Sống giữa núi rừng bạt ngàn nhưng có một nghịch lý trớ trêu hiện nay là đồng bào dân tộc các tỉnh miền núi hiện không đủ đất để canh tác, sản xuất nông - lâm nghiệp. Đất thiếu về lượng đã đành, nay càng kiệt quệ về chất, càng khiến cho bà con lâm vào cảnh thiếu lương thực để ăn, xoay đủ kiểu để sống, thậm chí phải sống du canh du cư.
Thiếu về lượng, kiệt quệ về chất
Bộ NNPTNT vừa công bố nhiều số liệu đáng quan ngại về tình trạng thiếu đất sản xuất tại nhiều tỉnh vùng núi nước ta hiện nay. Theo đó, tính đến hết tháng 9.2012, cả nước vẫn còn gần 327.000 hộ thiếu đất nói chung, trong đó có hơn 294.000 hộ thiếu đất sản xuất. Thiếu tư liệu sản xuất rơi nhiều vào nhóm dân tộc ít người (có dân số dưới 10.000 người) với 41% số hộ thiếu đất nông nghiệp. Theo tính toán của Viện Tư vấn phát triển (CODE), bình quân đất sản xuất của nhóm dân tộc này chỉ vẻn vẹn 0,1ha/khẩu, trong đó thấp nhất là dân tộc Pà Thẻn với 0,04ha/khẩu, Pu Péo với 0,08ha/khẩu... Nhóm hộ “báo động đỏ” về quỹ đất còn tập trung ở các vùng tái định cư dự án thủy điện, vùng đất ngập mặn. Tại huyện Sa Thầy - Kon Tum, hơn 740 hộ dân sau khi tái định cư di dời khỏi vùng ngập vẫn đang loay hoay khi mỗi hộ chỉ được cấp 1 - 1,2ha đất để canh tác. Đây được xem là quỹ đất vốn quá ít ỏi đối với những hộ dân tộc thiểu số vốn quen với tập quán canh tác rộng lớn.
Thiếu đất đã đành, điều đáng nói là chất lượng đất của những địa bàn nói trên cũng xuống cấp nghiêm trọng. Tại Sa Thầy, quỹ đất được giao cho dân vùng tái định cư lại chủ yếu là rừng nghèo kiệt. Hệ quả là dù có khai hoang để trồng cây ngắn ngày nhưng dân vẫn không đủ sống trên chính mảnh đất được giao. CODE cũng cung cấp thêm, đất các vùng núi, đặc biệt miền núi phía bắc chủ yếu là đất núi đá, độ dốc lớn. Đất lâm nghiệp tuy lớn nhưng số diện tích thực giao cho bà con canh tác lại quá ít ỏi. Khoảng 380 hộ dân tộc Vân Kiều ở xã Trường Sơn, huyện Quảng Ninh (Quảng Bình) được giao gần 190ha đất nông nghiệp, song trong thực tế, chỉ 45% số đất này là sản xuất được, phần còn lại là đất núi đá vôi, đồi dốc.
Tăng tốc giao rừng cho dân
Theo Cục Kiểm lâm, trước đây nông dân miền núi tham gia sản xuất lâm nghiệp đơn thuần chỉ như công nhân làm thuê cho các lâm trường. “Nồi cơm” của họ phụ thuộc vào sự thăng trầm của các lâm trường quốc doanh. Vì thế, Nghị định 163 về giao đất cho dân trở thành cứu cánh của không ít hộ dân vùng núi vốn quá khó khăn về kinh tế hiện nay. Tuy nhiên, dù đã triển khai rầm rộ, song trong thực tế, tỉ lệ đất rừng giao cho hộ gia đình mới chỉ chiếm 27% tổng quỹ đất. Xung quanh việc giao đất cũng còn quá nhiều bất cập như diện tích rừng giao cho chủ rừng và người dân chưa xác định cụ thể trên bản đồ và thực địa, hồ sơ giao đất, giao rừng thiếu nhất quán, quản lý không chặt chẽ và không đồng bộ. Có những diện tích rừng và đất lâm nghiệp được giao quản lý đã bị chuyển đổi mục đích khác nhưng không bị xử lý.
Trước thực trạng này, Bộ NNPTNT trực tiếp giao Cục Kiểm lâm rốt ráo thực hiện công tác giao đất, giao rừng và cho thuê rừng cho hộ gia đình ở vùng núi. CODE sẽ phối hợp với Cục Kiểm lâm trong nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung một số văn bản quy phạm pháp luật về giao đất giao rừng cho phù hợp với điều kiện thực tế, đồng thời có chính sách hưởng lợi thích hợp khuyến khích mọi thành phần tham gia nhận đất, nhận rừng để quản lý bảo vệ và sản xuất kinh doanh hiệu quả.
(Nguồn: http://laodong.com.vn/Kinh-doanh/Vung-nui-phia-bac-Thieu-tram-trong-dat-san-xuat/95916.bld)