Cộng đồng tham gia quản lý rừng hay Lâm nghiệp cộng đồng tại Việt nam hiện nay bao gồm hai hình thức gồm Quản lý rừng cộng đồng và quản lý rừng dựa vào cộng đồng. Đối tượng chủ yếu là rừng có từ lâu đời trong cộng động, rừng được nhà nước giao và rừng phực vụ lợi ích chung của cộng đồng.
Quản lý rừng cộng đồng là hình thức cộng đồng dân cư thôn tự tổ chức quản lý, quyền sở hữu rừng hoặc sử dụng rừng thuộc về cộng đồng, khu rừng đó chưa thuộc về một chủ thể cụ thể nào.
Quản lý rừng dựa vào cộng đồng là hình thức cộng động tham gia quản lý bảo vệ nhưng khu rừng không thuộc quyền sở hữu, sử dụng của họ mà thuộc quyền sở hữu và sử dụng của các thành phần kinh tế khác nhưng có các mối quan hệ trực tiếp đến cộng đồng. Hình thức này có hai đối tượng. Thứ nhất là rừng của các thành viên trong cộng đồng. Các thành viên hợp tác lại để hỗ trợ lẫn nhau trong công tác quản lý bảo vệ và chung lợi ích. Nhóm thứ hai là rừng của các tổ chức, doanh ngiệp khác giao khoán cho cộng động tổ chức quản lý bảo vệ, phát triển với tư các là người làm thuê.
Vậy, việc giao đất giao rừng, cấp giấy quyền sử dụng rừng cho cộng động chỉ được thưc hiện ở hình thức thứ nhất.
Luật bảo vệ và phát triển rừng năm 2004 quy định, nếu cộng đồng được giao rừng tự nhiên thì chỉ được quyền sử dụng mà không có quyền sở hữu, nếu rừng được hình thành từ việc trồng rừng từ vốn tự có của mình thì cộng đồng có quyền sở hữu.
Việc giao rừng gắn với giao đất lâm nghiệp cho công đồng thôn được thể hiện rõ trong các văn bản luật và các thông tư hướng dẫn song địa vị pháp lý của cộng đồng thôn được hiểu như thế nào khi Quyền sử dụng đất gắn với quyền sử dụng rừng là tiêu chí quan trọng nhất để xác định rừng của cộng đồng. Luật dân sự năm 2005 không nhận công đồng thôn là một tư cách pháp nhân.
Trong điều 9 khoản 3 Luật đất đai năm 2003 ghi cộng động thôn được nhà nước giao đất và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, song không được thực hiện đầy đủ các quyền như Chuyển nhượng, thế chấp, cho, tặng … Với nội dung này cộng đồng thôn được công nhận như một tổ chức có pháp nhân.
Vậy, các văn bản này đã xuất hiện mâu thuẫn cần được xử lý làm rõ. Liệu trưởng thôn có đủ tư cách đại diện cho công đồng thôn để chịu mọi trách nhiệm về quyền lợi và nghĩa vụ về dân sự và hình sự trong các văn bản luật hay không? Trưởng thôn đại diện cho thôn như một pháp nhân thuộc tổ chức kinh tế hay pháp nhân cơ quan hành chính? Trong khi nhiệm kỳ cấp thôn 2,5 năm cho một khóa.
Việc hưởng lợi, phân công quản lý được thể hiện trong hương ước văn bản được giám sát bới các thành viên trong cộng đồng, còn trách nhiệm dân sự liệu ai thưc hiện? Ban quản lý thôn hay trưởng thôn hay toàn bộ thành viên? Được điều chỉnh trong luật như thế nào đều phải được làm rõ.
Phải công nhận rằng việc quản lý rừng cộng đồng và quản lý rừng dựa vào cộng đồng đã và đang có hiệu quả trong công tác bảo vệ rừng nhất là các khu vực rừng tự nhiên vùng sâu vùng xa, vùng có đồng báo dân tộc có tập quan sống cộng đồng, mức độ cạnh tranh không cao, quỹ đất lâm nghiệp lớn, trình độ canh tác thấp, thị trường lâm sản không gay gắt song nếu chúng ta không là rõ môi quan hệ tương tác trong quyền và nghĩa vụ pháp lý thì lâm nghiệp công đồng sẽ gặp những rủi ro trong công tác quản lý khi chúng ta đang hướng tới một xã hội pháp quyền.
Nên chăng còn coi trọng hình thức quản lý rừng dưa vào cộng đồng là chủ yếu trong lâm nghiệp cộng đồng, còn quản lý rừng cộng đồng cần phải xem xét lại tư cách pháp nhân của cộng đồng để xác lập cho phù hợp.
Có thể có cơ chế để cộng đồng trở thành một tổ hợp tác hay hợp tác xã lâm nghiệp.Trong khi chưa có pháp nhân rõ ràng, rừng cộng động nên giao cho cơ quan hành chính cấp xã làm chủ thể thông qua kiểm lâm để giao khoán lại cho cộng đồng quản lý theo hình thức quản lý rừng dựa vào cộng đồng.
Các khu rừng cộng đồng ngoài chức năng chung ra nó có thể được xem như quỹ đất phúc lợi chưa được giao để dự trữ cho địa phương sử dụng vào các mục đích như mở rộng khu dân cư khi tăng dân số, làm các công trình dân sinh và các mục đích khác trong tương lai./.
Nguyễn Tiến Lâm
Phát biểu trong Hội thảo: Quản lý rừng cộng đồng: Chính sách và Thực tiễn do Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nghệ An và Viện tổ chức ngày 9 tháng 10 năm 2012