Hạnh Dịch là một xã miền núi vùng cao biên giới thuộc vùng Tây Bắc của huyện Quế Phong, tỉnh Nghệ An. Tính đến năm 2012 toàn xã có 11 bản, 691 hộ, 3.294 nhân khẩu, có trên 98% dân số toàn xã là dân tộc Thái, còn lại một số người dân tộc Kinh là bộ đội Biên phòng, giáo viên và các hộ gia đình mới đến lập nghiệp buôn bán. Cư dân bản địa ở đây có nguồn gốc từ tỉnh Thanh Hóa, từ nước Lào và các xã trong huyện Quỳ Châu (cũ) đến định cư khoảng trên 300 năm. Tất cả 11 bản của Hạnh Dịch đều sống dọc theo sông Nậm Việc (một nhánh đầu nguồn sông Hiếu). Mặc dù định cư đã lâu năm nhưng 2 nhóm người dân tộc Thái của Hạnh Dịch vẫn giữ được một số nét văn hóa riêng biệt; nhóm Thái : Táy Thảnh, cư trú ở vùng cao hơn gồm các bản Khốm, Chắm Pụt, bản Mứt, bản Cóng, Ná Sái và bản Hủa Mướng, là những bản vùng sâu, vùng xa giáp biên giới Việt - Lào, nhóm này chủ yếu đến từ Thanh Hóa và Lào; nhóm Thái: Táy Mướng, cư trú ở vùng thấp đó là: bản Pỏm Om, Pà Cọ, bản Chạm, Pà Kỉm, bản Chiếng -nhóm này chủ yếu từ các xã vùng trung tâm huyện và từ huyện Quỳ Châu chuyển đến là nhóm sớm tiếp xúc với xã hội bên ngoài và người Kinh nhiều hơn nhóm Táy Thảnh.
Sau gần 50 năm thành lập huyện Quế Phong (19/4/1963), xã Hạnh Dịch cũng đã trải qua vài lần chia tách, sáp nhập. Hiện nay xã có diện tích tự nhiên là 18.026,24 ha, trong đó diện tích đất lâm nghiệp chiếm 89,8% tổng diện tích toàn xã (16.887,7 ha), do nhiều chủ thể quản lý, bao gồm: 10.533,7 ha quy hoạch cho Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt; khoảng 1.400 ha quy hoạch cho Tổng đội TNXP7 – xây dựng kinh tế (nay là Nông trường Cao su Quế Phong) – dự kiến quy hoạch 6.000 ha nhưng thực tế không còn quỹ đất; Ban quản lý Rừng phòng hộ Quế Phong đang quản lý gần 6.000 ha, còn lại là đất do chính quyền xã Hạnh Dịch quản lý, trong đó đất sản xuất nông nghiệp chỉ có 288,11 ha, nhất là diện tích đất trồng lúa nước chỉ có 149,32 ha, cho nên hầu hết các bản đều chưa tự bảo đảm được lương thực, tỷ lệ hộ đói nghèo của xã còn rất cao, năm 2007 là 80,1%, năm 2012 giảm xuống còn 68,8%. Do diện tích đất canh tác có hạn, để đảm bảo sinh kế, ngoài trồng lúa nước và chăn nuôi, người dân phải vào rừng làm nương rãy để trồng ngô, khoai, sắn, các loại rau củ, khai thác măng, thuốc nam và một số lâm sản ngoài gỗ, thậm chí là người làm thuê cho các đầu nậu buôn bán gỗ và lâm sản trái phép từ bên ngoài vào.
Rừng, đất rừng, sông suối là không gian sinh tồn của cư dân bản địa từ ngày xưa đến nay, người dân dựa vào không gian này để làm nương rãy, làm nhà ở, làm vườn trại chăn thả gia súc gia cầm, đào ao thả cá…Đồng thời cũng là không gian sinh hoạt văn hóa cộng đồng, theo quan niệm của cư dân ở đây các ngọn núi, các khu rừng, hang động, khúc suối, dòng sông, thác nước … đều có thần linh làm chủ (pú kè mè khuổng, Tạo pú, Náng phả), ở mỗi khu dân cư đều có Pù Xưa, Lắc Xấn (là nơi thờ cúng người thủ lĩnh có công đầu đến khai đất lập bản – Thành Hoàng), có nghĩa địa (Đổng) để an táng người chết – những nơi đó đều rất linh thiêng đối với cư dân bản địa. Người dân tự chọn đất làm nhà, làm nương rãy theo truyền thống của mình và được cộng đồng thừa nhận, tôn trọng ranh giới đó, vì thế nên cộng đồng có thể tự điều chỉnh các vấn đề phát sinh trong quá trình sử dụng đất rừng. Người Thái có bề dày kinh nghiệm trong việc dùng các loại cây rừng làm thuốc chữa bệnh, làm thức ăn, nấu nước uống, làm vật gia dụng. Có nhiều bài thuốc chữa được bệnh nan y, cứu sống nhiều người trong và ngoài cộng đồng. Gỗ, củi, lâm sản ngoài gỗ được sử dụng thường xuyên trong cộng đồng như làm nhà, làm dụng cụ sinh hoạt và phục vụ sản xuất. Từ thực tiễn đó người dân đã khẳng định cuộc sống của cư dân ở đây không thể thiếu đất và rừng. Người dân có nhu cầu được Nhà nước giao quyền sử dụng đất và rừng lâu dài để quản lý, gắn kết cộng đồng thực hiện các nghi lễ tín ngưỡng, tâm linh và phát triển sinh kế bền vững.
