Đó là giải pháp được nêu ra tại Hội thảo Quản lý và sử dụng đất đai tại các cộng đồng dân tộc thiểu số miền núi do Viện Tư vấn và phát triển (CODE) tổ chức ngày 1/11.
Đến tháng 9/2012, cả nước vẫn còn gần 327.000 hộ đồng bào dân tộc thiểu số cần hỗ trợ đất ở và đất sản xuất.
Theo các chuyên gia, để thực hiện xóa đói giảm nghèo, ngoài việc quan tâm đến đất sản xuất nông nghiệp cần đặc biệt chú trọng quyền tiếp cận quản lý và sử dụng tài nguyên rừng và đất rừng cho cộng đồng dân tộc miền núi.
Ông Phan Đình Nhã, Viện Tư vấn phát triển (CODE), cho rằng, quá trình rà soát thu hồi đất đai của nông lâm trường quốc doanh cần giải quyết gốc rễ của vấn đề là giải quyết các mâu thuẫn về chống chéo, tranh chấp giữa nông lâm trường quốc doanh và người dân địa phương. Nhất thiết cần rà soát, đưa khu vực đất gần khu dân cư trả lại cho địa phương trên cơ sở nhu cầu của người dân và tổ chức giao đất để giải quyết dứt điểm tình trạng thiếu đất sản xuất của người dân địa phương.
Bên cạnh đó, quá trình rà soát, giao đất cần gắn với sinh kế và tập quán văn hóa xã hội của đồng bào dân tộc thiểu số ở xung quanh và trong vùng đất của nông lâm trường quốc doanh.
Đối với khu vực đang có chồng chéo quyền quản lý đất đai cần xem xét các đối tượng theo thứ tự ưu tiên khi rà soát: hộ gia đình đang thiếu đất sản xuất, cộng đồng quản lý đất rừng theo truyền thống, các hộ tại địa phương đã sử dụng ổn định lâu dài, nông lâm trường quốc doanh và các cá nhân, tổ chức khác sử dụng hiệu quả.
Nguồn: http://baodientu.chinhphu.vn/Home/Giao-dat-gan-voi-sinh-ke-va-van-hoa-cua-dong-bao-dan-toc-thieu-so/201211/153277.vgp