SPERI LIVELIHOOD SOVEREIGNTY MECO-ECOTRA HEPA ECO-FARMING SCHOOL CO2 JUSTICE
  TRANG CHỦ   Đồng quản trị  Bài viết
Chủ Quyền Sinh Kế
Tổng quan
Đồng quản trị
Luật tục
Tín ngưỡng
Đối tác
(Nghệ An) Đất đai và vấn đề tái định cư tại xã Ngọc Lâm, huyện Thanh Chương
05/02/2013
 


Dự án Thủy điện bản Vẽ được Chính phủ phê duyệt và chính thức khởi công vào năm 2003. Để phục vụ cho việc giải phóng mặt bằng công trình, dự án phải di dời hơn 2,000 hộ, 10.000 nhân khẩu khỏi vùng lòng hồ gồm 5 xã Kim Đa, Kim Tiến, Hữu Khuông, Hữu Dương và Luân Mai của huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An.

Tháng 2 năm 2006, bản đầu tiên được di dời đến tái định cư tại xã Thanh Hương, huyện Thanh Chương. Quá trình di dời dân của các bản còn lại đã kéo dài đến năm 2010 mới hoàn thành, do điều kiện vận chuyển nhà cửa, tài sản đến nơi tái định cư gặp rất nhiều khó khăn như phương tiện vận chuyển, giao thông đi lại, quá trình vận chuyển phải trải qua nhiều công đoạn, quãng đường di chuyển quá xa, tính từ nơi ở cũ đến nơi ở mới là 250 km đối với bản gần nhất và 350 km đối với bản xa nhất. Vì vậy, việc vận chuyển người và tài sản của nhân dân lòng hồ đến nơi tái định cư tốn rất nhiều thời gian và tiền của của nhân dân, việc di dời dân kéo dài đến hơn 4 năm mới hoàn thành.

Sau khi đến nơi ở mới, 2 bản Nhạn Pá và Muộng được nhập vào sinh hoạt với xã Thanh Thịnh. Các bản còn lại lần lượt được nhập vào sinh hoạt cùng xã Thanh Hương. Do có sự khác biệt lớn về văn hóa, phong tục tập quán và tất cả các mặt xã hội khác, việc hòa nhập của nhân dân tái định cư đối với cộng đồng và việc làm quen với môi trường, khí hậu ở địa phương mới vô cùng khó khăn. Hơn nữa, nhân dân sau khi đến nơi ở mới phải lo ổn định nơi ăn, chốn ở, lao động sản xuất cải thiện cuộc sống.

Tháng 5/2009, xã Ngọc Lâm được thành lập theo Nghị định số 07/CĐ-CP của Chính phủ trên cơ sở điều chỉnh một phần diện tích của xã Thanh Hương và xã Thanh Thịnh, huyện Thanh Chương với diện tích tự nhiên là 8.922,7 ha, gồm 6 bản - 2.725 nhân khẩu của xã Kim Tiến; 3 bản - 1.435 nhân khẩu của xã Hữu Khuông, 2 bản - 1.073 nhân khẩu của xã Hữu Dương và 3 bản -1.585 nhân khẩu của xã Luân Mai.

Bộ máy lâm thời của xã là số cán bộ chủ chốt của 4 xã giải thể lòng hồ, chịu trách nhiệm ổn định đời sống nhân dân và tích cực chuẩn bị các điều kiện cho Đại hội Đảng bộ lần thứ Nhất và củng cố chính quyền và các tổ chức đoàn thể vào năm 2010. Do xã mới được thành lập trên cơ sở 4 xã giải thể. Vì vậy, số cán bộ công chức, chuyên trách, bán chuyên trách của 4 xã không được bố trí công tác là rất lớn (gần 60 người). Cho đến nay số cán bộ trên vẫn chưa được giải quyết chế độ, chính sách theo quy định. Vấn đề trên là một trong những trở ngại lớn trong công tác tư tưởng của nhân dân và cán bộ.

Đến thời điểm tháng 10 năm 2012 xã Ngọc Lâm có 14 thôn bản, 1.369 hộ, 5720 nhân khẩu, dân tộc Thái chiếm 98,2%, còn lại gồm các dân tộc Khơ Mú, Thổ, Ơ Đu và Kinh.