Năm 2003, Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển năng lực Phụ nữ Dân tộc thiểu số (TEW) hỗ trợ xã Hạnh Dịch thực hiện chương trình giao đất giao rừng theo Nghị định 163/1999/NĐ-CP của Chính phủ cho 203 hộ dân được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (bìa đỏ) với 2.132 ha và tạm giao 265 ha – chưa cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất - cho 19 tổ chức đoàn thể (chi hội phụ nữ, chi hội nông dân, chi hội Đông y) thuộc xã. Là xã thực hiện tốt quy trình theo quy định GĐGR nên đến nay không xảy ra tình trạng tranh chấp, khiếu nại về đất đai. Rừng được giao cho dân không bị phát trọc làm nương rãy như những năm 90 của thế kỷ XX. Nhờ Dự án “Nâng cao năng lực cộng đồng” của TEW và SPERI mà người dân, nhất là phụ nữ đã biết cách tổ chức cuộc sống gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, tiếp thu được các tiến bộ khoa học kỹ thuật gắn với phát huy tri thức bản địa, biết lập kế hoạch sản xuất, chăn nuôi, khôi phục và phát triển nghề dệt thổ cẩm, lập tổ, nhóm hoạt động tiết kiệm, tín dụng, Hội làm vườn, Hội Đông Y hoạt động có hiệu quả, thiết thực góp phần xóa đói giảm nghèo và phát triển cho gia đình và cộng đồng.
Bản Pỏm Om nằm trên một mỏm đồi đá nhấp nhô gần sông Nậm Việc và đường lên biên giới Việt – Lào, là địa bàn trung tâm của xã, phía Bắc giáp sông Nậm Việc, phía Nam giáp xã Mường Nọc và Châu Kim, phía Đông giáp xã Tiền Phong và bản Pà Cọ, phía Tây giáp bản Khốm. Là nơi ảnh hưởng và giao thoa văn hóa giữa 2 nhóm Thái vùng trong và vùng ngoài. Bản có 68 hộ dân tộc Thái với 327 nhân khẩu. Tổng diện tích tự nhiên 663,75 ha, đất nông nghiệp 508,15 ha, trong đó đất lâm nghiệp 487,3 ha, đất trồng cây hàng năm 17,75 ha, đất phi nông nghiệp 14,3 ha. Từ năm 2001, Pỏm Om là một trong 3 bản thí điểm thực hiện Dự án “Nâng cao năng lực cộng đồng” do TEW hỗ trợ các hoạt động tập huấn nâng cao năng lực, tham quan học tập kinh nghiệm các mô hình phát triển trong tỉnh, trong nước, trong đó nổi bật nhất là việc giao đất lâm nghiệp theo Nghị định 163/1999-NĐ-CP, xây dựng công trình cấp nước sinh hoạt, công trình thủy lợi, tổ chức các nhóm chăn nuôi, thú y, thuốc nam, làm vườn, dệt thổ cẩm đều phát triển tốt, có hiệu quả thiết thực. Bản Pỏm Om được công nhận đơn vị đạt tiêu chuẩn “Làng văn hóa” đầu tiên của xã Hạnh Dịch.
Từ đặc điểm và những kết quả đã đạt được nêu trên, UBND huyện Quế Phong, UBND xã Hạnh Dịch được Viện SPERI hỗ trợ và phối hợp thực hiện GĐGR thí điểm cho cộng đồng bản Pỏm Om theo Thông tư liên tịch số 07/2011/TTLT/BNNPTNT-BTN&MT ngày 29/01/2011 của liên Bộ Bộ Nông nghiệp & PTNT – Bộ Tài nguyên & Môi trường “Hướng dẫn một số nội dung về giao rừng, thuê rừng gắn liền với giao đất, thuê đất lâm nghiệp”. Kết quả: Chủ tịch UBND huyện Quế Phong đã ký Quyết định số 616/QĐ-UBND ngày 19/6/2012, giao 426,52 ha đất lâm nghiệp cho cộng đồng bản Pỏm Om. Trong đó: Diện tích đất có rừng là 275,6 ha, diện tích đất chưa có rừng là 150,92 ha. Ngày 19/9/2012 UBND huyện và Viện SPERI đã tổ chức Lễ trao Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho cộng đồng bản Pỏm Om, được nhân dân bản Pỏm Om và xã Hạnh Dịch trân trọng đón nhận. Đa số nhân dân và cán bộ bản Pỏm Om đều biết rõ được ranh giới, hiện trạng khu vực đất, rừng của mình, nhận thức được khó khăn thách thức và nhu cầu giải quyết khó khăn. Đất, rừng có Quy chế Quản lý, bảo vệ, phát triển rừng cộng đồng và kế hoạch, giải pháp quản lý đối với từng vùng (rừng đầu nguồn nước, rừng thiêng; rừng bảo vệ, sử dụng và khoanh nuôi tái sinh; vùng chăn thả gia súc; vùng sản xuất nông-lâm nghiệp; vùng bảo tồn và phát triển thuốc nam; vùng nghĩa địa).
