SPERI LIVELIHOOD SOVEREIGNTY MECO-ECOTRA HEPA ECO-FARMING SCHOOL MEKONG DMP
  TRANG CHỦ   Sinh Thái Nhân văn Sinh học  Bài viết
LÝ THUYẾT
Sinh thái Nhân văn Sinh học
Nhân học và Sinh kế
LIÊN MINH CHỦ QUYỀN SINH KẾ
Đối tác
Nông dân Nòng cốt-Già Làng-Thầy thuốc nam-Doanh Nhân Cộng đồng Vừ Lao Lềnh
22/12/2016
 
Bảo tồn tri thức thuốc nam và cây thuốc nam bản địa người Hmông bản Ổn Ốc
 
Già Vừ Lao Lềnh trong Toạ đàm Mạng lưới thuốc nam miền Bắc năm 2006 tại HEPA
(Ảnh: SPERI – 2006)

Ổn Ốc là một trong 9 thôn bản của xã Mường Lựm, huyện Yên Châu, tỉnh Sơn La - nơi sinh sống của các hộ gia đình dân tộc Hmông. Cũng như các nhóm dân tộc khác như Thái, Mường, Dao, Khơ Mú, La Ha, Xinh Mun, Kháng, Lào, Tày…tập quán văn hoá và sản xuất lâu đời của người dân bản Ổn Ốc chủ yếu dựa chủ yếu vào sản xuất nông nghiệp với các cây trồng chủ lực là ngô, lúa nước và chăn nuôi gia súc (trâu, bò, lợn) và thu hái các sản phẩm từ rừng.
 
Trước năm 1954, với phương thức canh tác du canh du cư, các hộ gia đình người Hmông bản Ổn Ốc phải đi nhiều nơi sống gần nương rẫy. Sau năm 1954 các hộ gia đình tập trung lại thành cụm dân cư gọi là bản "Tà ghênh" có nghĩa là "Bãi cỏ tranh", trực thuộc địa phận xã Chiềng Xôm, huyện Yên Châu. Trước thời Pháp thuộc vùng này được gọi là xã Mường Lựm, nghĩa là xã Mường Quên vì xã nằm ở vị trí xa trung tâm hành chính của huyện Mộc Châu và huyện Yên Châu. Sau này, do tỉnh Sơn La có nhiều xã tên là Chiềng Xôm nên chính quyền tỉnh đã đổi xã thành Mường Lựm, bản Tà Ghênh thành bản Ổn Ốc. Năm 1958 Đảng và Nhà nước vận động người dân định canh, định cư và bản được thành lập lại với 20 hộ gia đình với tổng số 120 người dân (65 nữ và 55 nam).
 
Năm 1998 Trung tâm TEW (tiền thân của Viện SPERI và Viện CENDI) tổ chức cho các nông dân nòng cốt (NDNC), Già làng uy tín của huyện Yên Châu, trong đó người dân của bản Ổn Ốc đến tham quan trao đổi kinh nghiệm về quản lý, sử dụng tài nguyên thiên nhiên ở một số nơi thuộc miền bắc Thái Lan. Trong chương trình tham quan các nông dân nòng cốt đã đến thăm bản Mea Sa Mai, tỉnh Chiang Mai - nơi có các hộ gia đình dân tộc Hmông sinh sống. Ở đây, các NDNC, đặc biệt là các Thầy thuốc nam bản Ổn Ốc, trong đó có Già Vừ Lao Lềnh đã học được những bài học giá trị trong việc duy trì, bảo tồn cây thuốc nam, tri thức thuốc nam thông qua thiết lập các vườn và rừng thuốc nam cộng đồng để chữa trị bệnh cho người dân. Các NDNC đã nhận ra rằng cha ông và người dân trong cộng đồng mình đã và vẫn đang duy trì những tri thức thuốc nam đó qua nhiều thế hệ. Tuy nhiên, họ vẫn chưa làm được như người Hmông ở bản Me Sa Mai – đó là phải vừa biết sử dụng vừa bảo tồn và phát triển cây thuốc nam cho thế hệ mai sau.
 
