Làng và Bản ở nông thôn là hai khái niệm cùng thể hiện những nét tương đồng về phong cách văn hóa và các quan hệ gia đình và dòng họ đa dạng và đặc thù xưa và nay. “Lá rụng về cội, nơi chốn rau cắt rốn, lá lành đùm lá rách” là những truyền thống bất thành văn lưu truyền từ thiết chế chính trị xã hội này đến thiết chế chính trị xã hội khác như một chân lý cuộc sống. Hàn lâm hơn là “Thiện trong tư duy, chân trong hành vi, tự nguyện và mỹ trong quan hệ xã hội” cũng là điểm tựa để tu và hành trong một đời người mà ít chịu ảnh hưởng của các trào lưu “sống – hữu vị” hay “tồn tại – vô vị” ở Làng và Bản.
Làng và Bản, thường là NÔI TRUYỀN THỐNG ĐẬM ĐÀ BẢN SẮC VĂN HÓA, được đúc kết, được sàng lọc và được lựa chọn từ các kinh nghiệm và nghệ thuật xử thế, đối nhân và ngoại giao với thiên nhiên thông qua chiều dài lịch sử về thời gian, bề dày tri thức trong các không gian sinh tồn; và là những “Bảo tàng sống", là giáo trình thực hành và "Từ điển sống” về “Nhân giá trị của hệ nhân văn Làng và Bản”. Tuy nhiên, lâu nay đã không có nhiều các ghi nhận thực tiễn, khoa học và pháp lý về nguồn dinh dưỡng, về hệ giá trị xã hội lắng đọng CÓ HẬU này của Làng và Bản để giáo dưỡng, giáo dục và thuyết phục trong xã hội phát triển.
Làng và Bản là những tế bào tiền thân của xã hội và là cơ sở truyền thống, gốc rễ đầu tiên của các hình thái xã hội dân sự và xã hội chính trị khác nhau trong lịch sử phát triển của Việt Nam. Hiện nay, hệ giá trị dựa vào uy quyền vẫn đang còn được đồng bào cộng đồng các tộc người nuôi dưỡng và duy trì thầm lặng mà sâu sắc tại các vùng rừng phòng hộ đầu nguồn suốt giải biên giới, tựa như lời nhà thơ Hoàng Trung Thông đã nhắc nhở: “Hồn Tổ quốc ngự nơi rừng sâu thẳm; Rừng suy tàn Tổ quốc suy vong”.
Giải pháp giải quyết các mâu thuẫn và xung đột đất, rừng và nguồn nước hướng tới bảo vệ, phát triển bền vững nguồn vốn sở hữu toàn dân này tại các giải biên giới rừng phòng hộ đầu nguồn dựa vào Luật và Tục của Bản và Làng hiện nay cũng đang thực sự có hiệu quả bằng các chỉ số đo, đếm và nhìn thấy được và đang được SPERI làm điểm tựa cho mọi hành vi tiếp cận phát triển bền vững CHỦ QUYỀN SINH KẾ cấp Làng Bản từ năm 1994 lại nay.
Làng và Bản thực chất là MỘT PHÁP NHÂN trước công sản Đất, rừng và nguồn nước, cần được chính thức công nhận như một thực tiễn khách quan trường tồn của bất kỳ một cương lĩnh phát triển nào muốn hướng tới “Việc Nhân nghĩa cốt ở An dân”, đặc biệt là trong nền Kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa ở ta hiện nay.
Với người dân miền núi, rừng không chỉ là vấn đề sinh kế, mà còn là môi trường, là không gian để thực hành và duy trì những thiết chế văn hóa truyền thống của cộng đồng, mà những khái niệm như rừng thiêng, những lễ hội, những sinh hoạt tín ngưỡng truyền thống, những tín ngưỡng bản địa tại các cộng đồng, các tộc người trên các vùng địa lý khác nhau không chỉ là những biểu hiện văn hóa, cả vật thể và phi vật thể, hết sức quý giá của bản sắc văn hóa Việt Nam, đã được Nghị quyết Trung ương lần thứ Năm - Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VIII xác định cần phải xây dựng và phát triển; mà nó còn đồng nhất với những vấn đề về an toàn sinh kế, ổn định xã hội và an ninh quốc phòng tại các khu vực này. Chính vì vậy mà có thể nói Rừng cộng đồng và Quyền sử dụng đất cho Làng và Bản là một tồn tại khách quan và cần thiết được thể chế hóa trong hệ thống phát luật của ta, đặc biệt là trong bối cảnh chúng ta đang hướng tới một mô hình xã hội điều hành bằng pháp quyền hiện nay
Để làm rõ thêm vấn đề về ý nghĩa, vai trò cũng như quyền của cộng đồng đối với Rừng tâm linh và vấn đề liên quan đến sở hữu cộng đồng tại những khu vực này, các bài viết tiếp theo dưới đây sẽ giới thiệu một số các mô hình quản lý rừng tâm linh, rừng bảo vệ nguồn nước truyền thống của cộng đồng, rừng thuốc nam, rừng dòng họ dựa vào tín ngưỡng và luật tục... cũng như các lễ hội và thiết chế văn hóa tâm linh tại các cộng đồng, do Viện SPERI và các tổ chức tiền thân TEW/CHESH/CIRD cùng các Làng và Bản nuôi dưỡng trong gần 20 năm nay tại các vùng rừng phòng hộ xung yếu...