Hội nghị ngày 8 tháng 10 năm 2015 được tổ chức nhằm giải quyết các vướng mắc trong đồng quản trị rừng phòng hộ đầu nguồn dựa vào luật tục của bản Lóng Lăn đã được pháp lý công nhận trong lộ trình tiếp cận giao đất giao rừng dựa vào luật tục do CHESH Lào tư vấn năm 2005. Với sự vào cuộc quyết liệt của 13 trưởng bản của hai huyện Phon Xay và Luang Prabang, các trưởng vùng của 13 bản sinh sống và dựa vào tài nguyên rừng Phù Sủng, lãnh đạo huyện Luang Prabang và Phon Xay, Phó Giám đốc Sở Nông Lâm nghiệp tỉnh Luang Prabang, công an tỉnh Luang Prabang và quân đội đặc trách địa bàn vùng Phù Sủng toàn bộ các vướng mắc mang tính lịch sử từ năm 2005 tới nay liên quan đến việc xâm hại rừng Phòng hộ đầu nguồn Phù Sủng đã được từng bước bàn bạc và thống nhất bằng văn bản pháp lý.
Hội nghị kết luận
1) Tiếp tục phát huy và áp dụng triệt để qui chế của Lóng lăn trong đồng quản trị rừng Phòng hộ đầu nguồn trên toàn bộ 13 bản vùng Phù Sủng ừ năm 2005 đến nay.
2) Qui chế Lóng Lăn sẽ được các Trưởng vùng của 13 bản thuộc 2 huyện phổ biến đến tận từng người dân của cộng đồng mình hiểu bằng các tài liệu cẩm nang.
3) Các Trưởng vùng và Trưởng bản của 13 bản vùng Phù Sủng dựa vào Qui chế này như văn bản pháp lý của toàn vùng Phù Sủng để xử lý các vi phạm khi người dân bản mình nếu xâm hại tới vùng rừng chung của hai huyện.
4) Một cuộc cách mạng thu toàn bộ súng trên toàn 13 bản cũng được toàn thể các thành viên trong hội nghị nhiệt liệt ủng hộ. Theo dự đoán sẽ có khoảng 2000 khẩu súng sẽ được tự nguyện nộp lại cho cơ quan chức năng trong thời gian gần nhất.
5) Qui chế quản lý khách ra vào bản Lóng Lăn cũng được lãnh đạo huyện Luang Prabang và tỉnh Luang Prabang ủng hộ triệt để.
6) Hội nghị ủng hộ triệt để việc tiếp tục thúc đẩy và động viên mạnh mẽ mạng mạng lưới thanh niên 13 bản bảo vệ rừng Phù Sủng đã được thành lập từ ngày 13 tháng 8 năm 2013 do CHESH Lào tư vấn.
Có được 6 kết luận trên đây là kết quả của một lộ trình lắng nghe dân, hiểu dân và dựa vào dân để tiếp tục tôn trọng và phát huy sức mạnh nội lực của dân, mà luật tục đồng quản trị và bảo rừng Phòng hộ đầu nguồn vùng Phù Sủng của bản Lóng Lăn là nền tảng.
Già Xay Khư Zang nhắc lại: “khi dân biết đoàn kết, chính quyền biết đồng cảm với những bức xúc của dân thì dù khó đến bao nhiêu cũng có giải pháp vượt qua”.
Một lời cảm tạ sâu sắc của đoàn cán bộ huyện Phú Lương viếng thăm Lóng Lăn đã được thổ lộ qua email của cán bộ chương trình Trung tâm Phát triển Bền vững Nông thôn (SRD), ông Đào Đức Liêm (
liem@srd.org.vn) vào thời gian 2015-10-02 9.45 GMT + 07:00, với tiêu đề: “Cảm ơn đã giúp đỡ đoànThài nguyên của SRD” tới bà Trần Thị Lành, Chủ tịch sáng lập Viện SPERI và CC tới bà Nguyễn Minh Phương. Nội dung của email, như sau: “Cảm ơn chị Lành và cán bộ nhân viên SPERI đã giúp đỡ đoàn Dự Án Thái Nguyên của SRD trong chuyến tham quan học tập tại Luang Prabang. Sau khi đoàn về lại địa phương, em có nhận được nhiều cuộc điện thoại từ các xã, huyện xin gửi lời cảm ơn tới chị và SPERI. Nhiều người thổ lộ rằng họ học được rất nhiều điều từ chuyến thăm quan Lóng Lăn. Giờ họ mới thấy là hoàn toàn có thể sống tốt, hữu ích, giàu văn hóa, xung túc... từ chính việc bảo vệ rừng tự nhiên quanh họ. Em đang rất mong chờ các kế hoạch tiếp theo ở các xã, huyện vùng dự án thể hiện được sự chuyển đổi về ý thức, hiểu biết của họ. Đúng là trăm nghe không bằng một thấy và trăm thấy không bằng một sờ! Mô hình Lóng Lăn của chị và SPERI đã cho họ sờ thấy hiện thực tốt đẹp về quản lý rừng bền vững dựa vào cộng đồng. Một lần nữa em xin thay mặt đoàn, thay mặt bà con Phú Lương, Thái Nguyên cảm ơn chị, SPERI và bản Lóng Lăn về điều tốt đẹp các chị đã làm”.
CHESH Lào mong ước sẽ có nhiều đoàn đến Lóng Lăn chia sẽ để cùng nắm tay nhau đi trên con đường mới người cũ với bản Lóng Lăn, một bản của người Hmông vốn dĩ trong chiến tranh chống Mỹ là bản anh hùng; trong công cuộc đổi mới đất nước là bản “tự tin” và “bản lĩnh”; trong cuộc cách mạng củng cố chính quyền cơ sở mà Nghị Quyết 09 của Đảng Nhân dân Cách mạng Lào định hướng, Lóng Lăn là địa điểm tin cậy của Chính quyền; trong sự khủng hoảng của sinh kế và lối sống nửa tây nửa ta, Lóng Lăn là chỗ trở về. Lóng Lăn, một mô hình “ý Đảng” – “lòng dân” cần nhân rộng.
Đáng tiếc thay, các đại biểu của vùng Kuang Xi, tỉnh Luang Prabang không tham dự được bởi trùng ngày nghi lễ cúng Thần Thiên nhiên Kuang Xi nên họ đành phải vắng mặt. Hy vọng trong thời gian gần nhất, một cuộc hội ngộ tương tự sẽ được trưng cầu tại vùng Koang Xi trên cơ sở luật tục của tộc người Lào và tộc người Khơ Mú đang nuôi dưỡng vùng rừng phòng hộ đầu nguồn Kuang Xi. Một lãnh đạo tỉnh mỉm cười: “Tôi rất tâm đắc câu: chiến lược kết nối giữa Phù Sủng và Kuang Xi như âm với dương cùng nhau bảo vệ rừng đầu nguồn khỏi làm mếch lòng Thác Mẹ Kuang Xi”, chúng tôi hoàn toàn ủng hộ cách tiếp cận này./.
Trần Thị Lành