối, non chục nhà sàn, kiểu Thái có, kiểu Mường có, Tày cũng có. Và một số nhà rải rác trong rừng, mỗi nơi vài ba chiếc, như những xóm nhỏ. Duy có điều khác các làng miền núi bây giờ; bây giờ các làng ngay ở miền núi thường cũng trơ khấc giữa trống huơ trống hoác, may lắm cũng chỉ lơ thơ mấy cây ăn quả. Ở đây tất cả, cả ngôi nhà ngói khá lớn dùng làm hội trường, đều chìm trong rừng già, thật sự là rừng già. Có một con đường nối các xóm ấy, đường ôtô hẳn hoi, gọi là đường nội bộ, khá quanh co vì khi mở đường người ta đã hết sức tránh không chặt phá bất cứ một cây to nào. Nhiều cây to thậm chí còn được vần đá quanh gốc giữ cho khỏi trốc.
Tôi nhớ có lần đi từ cực Nam nước Nhật lên Tokyo bằng xe buýt, phải chui qua đến hàng trăm cái hầm, có khi chỉ một ngọn đồi nhỏ cao chừng vài chục mét người ta cũng xoi hầm, hỏi tại sao thì được trả lời: trên đó có cây, xẻ đồi phá mất cây còn gì! Hẳn nước người ta giàu quá rồi nên mới làm được như thế, một cách nghĩ cực kỳ hiện đại. Ở đây tất nhiên nghèo hơn rất nhiều, mà xem đấy, nào có kém hiện đại. Hiện đại không bởi nhà cao cửa lớn, mà bởi biết thương quý nâng niu từng cái cây trong rừng. Có lẽ đúng hơn: "hậu hiện đại". Ta sẽ tiếp tục nói với nhau về chuyện này.
Đây là một cái trường trong rừng ở Hương Sơn, Quảng Bình. Nhỏ bé, lẩn khuất. Do một số người tâm huyết lập nên.
Học sinh toàn người các dân tộc thiểu số, Mông, Dao, Thái, Tày, Mã Liềng, Khơ Mú, Sán Dìu, cả Lào nữa, tận vùng Luang Prabang tìm sang... Học gì? Hỏi học sinh thì được trả lời: chúng cháu học làm nông dân. Lại hỏi: "Làm nông dân cũng phải học sao? Bằng cách nào vậy?". Lý Seo Vư người Mông, Lộc Văn Vin người Sán Dìu, Sầm Việt Thành người Thái và Hoàng Văn Đước người Tày bảo: "Tối nay bác sang ngủ với chúng cháu đi, chúng cháu muốn nghe bác nói chuyện. Còn bác có muốn nghe chuyện chúng cháu không?".
Ly Seo Vư và tác giả. Ảnh
Thật ra tôi có nói được gì với những người bạn ấy của tôi đâu, tôi chỉ được nghe họ. Thường vào những đêm rất khuya cùng nằm với nhau, nhiều lần thức trắng, đúng ra say chuyện sáng bửng lúc nào không hay. Chuyện trường rất dài, chuyện của mỗi người cũng chẳng ngắn, thật tình tôi muốn viết cả một cuốn sách nếu còn sức, lần này chỉ đành nói vắn tắt. Không biết làm sao mà những người làm trường này đã nhận được lòng tin của địa phương để được giao 350 hécta rừng. Để làm gì? Để mà gìn giữ.
Trước đấy, lâm tặc hoành hành, xe gỗ lậu chẳng thèm chờ đêm, ngang ngược chạy giữa ban ngày. Từ khi có trường, không còn mất cây gỗ nào. Học sinh được tuyển ở các vùng cao, từ Việt Bắc cho đến miền Tây các tỉnh. Giữa họ có một điểm chung: hầu như tất cả đều không sao học nổi trong hệ thống phổ thông của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Có cháu mãi không xong được lớp 10, cháu khác thì không tài nào tốt nghiệp lớp 12. Hình như những người làm công việc tuyển sinh của trường này âm thầm nuôi một ý tưởng: chính các cháu ấy, từ trong những chiều rất sâu nào đó, có thể là hoàn toàn tự phát - mà hoàn toàn tự phát thì mới thật hay bởi như vậy tức là từ trong "bản nguyên" của họ - họ dị ứng với nền giáo dục áp đặt kia. Ngôi trường này sẽ đánh thức cái "bản nguyên" đã gây dị ứng ấy.
