Rừng và đất rừng là không gian sinh tồn gắn với truyền thống văn hóa xã hội và là nguồn lực tự nhiên rất quan trọng để duy trì sinh kế của cộng đồng các dân tộc miền núi. Tuy nhiên, thời qua qua việc bảo vệ tài nguyên rừng chưa thực sự thu hút được sức mạnh của cộng đồng dân cư trong đó có đồng bào dân tộc miền núi.
Tính đến năm 2010, Việt Nam đã khai thác sử dụng khoảng hơn 10,1 triệu ha và còn khoảng 2,6 triệu ha đất đồi núi chưa được sử dụng (đất đồi trọc) có tiềm năng phát triển lâm nghiệp. Đất lâm nghiệp và tài nguyên rừng phân bố chủ yếu ở vùng miền núi, là vùng đầu nguồn của nhiều hệ thống sông suối, vùng sâu vùng xa, vùng biên giới và là nơi định cư của gần 25 triệu người, trong đó có khoảng 13 triệu đồng bào vùng dân tộc thiểu số, chiếm khoảng 14% dân số cả nước. Có thể nói rừng và đất lâm nghiệp có vị trí đặc biệt quan trọng trong phát triển KT - XH, bảo vệ môi trường sinh thái và an ninh, quốc phòng của Việt Nam. Cộng động các dân tộc miền núi có vai trò rất quan trọng trong việc đóng góp vào việc quản lý và bảo vệ rừng.
Nhận thức được tầm quan trọng của cộng đồng các dân tộc miền núi, thời gian qua, nhiều chủ trương chính sách lớn của Nhà nước đã được ban hành nhằm hỗ trợ phát triển KT - XH, nhiều chương trình xóa đói giảm nghèo để tạo điều kiện cải thiện cho đời sống cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số trong đó có chính sách đất đai. Thực tế cũng cho thấy, mặc dù có nhiều tiềm năng lớn về đất đai, đặc biệt là đất lâm nghiệp nhưng vùng miền núi hiện nay lại là những vùng có nhiều áp lực về thiếu quỹ đất để giao cho các hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo. Điều đáng quan tâm hiện nay là quá trình thực thi chính sách phát triển KT - XH vùng dân tộc thiểu số miền núi đã và đang bộc lộ nhiều vấn đề bức xúc trong quản lý sử dụng tài nguyên đất đai và tài nguyên rừng, đặc biệt là tình trạng thiếu đất sản xuất của đồng bào dân tộc thiểu số. Thực tế cũng cho thấy, cộng đồng dân cư đặc biệt là người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số chưa thực sự quan tâm đến vấn đề sử dụng tài nguyên rừng. Đây thực sự trở thành một rào cản trong quá trình bảo đảm sinh kế và ổn định xã hội tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi ở nước ta.
Thống kê hiện nay, một số xã thuộc vùng núi ở nước ta, người dân đang thiếu đất để sản xuất. Theo Phó chủ tịch UBND xã Trường Sơn, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình Nguyễn Tiến Dũng, hiện nay, toàn xã có 519 hộ chưa được giao đất rừng và đất sản xuất. Tình trạng người dân thiếu đất sản xuất là phổ biến, từ việc thiếu đất sản xuất nên đời sống người dân còn gặp nhiều khó khăn. Từ thực tế đó, tại các cuộc tiếp xúc cử tri ĐBQH, HĐND tỉnh, HĐND huyện, xã, đại đa số nhân dân kiến nghị các cấp có thẩm quyền sớm có chính sách thu hồi đất rừng từ các lâm trường và Ban quản lý rừng phòng hộ đang quản lý giao cho người dân có đất sản xuất để từng bước ổn định cuộc sống...
Còn tại xã Minh Sơn, huyện Hữu Lũng, tỉnh Lạng Sơn thì tỷ lệ bình quân diện tích đất rừng mà mỗi hộ hiện sử dụng đang ở mức 0,01ha/hộ đất rừng sản xuất trong khi đó diện tích mà một hộ dân có 4 khẩu sống ở miền núi phụ thuộc vào đất rừng, rừng và để bảo đảm thoát nghèo theo tiêu chuẩn mới của nhà nước thì cần phải có tối thiểu là 2 ha đất rừng để sản xuất.