Sau tham quan, Già Vừ Lao Lềnh thấy việc xây dựng vườn thuốc nam rất có ý nghĩa đối với các cộng đồng dân cư thôn bản vùng sâu, vùng xa như Ổn Ốc. Già cho rằng nếu trồng tập trung cây thuốc thì có thể duy trì và bảo vệ, và rất thuận lợi cho việc lấy thuốc khi người dân trong bản bị bệnh. Bên cạnh việc bảo tồn cây thuốc, đây cũng là nơi để các thầy thuốc nam chia sẻ lại những tri thức thuốc nam cho con em mình. Người dân trong bản rất ủng hộ những bài học của Già đã chia sẻ và thống nhất cùng nhau xây dựng một vườn thuốc nam của cộng đồng mình.
 
Sau khi vị trí vườn ươm được xác định, người dân thống nhất phân công lao động xây dựng vườn thuốc. Già Vừ Lao Lềnh đã vận động người dân trong bản ai biết được loại cây thuốc gì, ở đâu, chữa bệnh gì thì đem về trồng ở trong vườn thuốc nam của cộng đồng. Sau đó, nam giới trong bản phân công nhau đi làm hàng rào còn nữ giới thì làm đất và đi lấy cây thuốc về trồng. Hoạt động xây dựng vườn thuốc nam cũng đã được hưởng ứng tích cực bởi chị em phụ nữ trong bản. Chị em cùng nhau đi thu thập những cây thuốc nam mà họ đã trồng phân tán từ trước đến nay để đem về trồng tập trung trong vườn. Trong thời gian này chị em phụ nữ cũng đã trao đổi cho nhau về kinh nghiệm sử dụng thuốc ở trong vườn, bằng cách này vốn hiểu biết về cây thuốc của chị em phụ nữ ngày càng được giàu thêm.
 
Khi vườn thuốc đã được xây dựng, Trưởng bản đã tổ chức họp dân để thảo luận thành lập một Ban quản lý bảo vệ và duy trì vườn thuốc. Một trong những tiêu chí đưa ra thảo luận đó là Ban quản lý phải có sự tham gia của cả nam và nữ và phải là những người hiểu biết về thuốc. Sau khi thảo luận với dân, người dân nhất trí bầu bốn người phụ nữ biết nhiều về thuốc như chị Xua, Chị Mảy, chị Dếnh và chị Dế tham gia Ban quản lý chăm sóc, bảo vệ vườn thuốc. Già Vừ Lao Lềnh là người chỉ đạo chung về hoạt động của vườn, là người sát sao hướng dẫn, trao đổi thêm với chị em phụ nữ. Ngoài ra, Trưởng bản có trách nhiệm tổ chức người dân trong những trường hợp cần sự huy động, tham gia của họ vào công việc tu sửa vườn thuốc. Vườn thuốc được chia ra từng phần nhỏ giao cho các hộ gia đình để quản lý, chăm sóc và tu bổ.
 
Ban đầu Quy chế đề ra là tất cả cây thuốc ở trong rừng phải được quản lý bởi bốn chị phụ nữ, tất cả những ai muốn lấy thuốc trong vườn phải thông qua các chị phụ nữ này. Tuy nhiên, do các chị thường xuyên đi làm trên nương xa nhà, có nhiều trường hợp cần phải lấy thuốc ngay để chữa bệnh cho người bệnh nên Qui chế đã được điều chỉnh lại. Theo đó, ai cũng có thể vào vườn để hái thuốc nhưng chỉ được lấy đủ dùng khi cần thiết. Trong trường hợp người dân không biết thuốc chữa bệnh thì phải nhờ đến các chị phụ nữ trong Ban quản lý. Mặc dù tại bản đã xây dựng vườn thuốc nhưng chỉ trồng một số loại cây thuốc đặc biệt, thuốc quan trọng và quý còn lại phần đa nguồn thuốc vẫn phải lấy từ rừng tự nhiên của bản bởi vì có rất nhiều cây thuốc chỉ sống được trong rừng hoặc men theo các sườn núi hoặc trong một vùng sinh thái đặc thù.
 
Khẳng định quyền của cộng đồng đối với đất và rừng
 
Từ sau giải phóng đến trước năm 2002 toàn bộ diện tích đất rừng tại bản Ổn Ốc được quản lý theo hệ thống quản lý Nhà nước và một số Chương trình như Chương trình 327, tiếp đến là Chương trình 661... Nhìn chung trong giai đoạn này rừng tự nhiên bị suy thoái nghiêm trọng cả về qui mô và chất lượng, đặc biệt là tình trạng khai thác cạn kiệt một số loại gỗ quí đặc hữu của vùng như bách xanh, nghiến và đinh hương.
 
