(ĐCSVN) - Ngày 3/10/2012, UBND huyện Si Ma Cai (Lào Cai) ra quyết định chính thức cấp lại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) cho 59 hộ gia đình và cộng đồng thôn Lùng Sán (xã Lùng Sui, huyện Si Ma Cai) sau đúng 7 năm mong đợi của người dân. Nguyên nhân của sự chậm trễ này là do sự sai lệch trong công tác đo đạc bản đồ khi giao đất và sự chồng chéo, thiếu phối hợp giữa các cơ quan chức năng trong quy hoạch đất rừng.
|
Phụ nữ thôn Lùng Sán – huyện Si Ma Cai, tỉnh Lào Cai.
Ảnh:Trọng Tuấn
|
Nằm trên đỉnh núi cao 1.100 mét, nơi có 63 hộ gia đình với 327 người H’mông thuộc 7 dòng ho:̣ Vàng, Giàng, Cư, Sùng, Hầu, Ly và Tráng, đó là thôn Lùng Sán của xã Lùng Sui, huyện Si Ma Cai, tỉnh Lào Cai. Từ bao đời nay, cuộc sống của người dân nơi đây gắn bó với từng mảnh nương, mảnh rừng. Cái đói, cái nghèo vẫn cứ đeo đẳng người dân nơi đây."Được Đảng và Nhà nước quan tâm nên cuộc sống bà con cũng đỡ nhiều rồi đấy…, À, mà mấy anh có biết tại sao dân trong thôn chúng tôi mãi mà chẳng được nhận cái "sổ đỏ" không…? - ông Trưởng thôn Ly Seo Pao thủng thỉnh, dè dặt vừa đáp vừa hỏi chúng tôi.
Đúng 8 năm trước - năm 2005, để tiếp tục triển khai chi tiết Bộ bản đồ địa chính cơ sở do Cục Đo đạc và Bản đồ Việt Nam thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì thông qua Dự án "Thành lập bản đồ địa hình, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp cho 8 tỉnh miền núi phía Bắc, Duyên hải Bắc Trung Bộ và 9 tỉnh Duyên hải miền Trung, Đông Nam Bộ", Sở Tài nguyên và Môi trường Lào Cai đã thuê Công ty Tư vấn dịch vụ công nghệ tài nguyên và môi trường (có trụ sở tại Quận Đống Đa - Hà Nội) đo vẽ chi tiết bản đồ địa chính giao, cấp GCNQSDĐ cho các chủ sử dụng đất trên toàn tỉnh Lào Cai, trong đó có thôn Lùng Sán. Mục đích của Dự án này nhằm đẩy nhanh tiến độ cấp GCNQSDĐ thông qua việc khai thác quỹ đất nông nghiệp và lâm nghiệp để phát triển sản xuất và ổn định đời sống cho người dân miền núi.
Kết quả là, đến giữa năm 2006, Dự án đã cho ra đời một bộ Bản đồ giải thửa giao đất, giao rừng tại thôn Lùng Sán với tỷ lệ 1/10.000 được Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Si Ma Cai và UBND xã Lùng Sui xác nhận năm 2006. Qua đây, 59 hộ gia đình thôn Lùng Sán có quyết định được nhận GCNQSDĐ đối với đất nông nghiệp và đất lâm nghiệp. Nhưng, 36/59 số giấy chứng nhận này phải lưu giữ tại Phòng Địa chính của xã. UBND xã không dám phát cho các hộ gia đình do sợ bị phản đối.
Nguyên nhân chính của tình trạng trên là do có nhiều sai lệch giữa số liệu trên bản đồ giao đất, GCNQSDĐ và mục kê so với thực tế. Có nhiều lô đất đã được vẽ trên bản đồ sai lệch so với thực tế 1.000 m. Có nhà thì đất của mình ở chỏm núi này, nay được khoanh sang ngọn núi khác. Điều mà người dân rất ngạc nhiên là không biết cán bộ đo, vẽ và giao đất từ bao giờ mà họ cũng không được biết! Ông Ly Seo Pao, trưởng thôn Lùng Sán nói: Tôi làm trưởng thôn được hơn 10 năm nay. Hồi đ́ó, cũng có đoàn đến làm giao đất, nhưng chỉ nghe cán bộ đứng trên chỉ từ xa thôi, mình không tham gia đo. Sau đó, họ làm thế nào thì không biết…
Có nhiều hộ gia đình, như gia đình nhà ông Cư Seo Lúa bỗng nhiên có tới hai GCNQSDĐ, trong khi nhà chỉ có một thửa đất. Ông Cư Seo Lúa, hiện tại là Phó Chủ tịch xã Lùng Sui phản ánh: Nhà tôi tự nhiên có tới hai "sổ đỏ" nhưng chỉ có một mảnh đất. Tôi thấy không an tâm mới mang đến hỏi Phòng Tài nguyên và Môi trường. Sau khi xem, họ bảo bác có một mảnh ở đằng sau Hội trường Ủy ban và một mảnh ở gần bản. Tôi bảo, tôi chỉ có một mảnh gần bản thôi, còn một mảnh nữa là của em trai tôi cũng ở gần bản, chứ không có mảnh đất nào ở sau Ủy ban cả…
Sau hai năm mong mỏi để được nhận GCNQSDĐ mà vẫn chưa được, thì đến tháng 8 năm 2008, Chi cục Lâm nghiệp Lào Cai tiếp tục thực hiện rà soát và thiết lập hệ thống Bản đồ hiện trạng điều chỉnh, bổ sung quy hoạch ba loại rừng cho Dự án 661 giai đoạn 2009-2010 với tỷ lệ 1/25.000. Đồng thời, Chi cục cũng thực hiện rà soát và thiết lập hệ thống Bản đồ hiện trạng rừng của 7 thôn của Lùng Sui, trong đó có Lùng Sán với tỉ lệ 1/25.000. Các bộ bản đồ này đã được các bên liên quan xác nhận và phê duyệt. Điều đáng chú ý là, những diện tích đất đã được giao cho các hộ gia đình trong thôn năm 2006 nay lại bị khoanh trọn trong diện tích rừng "Phòng hộ" thuộc quản lý bởi Ban Quản lý rừng phòng hộ.
