Ðược thực hiện nhờ sự trợ giúp, tư vấn, hỗ trợ chi phí của Viện Nghiên cứu Sinh thái Chính sách Xã hội (SPERI), mới đây, UBND huyện Quế Phong, tỉnh Nghệ An đã ký Giấy chứng nhận quyền sử dụng 426,7 ha đất rừng cho đồng bào bản Pỏm Om, xã Hạnh Dịch bảo đảm đúng pháp luật và luật tục của người Thái. Tuy nhiên, qua quá trình thực hiện, nhiều bất cập trong khung pháp lý về đất rừng đã bộc lộ, cần kịp thời tháo gỡ.
Bất cập trong giao đất, giao rừng
Mặc dù Nhà nước đã ban hành chính sách giao đất rừng cho đồng bào dân tộc thiểu số, nhưng thực tế kết quả rất hạn chế. Trong đó, trở ngại lớn nhất là yêu cầu về hồ sơ, thủ tục quá phức tạp. Theo Thông tư 38/2007/TT-BNN hướng dẫn trình tự, thủ tục giao rừng, để hoàn tất hồ sơ thì phải họp bàn giữa chính quyền với người dân để thông qua đơn, kế hoạch quản lý khu rừng sau khi được Nhà nước giao rừng, thẩm định hồ sơ, tờ trình kèm hồ sơ, biên bản khi bàn giao rừng tại thực địa, thực hiện nghĩa vụ tài chính... "Một đồng bào và chính quyền cấp xã bình thường không thể hoặc rất khó hoàn thành được tất cả các yêu cầu nêu trên. Chưa nói đến đồng bào các dân tộc còn bị rào cản ngôn ngữ, thì các thủ tục trên thật sự là thách đố không thể vượt qua" - là bộc bạch của Phó Chủ tịch UBND xã Hạnh Dịch Lương Quốc Việt. Ông Việt cũng cho rằng: Nếu không có sự hỗ trợ về phương pháp và kinh phí của Viện SPERI, thì mô hình giao đất rừng ở bản Pỏm Om chắc không thể hoàn thành. Sự phức tạp của thủ tục không chỉ gây trở ngại với chính quyền địa phương mà còn đối với từng cá nhân, hộ gia đình. Ông Vi Ðình Văn, điều phối viên của Viện SPERI tại bản Pỏm Om cho biết: Các yêu cầu về thủ tục quá phức tạp. Trong khi đồng bào dân tộc thiểu số đều nghèo, cho nên hầu như không có nguồn lực để chi phí cho các thủ tục giao đất rừng theo quy định của Thông tư 38/2007/TT-BNN. Mặt khác, có bản do trình độ văn hóa người dân còn hạn chế, cho nên việc yêu cầu họ viết đơn và làm các thủ tục để được xét giao đất, giao rừng là điều không thể.
Ngoài sự phức tạp của thủ tục, hiện tại việc giao đất rừng còn "ưu tiên" các doanh nghiệp nắm giữ đất rừng, chứ chưa chú ý đến đồng bào các dân tộc. Tại xã Hạnh Dịch có bình quân đất rừng trên đầu người lớn, nhưng đất giao lại cho dân đạt quá thấp. Trong khi dân địa phương thiếu đất rừng (chỉ được giao 0,65 ha/người), thì bình quân đất rừng trên mỗi cán bộ Ban quản lý rừng là 1.243 ha, và mỗi cán bộ công nhân Công ty cổ phần Ðầu tư phát triển cao-su Nghệ An là 61,3 ha. Thực trạng này không chỉ ở riêng Hạnh Dịch mà còn phổ biến ở nhiều nơi khác. Nguyên nhân chính là các văn bản pháp luật chưa có sự ưu tiên đúng mức cho chủ thể được giao đất rừng là đồng bào các dân tộc.
Ưu tiên giao đất rừng cho đồng bào các dân tộc
Ưu tiên giao đất, giao rừng cho đồng bào các dân tộc là một việc làm cần thiết. Bởi lẽ, hiện nay mức sống của người dân nơi đây còn thấp trong khi đã nhiều đời gắn bó với núi rừng. Hơn nữa, nông nghiệp miền núi hoàn toàn khác với miền xuôi do gắn chặt với lâm nghiệp và phát triển nghề rừng. Vì vậy, giao đất, giao rừng cho hộ gia đình, cá nhân, sẽ tạo điều kiện cho đồng bào yên tâm sản xuất. Thực tế sau khi giao đất, giao rừng, tại xã Hạnh Dịch đã xuất hiện các nhóm làm vườn hiệu quả, hình thành các mô hình vườn rừng sinh thái, nông, lâm kết hợp tốt như vườn của ông Vi Văn Nhất, ông Vi Văn Thành ở bản Na Xai, hoặc vườn đa dạng với các loài thuốc nam của thầy thuốc Hà Văn Tuyên ở bản Pỏm Om.
Muốn làm được điều này, thứ tự ưu tiên giao đất, giao rừng cho đồng bào địa phương cần thể hiện rõ ràng trong quy hoạch sử dụng đất rừng và trong các văn bản pháp luật liên quan đến giao đất, giao rừng từ Trung ương đến địa phương. Theo đó, cần đơn giản hóa các yêu cầu trong thủ tục giao đất rừng và linh hoạt các nghĩa vụ tài chính vì không thể coi và yêu cầu hộ gia đình, đồng bào các dân tộc phải hoàn thành các thủ tục phức tạp và chi trả nghĩa vụ tài chính giống như các chủ thể có tiền, có trình độ khác.
Bên cạnh đó, quy hoạch "treo" đã và đang ảnh hưởng trực tiếp đến việc giao đất, giao rừng cho đồng bào. Mặc dù Nhà nước đã có chính sách, văn bản pháp luật yêu cầu sắp xếp, đổi mới nông, lâm trường, trả lại đất cho người dân địa phương và bảo đảm đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số, nhưng hiện tại ở xã Hạnh Dịch cũng như nhiều địa phương khác của huyện Quế Phong, người dân trong xã thiếu đất nhưng vẫn không được giao đất, vì đất rừng đã được quy hoạch "treo" cho Tổng đội Thanh niên xung phong 7 (sau này là Nông trường cao-su Quế Phong). Tiểu khu 83-85 nơi có vùng đất rừng đầu nguồn xung yếu của bản Pỏm Om và các bản chung quanh đang bị quy hoạch làm vùng sản xuất trồng cao-su. Mặc dù nông trường cao-su chưa được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, nhưng họ vẫn giữ đất để đấy.
Qua quá trình thực hiện thí điểm giao đất, giao rừng cho đồng bào người Thái tại bản Pỏm Om, xã Hạnh Dịch, huyện Quế Phong, cho thấy nhiều bất cập trong khung pháp lý về quản lý đất rừng. Sửa đổi, bổ sung các văn bản pháp lý, đồng thời xác định ưu tiên giao đất, giao rừng cho đồng bào các dân tộc và người dân ở địa phương là việc làm cấp thiết, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, ổn định quốc phòng-an ninh vùng dân tộc miền núi. Ðồng thời tạo ra một lực lượng bảo vệ rừng chủ yếu tại chỗ, hiệu quả và bền vững.