Người Hmông bản Lóng Lăn có truyền thống lâu đời trong việc qui hoạch cảnh quan trong quản lý và sử dụng hợp lý các dạng tài nguyên thiên nhiên bằng các luật tục, giá trị và kinh nghiệm của cộng đồng. Ví dụ như vùng thiêng và đất truyền thống, vùng rừng bảo tồn và bảo vệ, vùng canh tác và khu dân cư. Mối quan hệ biện chứng giữa hệ sinh thái và nhân văn được thể hiện rõ nét trong các nghiên cứu tại Lóng Lăn. Một khi khu rừng thiêng bị ảnh hưởng, một khi vùng rừng bảo tồn bị tác động, niềm tin vào thần rừng, có thể kéo theo là cấu trúc truyền thống của người Hmông khó có thể duy trì.
Phân quyền quản lý, sử dụng và bảo vệ nguồn TNTN thông qua chương trình giao đất giao rừng dựa vào cộng đồng chính là quá trình học hỏi, lồng ghép hợp lý những tri thức bản địa và hệ giá trị của người Hmông và luật pháp, chính sách của nhà nước. Điều đó có nghĩa là đảm báo quyền tự bàn bạc, tự tham gia, tự quyết định các giải pháp của từng người dân, hộ gia đình, dòng họ và cộng đồng trong suốt quá trình phân quyền TNNT.
Phân quyền quản lý, sử dụng và bảo vệ TNTN chính là việc công nhận luật tục truyền thống, hệ tri thức bản địa và quan niệm về giá trị sở hữu của các dòng họ và cộng đồng.
Phân quyền quản lý, sử dụng và bảo vệ nguồn TNTN (đất, rừng) cho cá nhân, gia đình, dòng họ và cộng đồng cần đi đôi với quá trình nâng cao năng lực, nhận thức của người dân về quyền, trách nhiệm và nghĩa vụ của người được giao, đặc biệt là việc qui hoạch, sử dụng đất sau khi giao. Tuy nhiên, thông qua bài học ở Lóng Lăn thì bước đó cần phải đi một bước trước khi triển khai giao đất giao rừng. Lúc đó, người dân đã có đủ thời gian chuẩn bị, đủ tính tự tin và khả năng để sử dụng đất được giao có hiệu quả.
Các khúc mắc về đất đai, ranh giới truyền thống giữa các gia đình, dòng họ cộng đồng - công việc chính trong quá trình giao đất giao rừng, không chỉ đơn thuần là nhu cầu và phát triển kinh tế, mà chính là sự khác biệt về giá trị, quan niệm sở hữu và mối quan tâm của các đối tượng tham gia vào quá trình quản lý và sử dụng TNTN.
Đứng trước thách thức mới liên quan tới cơ chế thị trường, thị trường đất đai, canh tác cây hàng hóa, sự ồ ạt của các tập đoàn C.ty xuyên quốc gia thì một mình luật tục hoặc luật pháp khó có thể ngăn chặn được những ảnh hưởng tiêu cực đối với sự bền vững của nguồn TNTN, an toàn về cuộc sống cũng như những giá trị bản sắc văn hóa của các cộng đồng dân tộc thiểu số sinh sống ở vùng đầu nguồn. Vì vậy, luật tục cần được công nhận và được lồng ghép với luật pháp của nhà nước trong quá trình phân quyền quản lý TNTN.
Hội đồng già làng, đặc biệt là chủ ‘Nò Sòng’ và trưởng các dòng họ đóng vai trò tư vấn thực hiện các giai đoạn của quá trình phân quyền quản lý TNTN. Cán bộ huyện và kỹ thuật viên đóng vai trò khâu nối và chia sẻ kỹ thuật, luật pháp của nhà nước. CHESH Lào đóng vai trò tư vấn về phương pháp nghiên cứu và giao đất giao rừng dựa vào cộng đồng.
Trong các vùng đầu nguồn, nơi có nhiều dân tộc sinh sống, với các quan niệm giá trị khác nhau, phân quyền quản lý TNTN có thể dẫn đến nhiều mâu thuẫn nếu thiếu đi quá trình nghiên cứu kỹ lưỡng và áp dụng linh hoạt các giá trị của Luật tục và bản sắc văn hóa cộng đồng. Kinh nghiệm của chương trình giao đất giao rừng ở Lóng Lăn cho thấy, nếu giải quyết các vướng mắc về ranh giới bằng thủ tục hành chính thì sẽ có nguy cơ làm gia tăng các mâu thuẫn đó. Thứ nhất, quá trình canh tác nương rẫy, du canh du cư của các nhóm dân tộc trong vùng ‘Phu Sủng’ đã có lâu đời. Có nghĩa, sự đan xen về hệ thống canh tác và ranh giới giữa các cộng đồng là điều rễ dàng thấy được. Do đó, việc giải quyết các mâu thuẫn ranh giới giữa các bản chính là giải quyết mối quan hệ giữa các hộ gia đình. Sự tham gia của các hộ gia đình có tranh chấp đất đai, với sự tư vấn của Hội đồng già làng trong ‘Nò Sòng’ và mối quan hệ dòng tộc của người Hmông có vai trò hiệu quả trong quá trình đó.
Thứ hai, mặc dù từng cộng đồng đều có vùng rừng và đất riêng thuộc sở hữu của mình để khai thác, sử dụng. Tuy nhiên, các hộ gia đỉnh của các bản xung quanh vẫn có thể tiếp cận và chia sẻ nguồn tài nguyên trên đất để đảm bảo nhu cầu cuộc sống hàng ngày. Phân quyền quản lý, sử dụng TNTN thông qua giao đất giao rừng có thể làm giảm sự tiếp cận của các hộ gia đình bên ngoài cộng đồng. Cuộc sống của họ có thể bị ảnh hưởng. Khái niệm khai thác ‘trộm’, ‘trái phép’ dẫn đến các mâu thuẫn trong các mối quan hệ có thể nảy sinh ngay sau khi giao đất giao rừng. Do đó, mạng lưới và qui chế liên cộng đồng về quản lý và sử dụng TNTN giữa các tộc người trong vùng đầu nguồn là hết sức cần thiết để hạn chế các khúc mắc trên.