Khi được hỏi về nguyên nhân, Ban Quản lý rừng phòng hộ Si Ma Cai cho rằng: Khi Phòng Tài nguyên và Môi trường làm bản đồ giao đất, họ không hỏi và cũng không tham khảo tài liệu của chúng tôi. Ngược lại, khi triển khai rà soát rừng thì chúng tôi cũng không tham khảo tài liệu của họ...
Kết quả là các gia đình thôn Lùng Sán không những vẫn không được nhận GCNQSDĐ mà còn bị mất quyền quản lý, sử dụng trên những diện tích đã được giao năm 2006. Vì vậy, sổ đỏ của các hộ thôn Lùng Sán vẫn nằm ở Phòng địa chính xã!
Sau 7 năm, dân đã nhận được Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
|
Người dân thôn Lùng Sán và cán bộ Kiểm Lâm đang đo trữ lượng
rừng. Ảnh: Trọng Tuấn
|
Tháng 6 năm 2011, UBND huyện Si Ma Cai thành lập Ban Chỉ đạo giao đất, giao rừng để phối kết hợp với Chi cục Phát triển Lâm nghiệp tỉnh Lào Cai và Viện Nghiên cứu sinh thái chính sách xã hội (SPERI) triển khai thí điểm giao rừng gắn với giao đất lâm nghiệp trên cơ sở Thông tư liên tịch số 07/2011/TTLT-BNN-BTN&MT cho các gia đình thôn Lùng Sán. Các nội dung chính của chương trình hợp tác gồm: Rà soát lại ranh giới và các loại rừng, đất rừng tại các xã triển khai thí điểm trên cơ sở hoạch định nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, văn hóa cộng đồng và dự phòng phát triển cho tương lai; hình thành bộ tiêu chí và phương pháp tiếp cận giải quyết chồng chéo ranh giới quản lý đất và đất rừng tại các thôn/xã; xây dựng kế hoạch và phương án giao đất, giao rừng cho các đối tượng; tổ chức triển khai giao rừng gắn với giao đất lâm nghiệp cho người dân và cộng đồng thôn Lùng Sán; hoàn thiện quy trình, trình tự thủ tục giao rừng gắn với giao đất cho cộng đồng dân cư thôn, bản trong điều kiện tại Si Ma Cai và hỗ trợ xây dựng quy chế, kế hoạch quản lý rừng cộng đồng sau giao đất, giao rừng.
Với phương pháp "cầm tay chỉ việc", mọi thành phần trong thôn, đặc biệt là chủ sử dụng đất đều được biết, tham gia trong suốt quá trình khảo sát, đo vẽ, xác định ranh giới, giải quyết chồng lấn, ngày 3 tháng 10 năm 2012, dự án thí điểm đã hoàn tất. 59 hộ gia đình và cộng đồng thôn Lùng Sán chính thức được nhận GCNQSDĐ mới. Ông Ly Seo Pao - trưởng thôn Lùng Sán vui mừng nói: "Bây giờ dân chúng tôi vui lắm vì đã nhận được sổ đỏ, đã biết được cách đo đạc, cắm mốc ranh giới cẩn thận từng lô đất của gia đình mình…".
Giao đất, giao rừng là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước trong hơn 30 năm qua nhằm quản lý, bảo vệ có hiệu quả tài nguyên đất và rừng, góp phần hỗ trợ người dân, đặc biệt là các nhóm dân tộc thiểu số vùng sâu, vùng xa, góp phần xoá đói giảm nghèo, ổn định cuộc sống và tạo động lực phát triển. Tuy nhiên, từ câu chuyện trên cho thấy, nếu đâu đó vẫn còn cách làm, mà ở đó người dân vẫn chưa được tham gia bàn bạc, vẫn thiếu những đội ngũ cán bộ có trình độ và tâm huyết, sự phối kết hợp thiếu chặt chẽ giữa các cơ quan chức năng sẽ không đạt được kết quả như mong muốn./.
(Nguồn: Trọng Tuấn_http://dangcongsan.vn/cpv/Modules/News/NewsDetail.aspx?co_id=30679&cn_id=547788)