Từ những bài học trong việc xây dựng vườn thuốc nam cộng đồng, bản Ổn Ốc đã đề nghị Trung tâm TEW phối kết hợp với Chi cục Kiểm Lâm Sơn La và ban ngành liên quan của huyện Yên Châu triển khai thí điểm giao đất giao rừng dựa vào cộng đồng tại bản Ổn Ốc vào năm 2001-2002. Tổng diện tích đã giao là 1.207,45 ha, chủ yếu là rừng tự nhiên phòng hộ và rừng sản xuất. Đối tượng được giao đất giao rừng gồm: Cộng đồng bản, 10 nhóm hộ (3 dòng họ, gồm: Vừ, Thao và Vàng, và 7 cụm dân cư), tổ chức xã hội bản (Hội nông dân, Đoàn Thanh niên và Chi bộ Đảng) và 21 hộ gia đình. Với cơ chế tự quản thông qua các qui định bất thành văn của thôn bản, hầu hết diện tích rừng tự nhiên, đặc biệt là một số loại cây rừng quí hiếm như nghiến, đinh hương, bách xanh, chay, dổi, táu, rừng măng đắng sau khi giao đã được phục hồi và phát triển tốt.
 
Mô hình giao đất giao rừng tại Ổn Ốc đã trở thành cơ sở thực tiễn và lý luận cho tỉnh Sơn La nghiên cứu và mở rộng ra các địa phương khác sau này. Theo đó, tính đến 31/12/2013 đối tượng là người dân địa phương được giao quản lý sử dụng diện tích rừng chiếm tỷ lệ cao nhất với 83,21% (gồm nhóm hộ/tổ chức xã hội 62,24%, hộ gia đình 17,64%, cộng đồng bản 3,33%), Ban quản lý rừng và Doanh nghiệp Nông-Lâm nghiệp chiếm 12,49%.
 
Trong thời gian trước 2003, việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho cộng đồng vẫn chưa được công nhận bởi pháp luật. Đối tượng là cộng đồng dân cư thôn bản bắt đầu được khẳng định là chủ đất chủ rừng tại Luật Đất đai năm 2003 và Luật Bảo vệ và Phát triển rừng năm 2004. Đồng thời, việc giao đất giao rừng và được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho nhóm hộ (theo cụm dân cư, dòng họ) cho đến hiện tại vẫn đang được Nhà nước dự thảo quy định cơ chế đồng quản lý và đồng sử dụng.
 
Trung tâm chăm sóc sức khoẻ cộng đồng bằng cây thuốc nam
 
Sau khi thiết lập vườn thuốc nam, chủ quyền rừng và đất rừng của cộng đồng được khẳng định, Già Vừ Lao Lềnh, và người con là Vừ A Giang sau này cũng đã tham gia nhiều hoạt động chia sẻ kinh nghiệm với các thầy thuốc nam trong Mạng lưới thuốc nam do Trung tâm TEW hỗ trợ đến từ các nhóm dân tộc như Dao (Ba Vì, Lạng Sơn), Thái (Nghệ An và Sơn La), Lào Lùm, Khơ Mú (Luang Prabang, Lào), Hmông (Lào Cai), Mã Liềng, Kinh (Hà Tĩnh và Quảng Bình)…. Trong những dịp như thế, bên cạnh thu thập các giống cây thuốc nam, bài thuốc nam để làm giàu thêm các tri thức thuốc nam và vườn thuốc nam của bản thân và cộng đồng mình, Già Vừ Lao Lềnh cũng đã nhận thấy nhu cầu cần thiết phải hình thành Trung tâm chăm sóc sức khoẻ cộng đồng bằng cây thuốc nam để giúp chữa trị nhiều hơn nữa cho người dân trong và ngoài cộng đồng. Già đã huy động vốn liếng có sẵn trong gia đình để xây dựng cơ sở chữa bệnh, nhà nghỉ cho bệnh nhân từ xa đến. Sau gần 10 năm hoạt động Trung tâm của Già Vừ Lao Lềnh đã chữa trị cho hàng ngàn bệnh nhân ở tỉnh Sơn La cũng như cả nước bằng cây thuốc nam, tri thức thuốc nam của dân tộc Hmông.
 