Mỗi học sinh đến trường được giao chừng mươi hécta, và hãy tự mình xây lấy một trang trại theo tiêu chuẩn nghiêm nhặt nông nghiệp sinh thái. Được hướng dẫn sơ lược một số điều tối thiểu, rồi tự lên kế hoạch và làm. Họ mang đến tri thức bản địa, hóa ra phong phú, sâu sắc, và chính là cái mà nền giáo dục uy nghi của Bộ bỏ quên, đúng hơn không hề biết đến, mù tịt. Tri thức hàn lâm thì có đấy, đầy sách vở, giấy tờ, và được chứng nhận bằng bao nhiêu văn bằng, chức tước, danh hiệu, còn cái tri thức kia, bản địa, tức là gắn với đất đai cụ thể và sống động, là cuộc sống, sự sống thực, nồng đượm, nóng hổi, cái làm cho con người tồn tại được giữa đất trời này, không phải một ngày, một đời, một nhiệm kỳ, mà mãi mãi, bền vững, thân thiện với đất trời... thì mù tịt.
Đến đây tri thức bản địa được đánh thức, tôn vinh, chưng cất, đúc kết. Và những chàng trai cô gái trẻ từng bị xua đuổi bởi chương trình chính quy nhà nước bỗng nhận ra rằng các dân tộc của họ, tổ tiên họ tự ngàn xưa, nhân dân của họ, làng xóm họ, chính cha mẹ họ và cả họ hôm nay nữa, có những minh triết sâu xa mà họ không ngờ. Minh triết về mối quan hệ sinh tồn, sinh tử giữa con người với tự nhiên. Những người thầy giáo ở đây, ngay ngày đầu tiên đón họ bước chân đến, đã nói với họ điều họ không bao giờ ngờ, chưa từng nghe ở bất cứ trường nào: "Ở đây các em là thầy chứ không phải chúng tôi, các em đến đây để dạy chúng tôi cách con người sống giữa tự nhiên, chúng ta cùng nhau học và đúc kết cách sống ấy. Cho thành giáo trình. Cho cuộc đời của chúng ta. Cho chúng tôi, cho các em, và cho những người sẽ đến sau nữa. Cũng mong cho cả xã hội...".
Sầm Việt Thành và tình nguyện viên Úc Robert.
Ở trường này họ còn gặp những chuyên gia tình nguyện viên đến từ Úc, từ Anh, từ Canada, từ Mỹ, từ Thái Lan, từ New Zeland, từ tận Slovakia... Những người ấy bảo họ rằng chính họ cũng trăn trở đi tìm cách sống ấy, từng đi tìm ở khắp nơi trên thế giới đang xáo động ngày nay, nay lại tìm đến đây để trao đổi với họ, tâm sự với họ, truyền chuyển cho họ những gì những người ấy ngỡ đã thoáng đã tìm ra, và nghe học ở họ, để cùng họ tìm và làm. Làm nên một thế giới khác.
"Chúng tôi đã sống qua cái được gọi là thời hiện đại - những người bạn đến từ bốn phương ấy tâm sự với họ khi họ đã có thể trò chuyện được bằng tiếng Anh còn những người kia thì đã bập bẹ được đôi tiếng Mông hay Thái - chúng tôi đã sống qua cái thời hiện đại đã tàn phá thế giới này, trái đất này, cả bầu trời này của chúng ta, và tự tàn phá luôn cả chính mình. Chúng tôi đến với các bạn, đem đến cho các bạn lời thú tội của chúng tôi, của thế giới chúng tôi từng tạo ra và sống trong đó, và mong được cùng các bạn làm nên một thế giới khác. Thôi thì chúng ta hãy gọi thế giới ấy là thế giới "hậu hiện đại", một cách quy ước nhé. Thế giới trong đó con người là bạn, không, là con của tự nhiên, đứa con khiêm nhường và có hiếu của tự nhiên...".
Thật ra những người bạn đến từ bốn phương, những nhà hành hương kỳ lạ của một thế giới đang được mong ước tái tạo, khôi phục ấy, không nói nhiều lý thuyết cao siêu như vậy. Những điều vừa kể trên đây là tôi nhận ra được trong khi đọc các luận văn của các học sinh ở trường này. Vâng, các học sinh ở đây có viết luận văn. Khi tôi đến đây lần đầu, các cháu đã học được 18 tháng. Nay đã là ba năm. Mỗi cháu đã có được một trang trại thực hành. Và trường yêu cầu mỗi cháu viết một luận văn, khoảng 60 trang A4.