Ngay khi được thành lập từ năm 2009 đến nay UBND xã đã phối hợp với các phòng chuyên môn của UBND huyện, BQL Dự án và đơn vị Tư vấn triển khai chia các loại đất đã được dự án thu hồi cho nhân dân. Tính đến thời điểm hiện tại, 13/14 bản đã được chia hết quỹ đất. Tổng diện tích dự án đã thu hồi và chia cho dân 2.277,2 ha đất sản xuất, bình quân 2.500 m2/khẩu, đất thổ cư là 228,2 ha và các loại đất sông suối và chuyên dụng khác: 251 ha. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân khách quan, còn 1 số đơn vị chưa được chia đủ theo bình quân chung của toàn xã, gồm:

Bản Nhạn Nhinh, do quỹ đất được thu hồi có nhiều đá và 1 phần xã mở đường liên thôn cho nên mới được chia bình quân 1.900 m2/khẩu, trong đó đất bằng được chia 400 m2/khẩu; đất khác 1.500m2/khẩu.

Bản Mà, do vướng qui hoạch nghĩa địa của bản Xốp Pe cho nên còn 10 hộ chưa được chia; 30 hộ khác đã được chia nhưng vì đất quá dốc và 1 số đất đã bị sạt trôi vậy hiện còn 40 hộ chưa có đất sản xuất.

Riêng đối bản Kim Hồng, diện tích dự kiến chia sẽ đảm bảo đủ theo bình quân chung là 2.500 m2/khẩu. Tuy nhiên, do người dân hầu hết bỏ về quê cũ làm ăn nên mới có 35 hộ (150 nhân khẩu) đã nhận đủ theo bình quân.

Trong quá trình chia các loại đất, UBND xã đã gặp phải một số vướng mắc. Đối với đất nhà ở, theo qui định của dự án, mỗi hộ tái định cư sẽ được chia từ 800-1.200 m2 đất thổ cư, tuy nhiên giữa hồ sơ quy hoạch trên bản đồ và thực tế trên hiện trạng có nhiều sự khác biệt (đất quá dốc, kề khe suối, có nguy cơ ngập lụt hàng năm). Cá biệt có những bản chỉ được chia từ 250 m2-350m2 đất thổ cư (bản Muộng), gây nhiều bức xúc trong nhân dân.

Đối với đất sản xuất nông nghiệp, do quá trình di dân kéo dài, việc chia đất không được triển khai kịp thời sau khi người dân đến tái định cư, việc các hộ đến tái định cư trước đã tranh thủ diện tích đất chưa được chia để lao động, sản xuất cải thiện đời sống là không thể tránh khỏi. Cho nên việc giải quyết tình trạng chồng lấn giữa hộ được chia đất và hộ có sản phẩm, cây cối, hoa mầu trên đất đã được chính quyền địa phương vào cuộc và giải quyết ổn thỏa.

Riêng đối bản bản Kim Hồng, là bản cuối cùng đến tái định cư (năm 2010) nên diện tích đất sản xuất dự kiến chia cho bản được nhân dân các bản đến trước tranh thủ canh tác để cải thiện cuộc sống trước mắt. Vì vậy, việc giải tỏa hết sản phẩm trên diện tích trên được chính quyền địa phương tích cực triển khai trong một thời gian dài mới hoàn thành. Trong giai đoạn chính quyền địa phương đang tích cực công tác giải tỏa, lần lượt nhân dân bản Kim Hồng trở về quê cũ để sản xuất. Do đó, đến thời điểm hiện tại, bản Kim Hồng còn lại 72/102 hộ chưa trở lại để nhận đất sản xuất.

