(Thời báo Kinh Doanh) - Miền núi là nơi có nhiều đất rừng, cũng là nơi sinh sống của nhiều dân tộc thiểu số. Tuy nhiên, điều đáng buồn là hầu hết các dân tộc thiểu số đang rơi vào hoàn cảnh thiếu đất sản xuất, chất lượng đất cũng không đảm bảo điều kiện sản xuất, đất thường xấu và điều kiện canh tác khó khăn, chủ yếu là nương trên núi đá, nương núi đất có độ dốc cao.
Hạnh Dịch là một xã miền núi thuộc huyện Quế Phong, tỉnh Nghệ An, có 98% dân số là người dân tộc Thái. Từ khi Nhà nước cấm phát nương làm rẫy, đồng bào nơi đây thiếu đất sản xuất. Để giải quyết vấn đề, UNBD xã đã tiến hành giao đất, giao rừng cho bà con. Đến năm 2003, diện tích đất lâm nghiệp được giao cho cá nhân và hộ gia đình trong xã theo đầu người là 0,78ha/người, nhưng do dân số tăng, nên năm 2012, con số này giảm xuống còn 0,65ha/người.
Việc giao đất giao rừng theo Nghị định 163/1999 của Chính phủ mới chỉ đáp ứng được 40% số hộ có nhu cầu. Diện tích đất trồng lúa chỉ là 450m²/người (0,2ha/hộ). Vì thiếu đất sản xuất, nên tỷ lệ đói nghèo ở Hạnh Dịch luôn cao, năm 2012 có đến 68,8% hộ nghèo.
Câu chuyện dân tộc Thái ở xã Hạnh Dịch thiếu đất sản xuất chỉ là một trong nhiều trường hợp điển hình minh chứng cho thực trạng thiếu đất sản xuất của các dân tộc thiểu số đang sinh sống ở khu vực miền núi hiện nay.
Khu vực miền núi hiện chiếm tới 54,38% diện tích đất tự nhiên của cả nước, là nơi định cư của gần 25 triệu người, trong đó khoảng 13 triệu đồng bào dân tộc thiểu số. Mặc dù có tiềm năng lớn về đất đai, đặc biệt là đất lâm nghiệp, nhưng khu vực miền núi hiện nay lại là những vùng có nhiều áp lực về quỹ đất canh tác để giao cho các hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo.
Thực tế cho thấy quá trình thực thi chính sách phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số miền núi đã và đang bộc lộ nhiều vấn đề bức xúc trong quản lý tài nguyên đất đai và tài nguyên rừng. Vấn đề này đang trở thành rào cản trong quá trình đảm bảo sinh kế và ổn định xã hội tại các vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi Việt Nam.
Hiện nay, trong tổng số hơn 33,095 triệu ha diện tích đất tự nhiên của cả nước, diện tích sử dụng vào mục đích sản xuất nông nghiệp khoảng 10,126 triệu ha (chiếm 30,6% diện tích đất tự nhiên), sử dụng vào mục đích lâm nghiệp khoảng 15,366 triệu ha (chiếm 46,43% diện tích đất tự nhiên) và còn khoảng hơn 2,632 triệu ha đất đồi núi chưa sử dụng (đều là đất trống đồi núi trọc).
Cần tạo quỹ đất để đảm bảo sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số
...................................
Ông Phan Đình Nhã - Viện Tư vấn phát triển (CODE), cho biết tính đến tháng 9/2012, cộng đồng các dân tộc thiểu số cả nước vẫn còn gần 327.000 hộ thiếu đất, trong đó có 33.000 hộ thiếu đất ở và 294.000 hộ thiếu đất canh tác. Đối với nhóm 16 dân tộc rất ít người (dân tộc có dân số dưới 10.000 người) có đến 40,7% số hộ thiếu đất sản xuất nông nghiệp, trong đó, nhiều dân tộc có tỷ lệ thiếu đất sản xuất cao, như: Bố Y là 78,7%, Pà Thẻn: 62,9%, La Ha: 49,1%, Chứt: 44,9%... Bình quân đất sản xuất của 16 dân tộc này chỉ khoảng 0,1ha/khẩu, trong đó thấp nhất là dân tộc Pà Thẻn (0,04 ha/khẩu), Phù Lá (0,06 ha/khẩu), Pu Péo (0,08 ha/khẩu)…
Nhiều nơi, người dân tộc không những thiếu đất sản xuất, mà chất lượng đất sản xuất cũng không đảm bảo điều kiện sản xuất, đất thường xấu và điều kiện canh tác khó khăn, chủ yếu là nương trên núi đá, nương núi đất có độ dốc cao. Thiếu đất sản xuất là tình trạng phổ biến của các dự án (DA) thủy điện có thu hồi đất và di dân tái định cư (TĐC). Hầu hết DA TĐC đều không đủ quỹ đất (cả đất ở và đất sản xuất) để thực hiện bồi thường, đền bù bằng đất. Do vậy, ở nhiều DA, một phần đất sản xuất phải bồi thường bằng tiền để người dân tự lo liệu, thậm chí một số nơi không có đất nên buộc phải chuyển đổi nghề nghiệp làm suy giảm nguồn lực sinh kế cơ bản của người dân gắn với nông nghiệp - nông thôn, ảnh hưởng đến khả năng phục hồi sinh kế sau TĐC.