Tôi có cái hạnh phúc là bạn của các cháu. Các cháu đã gửi cho tôi tất cả các luận văn của mình. Không cái nào đúng 60 trang. Lý Seo Vư viết 650 trang. Lộc Văn Vin viết 520 trang... Tôi chưa bao giờ đọc được những luận văn như vậy. Không suôn sẻ và ngăn nắp lắm. Họ có được hướng dẫn của Vụ Đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo đâu. Trường này thì bảo họ tự do, muốn viết gì thì viết, nghĩ gì viết nấy. Thường thì họ bắt đầu bằng tâm sự về cuộc đời họ, dân tộc họ, gia đình họ; những trăn trở và lầm lạc, mù quáng của họ, không chỉ của họ, của cả những người thân, của dân tộc làng xóm họ, và của cả xã hội này nữa theo họ, cả nhân quần hôm nay nữa.
Tôi ngạc nhiên giọng phẫn nộ của họ khi viết về những điều ấy. Phẫn nộ vì con người ngu muội tàn phá chính cái thế giới mình đang sống. Họ viết bằng vi tính, tiếng Việt chưa thật đúng chính tả, thỉnh thoảng chen tiếng Anh, ấy vậy mà đọc những con chữ đó cứ như người viết đang muốn đâm thủng cả màn hình... Rồi họ nói vì sao họ đã tìm đến ngôi trường giữa rừng này, với những người bạn, người thầy, trong nước và ngoài nước họ được gặp ở đây.
Những cuộc trao đổi, tâm sự, tranh cãi. Những đêm suy nghĩ. Cả những trang nhật ký, những bức thư họ gửi cho gia đình, kể chuyện trường, khuyên nhủ và cố gắng đánh thức những người thân như chính họ đã được đánh thức... Những dự án, kế hoạch, chương trình họ thực hiện trên "mô hình" của mình (họ gọi các trang trại đang xây dựng của mình như vậy), thành công, thất bại, tìm kiếm, mong ước... Đôi khi, lạ thay, cả những kêu gọi thống thiết họ gửi đến xã hội. Từ một góc rừng... Từ một góc rừng nhỏ, hẻo lánh, yên tĩnh, có một thế giới và những con người đang trăn trở mong muốn, và không chỉ muốn, còn tự mình ra tay làm nên, làm lại một thế giới khác và những con người mới của thế giới ấy.
Rất nhỏ, nhưng như ta biết, có rất nhiều cách để đo sự nhỏ to trên đời này, phải không?
Một đêm nằm với Lý Seo Vư, cháu nói với tôi về chương trình trồng cây cốt khí, một loại cố định đạm thuộc họ đậu và kế hoạch nuôi giun theo phương pháp được một chị tình nguyện viên người Úc dạy, kết hợp với kinh nghiệm của chính gia đình Vư ở Simacai. Tôi buột miệng hỏi: "Để cải tạo đất phải không?". Đang nằm, đột nhiên Vư tung chăn và cả màn, ngồi bật dậy: "Sao bác lại nói thế ? Sao lại nói cải tạo đất? Cháu không đồng ý đâu. Đất có tội gì mà phải cải tạo? Đối với đất, con người phải phụng dưỡng như cha mẹ. Con người đã hư hỏng vì con người đã bất hiếu với đất, người mẹ của mình. Bác có đồng ý với cháu không? Hôm trước bác có hỏi cháu học làm nông dân là học gì. Là học phụng dưỡng đất đai, bác ạ. Học đạo hiếu với đất. Tức cũng là học làm người...".
Chỉ còn thiếu một điều Vư chưa nói ra: Học làm con người hậu hiện đại. Chữa lại cái thế giới đã bị hiện đại kiêu căng làm hỏng này.
Tôi không biết nói gì với Vư nữa, cậu thanh niên người Mông đã biết bao thân thiết. Tôi chỉ ôm chặt Vư. Hai bác cháu ngồi lặng với nhau trong buổi bình minh của rừng núi đang thức dậy, không gì đẹp bằng rừng thức dậy bình minh, rừng già, cứ như thế giới đã được cứu rỗi. Đang được cứu rỗi.
Ít nhất ở góc rừng này.
Cho một khởi đầu.
Hãy hy vọng.
Ngày cuối cùng của năm 2010
Nguyên Ngọc
(Nguồn: Theo Người bạn đường)