Các bản còn lại, tuy đã được chia hết quỹ đất do dự án bàn giao (bình quân 2.500 m2/khẩu;1 ha/hộ), song do diện tích đất bằng có thể thâm canh các loại cây trồng là quá ít, đa số là đất đồi, dốc chỉ sử dụng được vào mục đích lâm nghiệp. Vì vậy, sau khi được chia đất nhân dân tận dụng trồng sắn từ 1-2 vụ sau đó trồng cây nguyên liệu giấy. Một số khác do thiếu quỹ đất hoặc còn vướng các trang trại của người ngoài địa phương đã nhận khoán với Lâm trường Thanh Chương trước đây, nay chưa được thu hồi, giải tỏa nên cho dù đã đến tái định cư từ 3-4 năm nay chưa được giao đất. Với diện tích đất được chia như vậy, nên sau khi trồng hết diện tích hầu hết lực lượng lao động không có việc làm, dẫn đến tình trạng lao động trở về quê cũ hoặc các địa phương khác để cải thiện cuộc sống.

Đối với đất lâm nghiệp, tuy xã Ngọc Lâm có diện tích tự nhiên và diện tích rừng sản xuất khá lớn. Tuy nhiên, diện tích này được phân bố xen kẽ giữa các khu tái định cư được dự án thu hồi (được gọi là rừng da báo). Toàn bộ diện tích rừng sản xuất đang thuộc quyền quản lý của Lâm trường, nay là BQL rừng phòng hộ Thanh Chương và các hộ ngoài địa phương đã nhận khoán với Lâm trường trước đây. Vì vậy, cho đến thời điểm hiện tại xã Ngọc Lâm chưa tổ chức giao đất lâm nghiệp.

Trước tình hình trên, ngày 24/5/2012, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 80/QĐ-UBND.ĐC về việc thu hồi 1.779,9 ha đất lâm nghiệp tại xã Thanh Sơn và xã Ngọc Lâm đang quản lý bởi Ban quản lý rừng phòng hộ Thanh Chương để UBND huyện lập phương án, hồ sơ tiến hành giao đất lâm nghiệp cho các hộ gia đình, cá nhân.

Để từng bước khắc phục việc nhân dân có thể tự túc được một phần về lương thức hàng năm, BQL dự án đã khảo sát và thiết kế một số diện tích đất bằng để khai hoang đồng ruộng cho nhân dân, đến nay đang triển khai một công trình có diện tích 9,7 ha.

Tuy đã được sự quan tâm của Dự án và của nhà nước; Đảng ủy, Chính quyền địa phương đã có nhiều Nghị quyết, quyết sách sát với tình hình và nỗ lực tự vươn lên của nhân dân, song các hộ tái định cư cũng còn nhiều khó khăn, vướng mắc nhất định.

Trước hết là vấn đề đất sản xuất nông nghiệp. Tuy Dự án đang tiến hành khai hoang đồng ruộng như đã nói ở trên, song với diện tích như vậy là quá ít so với cam kết của dự án được quy định trong Quy định tạm thời về đầu tư xây dựng khu tái định cư Thủy điện Bản Vẽ và nhu cầu tối thiểu của nhân dân. Về đất lâm nghiệp, tuy đã có Quyết định 08/QĐ-UBND.ĐC ngày 24/5/2012 của UBND tỉnh, song việc tiến hành xác định mốc giới trên thực địa, rà soát diện tích phân loại các loại đất…để lập hồ sơ giao đất vẫn chưa được thực hiện.

Ngoài ra tình trạng nhà ở tái định cư do dự án xây dựng đến nay đã xuống cấp nghiêm trọng, do chất lượng gỗ làm xà gồ, cầu phong, li tô không đảm bảo chất lượng, dẫn đến xà gồ mục nát gây võng mái, có nguy cơ sụp đổ gây tai nạn. Các hộ nhận nhà tái định cư do dự án xây dựng đa số là hộ đặc biệt khó khăn, không thể có điều kiện để tự khắc phục được tình trạng xuống cấp như đã nêu, nên nhiều hộ dân đã phải chuyển xuống sinh sống dưới gầm sàn để đảm bảo an toàn cho người.