Theo đánh giá của một số ĐBQH tại các cuộc giám sát về việc thực hiện chính sách pháp luật về đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số, đang tồn tại thực trạng là người dân đang không có đất để sản xuất nhất là đất rừng. Đất rừng hiện nay lại đang trong tay một số lâm trường, và các công ty lâm nghiệp. Các chủ rừng này lại chưa thực sự quan tâm đến bảo vệ rừng, do đó, tài nguyên rừng chưa được đánh giá và quan tâm đúng mức. Từ thực tế này cho thấy, diện tích rừng để bảo đảm cho người dân có đất để sản xuất không bảo đảm yêu cầu. Điều này đã ảnh hưởng không nhỏ tới cuộc sống của người dân. Nếu không giải quyết được tình trạng này thì rất khó thực hiện được mục tiêu hướng tới giảm nghèo bền vững.
|
Giao đất, giao rừng cho người dân, đặc biệt là cộng đồng thôn bản là chiến lược quan trọng của Nhà nước nhằm quản lý, bảo vệ có hiệu quả tài nguyên rừng và đất rừng, góp phần hỗ trợ cộng đồng các dân tộc thiểu số, miền núi ổn định đời sống, phát triển kinh tế và tạo động lực phát triển bền vững. Theo đó, cộng đồng thôn bản là một trong những chủ rừng và đất lâm nghiệp, người sử dụng đất rừng có tư cách pháp nhân đầy đủ hoặc không đầy đủ tùy theo từng điều kiện của từng vùng và đối tượng đất rừng được giao hay nhận khoán. Cộng đồng được giao rừng và đất lâm nghiệp, nhận hợp đồng khoán rừng lâu dài, từ đó được hưởng các quyền khi tham gia quản lý, bảo vệ và sử dụng rừng và đất lâm nghiệp.
Để bảo đảm cho người dân có đất để sản xuất, đặc biệt là đất lâm nghiệp cũng như phát huy vai trò của cộng đồng trong việc bảo vệ rừng và sử dụng tài nguyên rừng, Nhà nước cần phải có những chính sách giao đất giao rừng cũng như chính sách ưu tiên cho cộng đồng người dân tộc ở vùng có đất lâm nghiệp. Theo đó, chính quyền địa phương ở những nơi có diện tích đất lâm nghiệp cần có chủ trương mở rộng, rà soát ranh giới, rà soát thực trạng rừng, giải quyết các tranh chấp phát sinh giữa các chủ rừng để làm cơ sở cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nhằm bảo đảm cho các đối tượng đặc biệt là hộ gia đình và cộng đồng có đủ điều kiện tiếp cận chính sách hưởng lợi về rừng và đất rừng. Bên cạnh đó, cần có chủ trương chuẩn bị quỹ đất rừng triển khai giao rừng gắn với giao đất rừng sản xuất và phòng hộ cho các hộ gia đình, cộng đồng quản lý và hưởng lợi.
Điều cần chú ý hiện nay là cần phải nghiên cứu, điều chỉnh những quy định của Luật Đất đai hiện hành nhằm tạo ra hành lang pháp lý để cộng đồng dân cư, nhất là người dân vùng cao có điều kiện tham gia vào việc sử dụng và bảo vệ tài nguyên rừng. Luật Đất đai hiện hành quy định: Nhà nước giao đất rừng đặc dụng cho tổ chức quản lý rừng đặc dụng để quản lý, bảo vệ theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xét duyệt. Tổ chức quản lý rừng đặc dụng giao khoán ngắn hạn đất rừng đặc dụng trong phân khu bảo vệ nghiêm ngặt cho hộ gia đình, cá nhân chưa có điều kiện chuyển ra khỏi khu vực đó để bảo vệ rừng. Nhưng thực tế, hầu hết những cánh rừng đầu nguồn, rừng bảo vệ nguồn nước của cộng đồng đều trong diện tích rừng phòng hộ hoặc đặc dụng. Do đó, cần có chính sách hoặc hướng dẫn cụ thể về việc công nhận rừng thiêng của cộng đồng để có vị trí ngang hàng với rừng đặc dụng quy mô nhỏ…
Đã đến lúc cần phải có hành lang pháp lý đầy đủ hơn, thông thoáng hơn cũng như các chính sách ưu tiên đối với đồng bào vùng núi để thu hút được sự tham gia của họ vào việc giữ gìn bảo vệ rừng cũng như nâng cao đời sống của người dân bằng chính sách giao khoán rừng hợp lý.