Ông Nguyễn Văn Niệm - Chủ tịch UBND xã Hơ Moong, huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum, cho biết 91% dân số trong xã là người Ba Na và Gia Rai. Trên cơ sở quy hoạch xây dựng để TĐC cho 749 hộ đã được phê duyệt để di dời khỏi vùng ngập, mỗi hộ TĐC được cấp 400m² đất ở, 1 - 1,2ha đất sản xuất và 600 - 1.000m² đất lúa nước. Thông thường, mỗi gia đình có từ 5 - 7 khẩu, nên tỷ lệ chia đất như hiện nay là quá ít.
Mặt khác, người dân Ba Na có nhiều tập tục, thói quen sinh hoạt cộng đồng đòi hỏi diện tích để tập trung cao, nhưng hiện nay diện tích quy định khu tái định cư quá nhỏ, không phù hợp với tập quán người dân tộc. Nhiều nơi người dân được phân nhà TĐC, nhưng do thiếu đất sản xuất, không ít hộ chán nản đã bỏ làng ra đi.
Trong khi phần lớn người dân miền núi thiếu đất sản xuất thì tại một số địa phương vẫn tồn tại nhiều diện tích đất trống đồi núi trọc "vô chủ", không được khai thác sản xuất, gây lãng phí trong sử dụng đất đai. Chính quyền các cấp có thẩm quyền nhiều nơi chưa thật sự quan tâm đến lợi ích của người dân, chưa chú trọng chuẩn bị và huy động kinh phí để tổ chức giao đất, giao rừng cho dân. Trong khi đó, các tổ chức, công ty tư nhân sẵn sàng có nguồn lực tài chính để thực hiện giao đất rừng và có điều kiện tiếp cận thông tin nhanh hơn người dân địa phương. Do vậy, trong cuộc cạnh tranh để được giao đất rừng, cộng đồng người dân địa phương thường là đối tượng yếu thế so với các tổ chức, công ty tư nhân.
Theo Cục Kiểm lâm (Bộ NN&PTNT), hiện vẫn còn tới 2,1 triệu ha đất rừng, đất lâm nghiệp là đất trống đồi núi trọc đang do UBND xã quản lý và chưa được giao cho ai. Tỷ lệ diện tích rừng do các doanh nghiệp nhà nước, UBND các cấp quản lý chiếm 50%, trong khi tỷ lệ diện tích rừng giao cho các hộ gia đình,cá nhân rất thấp, mới chỉ chiếm 27,5%, đã làm giảm hiệu quả xã hội của chính sách giao rừng, cho thuê rừng của Nhà nước và chưa huy động được nguồn lực lớn trong dân.
Nhiều ý kiến cho rằng Nhà nước cần tạo quỹ đất để đảm bảo sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số. Cần đánh giá chính xác hiệu quả hoạt động của các nông lâm trường quốc doanh; rà soát, thu hồi diện tích đất của khối nông lâm trường đang bị bỏ hoang không sản xuất hoặc sử dụng không đúng mục đích để trả về cho các địa phương. Cần triệt để giải quyết mâu thuẫn về chồng chéo, chồng lấn và tranh chấp, xâm lấn giữa nông lâm trường quốc doanh và người dân địa phương.
(Nguồn: http://thoibaokinhdoanh.vn/441/news-detail/393111/lang-kinh/dan-toc-thieu-so-doi-dat-san-xuat.html)