Quảng Bình, dải đất hẹp miền Trung, nhìn trên bản đồ Việt Nam giống như khúc eo thon thả của người thiếu nữ tuổi dậy thì; trong chiến tranh chống Mỹ vốn là nơi đầu sóng ngọn gió, đã trở thành biểu tượng kiên cường bất khuất của người Việt Nam trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc. Không quân Mỹ sau những chuyến tấn công phá hoại ra miền Bắc, bao nhiêu bon đạn còn lại đều trút xuống nơi này, khiến Quảng Bình trở thành túi bom mà hậu hoạ của nó cho đến nay, sau hơn 30 năm, vẫn còn tiềm ẩn trong từng tấc đất. Ông Phạm Văn Phước là một nông dân ở xã Lâm Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình. Cũng như bao người dân Việt Nam khác, cởi bỏ bộ quân phục sau chiến tranh, ông trở về với đất. Tuy nhiên đất đai quê hương ông giờ đây đâu còn như xưa. Không chỉ vụn nát, nham nhở và tàn tạ trên bề mặt, mà ẩn sâu bên dưới vẻ lành hiền thân thuộc của đất, tan hòa vào những dòng chảy âm thầm từ lòng đất, đè nặng lên những núm rốn mà tổ tiên, ông bà, cha mẹ, họ hàng, đồng bào của ông từng chôn sâu bao đời nay, từng đắp bồi nên đất đai Quảng Bình này là đầy rẫy những hiểm họa. Những trái bom của giặc để lại nơi đây cũng âm thầm và lặng câm như đất, chỉ có điều cái mà nó hứa hẹn với con người thì không như đất mà thôi...
Ông Phước kể: - "Mấy năm trước mới về, nơi ni vẫn còn đầy rẫy những cái hố như rứa, chừng 5 mét lại một hố. Bom bên trên, bom bên dưới, đủ cả...". Thế nhưng do đã xác định: - "Về đây làm vườn nghĩa là bắt buộc phải lựa chọn, một là sống, hai là chết, nên bom thì bom, mần vẫn cứ mần, có chi thì cũng là số trời đã định...". Đoạn ông cười một nụ cười hết cỡ, tươi đến ngộ nghĩnh bởi chiếc răng duy nhất còn lại trong miệng trông hệt như một cánh tay đang vươn cao xác tín cho điều ông nói: - "... Nhưng cuối cùng phần thắng vẫn thuộc về ta...".
Giờ thì vợ chồng ông Phước đã trở thành chủ nhân của một khu vườn rộng cả hécta, được xây dựng theo mô hình nông nghiệp sinh thái bền vững. Nhưng không phải cho đến gần đây, khi mà những tác động khiên cưỡng của con người vào tự nhiên, mà vô số các loại thuốc hóa học được đem ra sử dụng với mục đích làm tăng sản lượng các sản phẩm nông nghiệp, đã trở thành nguy cơ đe dọa chính sức khỏe của con người; để rồi từ đó hàng loạt những sản phẩn gắn mác Sinh thái trở thành cứu cánh cho những người có điều kiện; thì ông Phước mới nghĩ đến việc giữ gìn cho khu vương của mình sự trinh nguyên của tạo hóa. Mà có lẽ ngay từ lúc cặm cụi nhặt từng trái bom, gom từng quả đạn trong vườn, ông Phước đã nghĩ đến một thái độ ứng xử tình nghĩa và công bằng với đất đai rồi. - "... Trong cuộc sống, con người phải biết yêu thương và phụng dưỡng đất đai bằng cách nuôi đất để đất nuôi cây, rồi sau đó cây sẽ lại nuôi con người... Có tình yêu của con người, những chỗ đất rất xấu có thể trở thành rất đẹp. Mai đây, mảnh vườn này sẽ là nơi đẹp nhất của xã Lâm Trạch...". Tôi đã lặng đi khi nghe câu nói đó từ một người nông dân lầm lụi nơi mảnh đất vốn thừa đạn bom và nắng gió, chỉ có duy nhất tình người là rộng rãi này. Vâng! Với người đã dám đem cả mồ hôi lẫn tính mạng của mình ra để trả lại màu xanh cho đất thì không thể có cách nghĩ nào khác được...
Ông Phước: Mai đây, mảnh vườn này sẽ là nơi đẹp nhất của xã Lâm Trạch
Cho đến hôm nay, bên cạnh những hiệu quả về mặt kinh tế, khu vườn nhà ông Phước còn trở thành một chỉ số điển hình trong rất nhiều các báo cáo, đánh giá của huyện Bố Trạch và của tỉnh Quảng Bình về phát triển cộng đồng, về bảo vệ môi trường... và cũng là một trong số ít các mô hình tạo được sự hấp dẫn đối với các dự án đầu tư cho nông dân của một số tổ chức nước ngoài. Tuy nhiên với quan điểm và tình cảm của mình, không phải dự án nào ông Phước cũng mặn mà... Sức cám dỗ của đồng tiền không phải là điều dễ vượt qua, nhất là khi cuộc sống của người ta vẫn còn đang phải vật lộn với trăm ngàn khó khăn của cuộc mưu sinh, phải đối mặt với bao nguy hiểm, bất trắc. Tuy nhiên, dám từ chối những "món quà" dễ dàng nhưng không phải do tự tay mình làm ra, xa lạ với những gì bình dị nhưng nồng nàn của quê hương; ông Phước và những người nông dân yêu đất ở Lâm Trạch nói riêng, trên khắp mảnh đất Quảng Bình nói chung, và rộng hơn thế nữa, ở khắp những nơi nào còn có những người biết yêu thương, biết trân trọng và tri kỷ với đất đai; sẽ cứ thế lớn lên, cứ thế giàu có hơn lên ngay trên mảnh đất của mình, ngay trong lòng của quê hương, giữa những người đồng bào, những người đã từng một thời sẻ chia với mình từng trận bão, từng trái bom, từng cơn đói... và bây giờ là sẻ chia cho nhau từng nhành cây, con lợn, con gà làm giống, từng đồng vốn, từng bài học về kinh nghiệm làm ăn, và sẽ còn sẻ chia cho nhau cả những niềm vui của sự thành đạt, sự phồn vinh
Sau hơn 30 năm thống nhất đất nước, con đường Hồ Chí Minh được hoàn thành là cơ hội để Quảng Bình nói riêng và đất nước nói chung bước vào giai đoạn phát triển với tốc độ nhanh và cơ hội thuận lợi chưa từng có. Tuy nhiên sự phát triển ngày nay theo xu hướng chung của Thế giới, không còn đánh giá bằng chỉ số tăng trưởng bình thường như trước đây nữa, mà yếu tố bền vững, an toàn đã được coi là một trong những tiêu chí hàng đầu của mục tiêu phát triển. Để đạt được điều này, sự hài hoà của con người, thiên nhiên và văn hoá là một yêu cầu cần được đảm bảo, và mấu chốt của nó nằm trong chính những người khiêm nhường bình dị như ông Phước, những người không phải chỉ biết làm giàu, mà còn biết nâng niu những giá trị văn hoá, tinh thần và đạo đức trong hành vi ứng xử với thiên nhiên và với con người.
Lương Ngọc An
|
|