(ĐCSVN) – Sáng 9/10, tại thành phố Vinh, Nghệ An, Viện Nghiên cứu Sinh thái Chính sách Xã hội (SPERI), Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nghệ An tổ chức Hội thảo “Quản lý rừng cộng đồng: Chính sách và thực tiễn”.
Hội thảo đã thu hút sự tham gia của đông đảo đại biểu đại diện cho các sở nông nghiệp và phát triển nông thôn, sở tài nguyên và môi trường, chi cục lâm nghiệp, chi cục kiểm lâm và người dân các tỉnh Lạng Sơn, Lào Cai, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình...
Quản lý rừng cộng đồng đang trở thành một trong những phương thức quản lý rừng phổ biến ở Việt Nam. Rừng cộng đồng gắn liền với sinh kế và nền tảng cuộc sống văn hoá xã hội của nhiều đồng bào dân tộc thiểu số miền núi. Năm 1988 và 1991, lần đầu tiên, Luật Đất đai, Luật Bảo vệ và phát triển rừng được ra đời, cho phép giao đất, giao rừng cho tổ chức, cá nhân và hộ gia đình. Đến nay, Việt Nam đã có khung pháp lý và chính sách cơ bản về rừng cộng đồng, được thể hiện trong hai bộ luật lớn là Luật Đất đai 2003, Luật Bảo vệ và phát triển rừng năm 2004 và các văn bản hướng dẫn.
Tuy vậy, sau gần 10 năm chính thức có chủ trương giao đất, giao rừng cho cộng đồng, hệ thống văn bản pháp luật về rừng cộng đồng vẫn chưa được hoàn thiện, ảnh hưởng không nhỏ đến tiến độ và hiệu quả thực hiện công tác giao đất, giao rừng cho cộng đồng. Cùng với đó, thực tiễn triển khai giao đất, giao rừng cho cộng đồng vẫn đang ở giai đoạn mô hình là chính và chưa được triển khai trên diện rộng. Nhiều cộng đồng dân tộc thiểu số sống phụ thuộc vào rừng nhưng chưa được tiếp cận đầy đủ quyền quản lý, sử dụng rừng và các chính sách hỗ trợ của nhà nước khi được giao rừng.
Đề cập về những hạn chế trong công tác giao đất, giao rừng tại tỉnh Lào Cai, ông Trần Văn Đằng, Chi cục Lâm nghiệp Lào Cai cho biết: Những năm qua, việc giao đất, giao rừng cho các chủ rừng ở một số nơi trên thực địa chưa phân định rõ ràng dẫn đến tình trạng canh tác chồng chéo, xâm chiếm lẫn nhau; giao đất còn sai lệch về vị trí giữa bản đồ và thực địa; việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp cho các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân còn chậm và chưa gắn với công tác giao rừng; hiệu quả từ khai thác diện tích rừng và đất lâm nghiệp giao cho hộ gia đình, cá nhân ở một số nơi còn thấp, nguồn thu nhập từ rừng chưa tương xứng với tiềm năng, đời sống đa số hộ làm rừng còn nghèo...
Nói về những hạn chế trong công tác giao đất giao rừng tại huyện Quế Phong, tỉnh Nghệ An, ông Phạm Văn Dũng, Viện Nghiên cứu Sinh thái Chính sách xã hội nhấn mạnh tới vấn đề quy hoach “treo”, bất cập trong chuyển đổi đất và khả năng quản lý đất rừng. Ông Dũng cho biết, hiện nay, bà con ở xã Hạnh Dịch, huyện Quế Phong mặc dù thiếu đất nhưng không được lấy đất, vì rừng đã bị quy hoạch “treo” từ nhiều năm nay cho Tổng đội Thanh niên xung phong 7 (sau này là Nông trường cao su Quế Phong) và Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt... Theo ông Dũng, quy hoạch “treo” như vậy sẽ khiến người dân thiếu đất để phát triển sản xuất, rừng không được phân định rõ trách nhiệm cụ thể thuộc về ai dẫn tới hệ quả là không được bảo vệ tốt.
Tại Hội thảo, ông Phan Đình Nhã, Viện Tư vấn phát triển (CODE) đã nói về một thách thức không nhỏ đối với quản lý rừng cộng đồng hiện nay, đó là việc đa số cộng đồng có nhu cầu về quản lý rừng là đồng bào dân tộc thiểu số miền núi trình độ học vấn hạn chế nên gặp rất nhiều khó khăn trong việc chuẩn bị thủ tục hồ sơ để được giao rừng và lập hồ sơ tiếp cận các dịch vụ hỗ trợ của Nhà nước theo quy định. Do vậy, khi cộng đồng có nhu cầu giao rừng nhưng không biết bắt đầu như thế nào nếu không có sự hỗ trợ của chính quyền và các tổ chức xã hội.
Tại Hội thảo, các đại biểu cũng đã đề xuất nhiều giải pháp thiết thực, góp phần hoàn thiện chính sách và thực hiện có hiệu quả việc quản lý rừng cộng đồng ở Việt Nam. Trong đó, Nhà nước cần có chính sách, cơ chế hưởng lợi phù hợp đối với rừng giao cho cộng đồng thôn/bản; cần đơn giản hoá thủ tục giao đất rừng cho đồng bào các dân tộc. Chính quyền địa phương cần xác định giao đất giao rừng cho cộng đồng, thôn/bản là vấn đề ưu tiên bố trí kinh phí và thực sự quan tâm triển khai; cần rà soát lại ranh giới, trạng thái rừng, nhu cầu sử dụng đất rừng của cộng đồng để giải quyết tốt hiện trạng chồng lấn đất rừng, tranh chấp giữa các chủ rừng, thực hiện có hiệu quả công tác giao đất, giao rừng cho cộng đồng thôn/bản.../.
(Nguồn: http://dangcongsan.vn/cpv/Modules/News/NewsDetail.aspx?co_id=10045&cn_id=548041)