Cùng với sự trợ giúp của NPA và quá trình đính kết lâu dài của Viện SPERI với các vấn đề bảo vệ cho quyền và lợi ích của các nhóm cộng đồng dân tộc thiểu số sinh sống ở vùng cao Việt Nam - trong năm 2011 vừa qua, SPERI đã thành công trong việc phối kết hợp chặt chẽ với các tổ chức đối tác cấp tỉnh, huyện, và xã thuộc tỉnh Lào Cai thực hiện Chương trình Giao lại Tài nguyên Đất rừng và đi tiên phong trong việc Lobby và Vận động hành lang về Giao đất rừng cho cấp cộng đồng cấp thôn - bản tại xã Lùng Sui, huyện Simacai.
Những thành công bước nhỏ trong thời gian qua nhằm hướng tới tiếng nói và mong muốn của chúng tôi cũng như của chính các cộng đồng bản địa tại nhiều vùng xa xôi, hẻo lánh về Quyền được bảo vệ, sử dụng, quản lý, và hưởng lợi của cộng đồng với nguồn đất rừng truyền thống thuộc ranh giới truyền thống vì ý nghĩa Công lý Môi trường, An toàn sinh kế.
Trong vòng hơn 50 năm trở lại đây, các chính sách tập trung quyền quản lý và quy hoạch tài nguyên đi kèm theo nó là một loạt các chế tài/định chế của Nhà nước đã và đang hoàn toàn thất bại trong việc giải quyết vấn đề cốt lõi của người dân, của cộng đồng "Quyền sử dụng, quản lý, và hưởng lợi đích thực đối với nguồn đất rừng", và đương nhiên, cũng hoàn toàn thất bại trong việc thúc đẩy mô hình quản trị đất rừng bền vững tại các địa bàn cơ sở. Tuy nhiên, với xu thế sự thay đổi/chuyển đổi của các chính sách quản lý tài nguyên gần đây thúc đẩy các quá trình 'phân quyền' và song hành với nó, Nhà nước tạo điều kiện cho sự phát triển một thị trường 'tài nguyên'. Thị trường đất đai cũng luôn luôn 'sống động' hơn bao giờ hết. Chính những làn sóng chuyển đổi này đang tạo cơ hội cho những kẻ cơ hội và quá trình đầu cơ/tích trữ của nhiều kẻ 'đầu cơ' ở Việt Nam đặc biệt với nguồn tài nguyên đất rừng. Nhiều khu vực đất rừng rơi vào tay của một nhóm nhỏ những kẻ cầm quyền trong khi đó, cộng đồng người dân tiếp tục rơi vào chỗ khủng hoảng, ngoài lề (Đàm & Trần, 2011).
Những chính sách gần đây của chính phủ vừa tạo ra cơ hội vừa tạo ra thách thức với nhiều cộng đồng dân tộc thiểu số đối với việc thực sự đón nhận được quyền sử dụng và quản lý đất rừng của họ. Đáng kể là Thông tư liên tịch 07 (2011) được đồng ký kết bởi Bộ Tài nguyên Môi trường và Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn thúc đẩy quá trình chuyển đổi quyền sử dụng đất đã được giao hoặc khoán từ Chương trình 327 (1992) và Chương trình 661 (1998) thành quyền sở hữu. Đi kèm theo đây Văn bản Hướng dẫn 1019 (2011) được ký bởi Văn phòng Thủ tướng kêu gọi quá trình chuyển đổi phải hoàn thiện đến hết năm 2012.
Tác động của những chính sách này (Thông tư liên tịch 07 năm 2011 và Văn bản Hướng dẫn 1019 năm 2011), đặc biệt kêu gọi cho quá trình khẩn trưởng hoàn thiện thủ tục chứng nhận quyền sử dụng/sở hữu đất, sẽ gây ra những nguy cơ/hiểm họa về quá trình bị xâm chiếm và tạo ra sự biệt lập/không liên kết giữa những cộng đồng dân tộc thiểu số (SPERI, 2011). Mối lo ngại đó là: chính quá trình đẩy nhanh của việc trao Giấy chứng nhận quyền sử dụng/sở hữu, và đáng lo ngại hơn là việc Văn bản Hướng dẫn 1019 thúc giục quá trình này phải hoàn thiện trước năm 2012, sẽ dẫn tới những tranh chấp, xung đột, va chạm về tài nguyên đất đai đặc biệt khi mà trên thực tiễn xảy ra còn nhiều trường hợp các chủ đất/chủ rừng đấu tranh giành Quyền trong cùng một diện tích mảnh đất. Thông tư Liên tịch 07 nhấn mạnh rõ việc cung cấp Quyền sở hữu này sẽ là tiền đề để tiến tới Nhà nước hoàn toàn cố định các đường ranh giới.
Nhiều nghiên cứu điểm đã chỉ rõ ranh giới của nhiều vùng đất đai khi giao theo Chương trình 327 và 661 thường hiếm khi được điều tra đúng và chính xác tại thực địa/hiện trường, chỉ hoàn toàn được vẽ lại và căn theo tỷ lệ với bản đồ ảnh viễn thám. Ví dụ, tại xã Lùng Sui, huyện Simacai, tỉnh Lào Cai thuộc miền Bắc Việt Nam, một đại diện bản nói "Tôi làm trưởng thôn từ hơn 10 năm nay, hồi đó cũng có đoàn đến làm giao đất nhưng chỉ nghe cán bộ đứng trên chỉ từ xa thôi, không đo đạc, sau đó họ làm thế nào thì không biết. Không đo đạc, không cắm mốc cẩn thận từng lô như bây giờ." Môt người dân khác nói "Hồi ấy, chúng tôi không biết gì cả. Đề nghị làm lại, giao lại bìa đỏ cho từng hộ." Chính vì thế, hậu quả của những chương trình giao theo 327 và 661 trước phần ranh giới giữa các chủ đất/người sử dụng đất thường bị chồng chéo, xân lấm. Sự chồng chéo này không chỉ xảy ra giữa các hộ gia đình,mà còn giữa các cơ quan chức năng và phần đất của các cộng đồng lâu nay vẫn được giữ gìn và quản lý bởi Luật tục.