Lần đầu tiên tại Kon Tum, cộng đồng người Gia Rai tại thôn Ka Bay đã chính thức được công nhận quyền quản lý đối với 30.8 ha diện tích đất rừng truyền thống và tâm linh trên cơ sở thông tư liên tịch 07/TTLT-BNN & BTNMT. Sự kiện này có ý nghĩa lớn không chỉ đối với chủ quyền tài nguyên mà còn góp phần duy trì các không gian văn hóa tín ngưỡng của người Gia Rai.
Sau nhiều lần tham gia các diễn đàn do Viện SPERI và các tổ chức thành viên Liên minh đất rừng tổ chức, đặc biệt là Hội thảo về Quản lý và sử dụng đất rừng tại các cộng đồng dân tộc thiểu số vùng cao tháng 11 năm 2012, ông Nguyễn Văn Niệm, Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc xã Hơ Moong (huyện Sa Tầy, tỉnh Kon Tum) nhận thấy sự cần thiết của việc giao quyền đất đai cho cộng đồng dân cư các thôn tái định cư của xã trong quản lý bảo vệ rừng hiểu quả, cũng như góp phần ổn định đời sống của người dân. Ông đã đệ trình ý tưởng với UBND xã Hơ Moong và tìm kiếm các cơ quan và nhà khoa học để khảo sát, đánh giá thực trạng và cùng nhau vận động nguồn lực để hỗ trợ triển khai giao đất, rừng cho cộng đồng người dân Ja Rai tại thôn Ka Bay. Sự nỗ lực này cũng đã được đồng thuận và vào cuộc của UBND xã Hơ Moong, người dân thôn Ka Bay cũng như chính quyền và phòng ban chức năng cấp huyện và tỉnh như UBND tỉnh, Sở NN&PTNT, Liên hiệp các Hội KHKT Kon Tum và Phòng NN&PTNT huyện Sa Thầy.
Lễ trao quyền sử dụng đất cho cộng đồng người Ja Rai tại thôn Ka Bầy
Trước đề xuất của UBND Hơ Moong về thực hiện giao đất giao rừng cho thôn Ka Bay, UBND tỉnh Kon Tum giao cho Sở NN&PTNT, trên cơ sở Công văn số 1670/UBND-KTN của UBND tỉnh Kon Tum ngày 12/8/2013 về thông nhất chủ trương thí điểm giao rừng gắn với giao đất khu vực đầu nguồn cho cộng đồng thôn Ka Bầy xã Hơ Moong, huyện Sa Thầy, để chỉ đạo UBND huyện Sa Thầy cùng với Liên hiệp các Hội khoa học và kĩ thuật Kon Tum và xã Hơ Moong triển khai Chương trình thí điểm giao đất giao rừng cộng đồng cho thôn Ka Bay.
Kết quả là, tháng 11 năm 2018 cộng đồng người Ja Rai tại thôn Ka Bay đã chính thức nhận giấy quyền quản lý và sử dụng 30,8 ha đất rừng, trong đó có 22.8 ha rừng đầu nguồn nước sinh hoạt, 8 ha rừng tín ngưỡng. Từ đây, vĩnh viễn sẽ chấm dứt mối lo rừng không có chủ và xác định rõ trách nhiệm của từng người dân trong công tác quản lý bảo vệ và phát triển rừng để đưa lại không chỉ là lợi ích kinh tế, môi trường mà còn góp phần duy trì không gian văn hóa, tâm linh của người dân Gia Rai trên đất tái định cư.
Mặc dù với qui mô không lớn, nhưng đây sáng kiến đầu tiên của tỉnh Kon Tum trong việc giao quyền quản lý đất rừng cho cộng đồng trên cơ sở thông tư liên tịch 07/TTLT-BNN&BTN-MT. Sáng kiến này được xuất phát từ những nỗ lực và bài học từ những dự án thí điểm về giao quyền quản lý đất rừng cho cộng đồng dân cư do SPERI và các đối tác trong liên minh đất rừng tư vấn, hỗ trợ. Hơn nữa, chương trình này lại được sự đồng thuận và chung tay triển khai của nhiều cơ quan, ban nhành và chính quyền địa phương.