Trước những khó khăn, vướng mắc như đã nêu trên, UBND xã có một số kiến nghị như sau:

Về đất sản xuất nông nghiệp, đề nghị Dự án tận dụng hết các điểm đất bằng trên địa bàn, chủ động được nguồn nước tưới, có diện tích từ 1 ha trở lên thì thiết kế khai hoang ruộng nước cho nhân dân để nhân dân có thể tự túc được một phần lương thực hàng năm; UBND tỉnh sớm phê duyệt đề án trồng chè công nghiệp đối với 2 xã tái định cư để triển khai thực hiện tại địa phương, góp phần vào việc giảm nghèo bền vững cho nhân dân.

Về đất lâm nghiệp, thu hồi đất thuộc rừng da báo và toàn bộ diện tích đất rừng sản xuất mà BQL rừng phòng hộ đã giao khoán cho các hộ ngoài địa phương và sớm triển khai việc hoàn thiện hồ sơ giao cho các hộ gia đình tái định cư khoanh nuôi, bảo vệ và trồng rừng để nhân dân ổn định cuộc sống lâu dài.

Về nhà ở tái định cư,  Dự án và các nhà thầu xây dựng có trách nhiệm kiểm tra, đánh giá tình trạng nhà ở tái định cư hiện nay để có biện pháp khắc phục. Người dân mới đưa vào sử mới được từ 4-6 năm đã xuống cấp nghiêm trọng. Vậy chất lượng xây dựng đã đúng theo yêu cầu và các quy định của nhà nước chưa.

 
In bài viết Bookmark and Share Quay lại
Bài viết khác
HEPA-Đồng quản trị hệ Sinh thái rừng Sông Ngàn Phố
Ánh Sáng Của Nghị Định 80 Theo Góc Nhìn Của Viện Nghiên Cứu Sinh Thái Chính Sách Xã Hội
Tham vấn Chuyên gia Luật Đất đai 2013 (sửa đổi) tại Hội đồng Dân tộc Quốc Hội. 18.08.2022
Tổng hợp 17 Điều do Liên minh LISO tư vấn góp ý kiến đã được chấp nhận trong Luật Lâm Nghiệp số 16/2017/QH14
Lễ tổng kết và kí bản ghi nhớ chương trình hợp tác phát triển giữa Sở Nông Lâm nghiệp Luang Prabang và CHESH Lào
Bản đồ điện tử chủ quyền sinh kế của bản Thapene tại Luang Prabang, CHDCND Lào
Bản đồ Chủ quyền Sinh kế của các cộng đồng dân tộc thiểu số hỗ trợ bởi Viện SPERI
Lễ bàn giao GCN quyền sử dụng đất rừng cho cộng đồng dân tộc Rơ Ngao làng Đăk Wơk, Đăk Yo và Kơ Tu xã Hơ Moong, huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum
Hội nghị triển khai mở rộng phương pháp GĐGR dựa vào luật tục và cộng đồng tại xã Phìn Ngan, tỉnh Lào Cai
Si Ma Cai - Lào Cai: Minh bạch đối với Quyền đất rừng quyết định sự bình đẳng trong Dịch vụ Môi trường Rừng

Tin tức
Xuất bản

- Tổng quan
- Video
- Diễn đàn
- Câu chuyện
- Liên minh Chủ quyền Sinh kế
Chủ Quyền Sinh Kế
- Tổng quan
- Đồng quản trị
- Luật tục
- Tín ngưỡng
Phụng Dưỡng Thiên Nhiên
- Tổng quan
- Vật linh giáo
- Đất rừng thiêng
- Lễ hội
Vùng Hoạt Động
- Lưu vực Mêkông
- Việt nam
- Lào
- Ban thư kí MECO-ECOTRA
Quản trị Tổ chức
Tổ chức
- Lịch sử
- Triết lý và Hành vi
- Tầm nhìn & Sứ mệnh
- Thiết chế
Nhân sự
- Điều phối Chương trình
- Ban Giám đốc
- Hội đồng Khoa học
- Thẩm định độc lập
- Hội đồng Viện
Lý thuyết
- Sinh thái Nhân văn Sinh học
- Nhân học và Sinh kế
12C Đường Phạm Huy Thông, Quận Ba Đình, T.P Hà Nội  *  Tel: +84-(0)4-3771 7367  *  Fax: +84-(0)4-3771 5691  *  Email: speri@speri.org
Copyright © 2019 by SPERI. All rights reserved