Qua quá trình triển khai thí điểm Thông tư liên tịch số 07 tại Pỏm Om, huyện Quế Phong rút ra được một số bài học như sau:
Có được sự thỏa thuận thống nhất dựa trên các cơ sở pháp lý.
Giao đất, giao rừng cho cộng đồng và hộ gia đình là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước. Chính phủ, các Bộ, chính quyền địa phương đã ban hành nhiều văn bản để chỉ đạo, điều hành, hướng dẫn thực hiện. Nên trước khi triển khai thực hiện việc GĐGR cho cộng đồng, UBND huyện đã cùng Viện SPERI có văn bản thỏa thuận và thống nhất kế hoạch tổ chức thực hiện. Đây là một bước đi đúng, hợp lý, nhằm tạo được sự thống nhất cao trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương, sự chủ động của tổ chức tư vấn, hỗ trợ và sự đồng thuận tham gia của cộng đồng ở cơ sở.
Khảo sát nắm chắc tình hình địa bàn và mong muốn của nhân dân.
Đây là việc làm cần thiết để giúp chính quyền huyện, xã, cơ quan tư vấn (SPERI) và đội ngũ cán bộ tham gia GĐGR hiểu rõ thực trạng, nhu cầu của cộng đồng; đồng thời phát huy được tri thức bản địa, vai trò của cộng đồng cùng thực hiện các bước quy trình và cùng giải quyết các vướng mắc. Thực hiện được phương châm có tính nguyên tắc là GĐGR dựa vào cộng đồng.
Tổ chức bộ máy lực lượng tham gia và chuẩn bị các thủ tục pháp lý.
UBND huyện quyết định thành lập Ban Chỉ đạo GĐGR cấp do Phó Chủ tịch UBND huyện làm trưởng ban và thành lập công tác GĐGR cấp huyện. Ở cấp xã thành lập Hội đồng GĐGR và tổ GĐGR có đại diện Mặt trận và các đoàn thể cấp xã và đại diện bản Pỏm Om tham gia thành viên. Thực hiện bước này để phân công nhiệm vụ, trách nhiệm cụ thể, rõ ràng trong quá trình thực hiện không chồng chéo chức năng, trách nhiệm của tập thể và cá nhân.
Xác định ranh giới, giải quyết mâu thuẫn, lập phương án giao đất.
Tổ chức các cuộc họp dân, họp các già bản, trưởng các dòng họ, các đoàn thể thảo luận với chi hội Phụ nữ, chi hội Đông y bản để thu hồi diện tích đất tạm giao khi thực hiện NĐ 163, đưa số diện tích này nhập vào khu vực đất, rừng sẽ giao cho cộng đồng; xác định rõ ranh giới đất của các hộ được giao theo 163 và ranh giới với các đơn vị có liên quan để không bị chồng lấn; xác định đất, ruộng khai hoang của các hộ dân đang sử dụng, thỏa thuận đưa vào diện tích đất sản xuất của cộng đồng và giao cho hộ được tiếp tục được sử dụng như: vùng Ná Mọ, Tèn Pục…; Xây dựng phương án quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; xây dựng quy chế quản lý, bảo vệ và phát triển đất, rừng cộng đồng và tiến hành các thủ tục, quy trình đề nghị cấp có thẩm quyền GĐGR cho cộng đồng. Được UBND huyện thống nhất quy hoạch GĐGR cho cộng đồng bản Pỏm Om tại Công văn số 533/UBND.TN ngày 08/11/2011.
Việc quản lý, sử dụng đất-rừng cộng đồng là một thực tiễn tồn tại khách quan, do đó GĐGR cho cộng đồng là một nhu cầu cấp thiết từ cộng đồng, đảm bảo cho cộng đồng có được nguồn tài nguyên để duy trì được giá trị bản sắc văn hóa, tín ngưỡng tâm linh và sinh kế hàng ngày.
Để việc giao GĐGR hiệu quả và bền vững cần có sự tham gia đầy đủ của cộng đồng, nhất là vai trò của các già bản, trưởng các dòng họ trong suốt quá trình thực hiện và phải tôn trọng niềm tin/tín ngưỡng của cộng đồng và lồng ghép các niềm tin và luật tục của cộng đồng vào quy hoạch, kế hoạch, quy chế quản lý, bảo vệ và phát triển đất-rừng. Đây chính là nền tảng, là yếu tố đảm bảo việc GĐGR cho cộng đồng được hiệu quả và bền vững. Từ kinh nghiệm và bài học ở đây cần vận dụng để mở rộng việc GĐGR cho các cộng đồng Dân tộc Thái của huyện Quế Phong.
Lang Văn Minh