Những hành động và việc làm của Nông dân nòng cốt-Già làng-Doanh nhân Cộng đồng Vừ Lao Lềnh đã và đang ngày càng khẳng định ‘lời tuyên bố’ của mình đâu đó vẫn còn văng vẳng từ Toạ đàm Mạng lưới Thuốc nam miền Bắc ngày 13-15/3/2006 tại Khu thực Hành Sinh thái Nhân văn (HEPA), xã Sơn Kim I, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh, đó là:
 
Con đường thứ nhất-con đường bảo thủ: Cứ để cho cây thuốc nam hàng ngày ra đi, đi đâu, đi để làm gì, ai sẽ sử dung nó, trước khi sử dụng cây thuốc nam, người ta có biết thắp hương xin phép cây thuốc nam như các già đã từng theo phong tục sử dụng cây thuốc nam không. Chúng tôi cương quyết không đi theo!
 
Con đường thứ hai-con đường vô dụng: Mỗi dân tộc, mỗi cộng đồng chỉ biết tự chữa bệnh và tự duy trì nghề thuốc nam, không cần thiết phải chia sẽ cho nhau. Chúng tôi không cần đi theo con đường đó!
 
Con đường thứ ba-con đường cộng đồng: Chia sẻ cùng nhau giữa các dân tộc, cùng nhau tìm giải pháp để tiếp tục đào tạo các cháu trong cộng đồng thông qua các vườn thuốc gia đình, vườn thuốc cộng đồng tại các bản làng. Chúng tôi sẽ đi trên con đường này.
 
Và, ‘Tôi có thể chết, nhưng hương hồn và thần thuốc nam vẫn sống mãi với rừng’!

Tham khảo chi tiết thông tin tại đây.

Nguồn: SPERI
In bài viết Bookmark and Share Quay lại
Bài viết khác
Quy tắc ứng xử và đạo đức trong công việc
Hiểu và thực hành nông nghiệp sinh thái cùng các cộng đồng dân tộc thiểu số bản địa vùng Mekong
Vinh danh công nhận nguồn gốc rừng mưa nhiệt đới đối với các sản phẩm sinh thái bản địa của Lóng Lăn
Qui trình sinh thái nhân văn cây Hồ Tiêu vườn nhà bác Hoàng Văn Phước, xã Lâm Trạch, huyện Bố Trạch, Quảng Bình
Tiền tệ hóa tự do, sáng tạo và tự chủ kiểu Tây
Chín bước tiếp cận phát triển các tộc người thiểu số trong lưu vực Mekong
Sinh thái Nhân văn Sinh học và nghèo cấu trúc trong phát triển cộng đồng thiểu số lưu vực Mê kong
Nông nghiệp sinh thái: hiểu và phát huy bởi MECO-ECOTRA
Tiếp cận Hệ thống canh tác miền núi - MECOECOTRA
Mạng lưới NDNC - MECOECOTRA - Nông Nghiệp Sinh thái: Phương pháp tiếp cận và Những thách thức

Tin tức
Xuất bản

- Tổng quan
- Video
- Diễn đàn
- Câu chuyện
- Liên minh Chủ quyền Sinh kế
Chủ Quyền Sinh Kế
- Tổng quan
- Đồng quản trị
- Luật tục
- Tín ngưỡng
Phụng Dưỡng Thiên Nhiên
- Tổng quan
- Vật linh giáo
- Đất rừng thiêng
- Lễ hội
Vùng Hoạt Động
- Lưu vực Mêkông
- Việt nam
- Lào
- Ban thư kí MECO-ECOTRA
Quản trị Tổ chức
Tổ chức
- Lịch sử
- Triết lý và Hành vi
- Tầm nhìn & Sứ mệnh
- Thiết chế
Nhân sự
- Điều phối Chương trình
- Ban Giám đốc
- Hội đồng Khoa học
- Thẩm định độc lập
- Hội đồng Viện
Lý thuyết
- Sinh thái Nhân văn Sinh học
- Nhân học và Sinh kế
12C Đường Phạm Huy Thông, Quận Ba Đình, T.P Hà Nội  *  Tel: +84-(0)4-3771 7367  *  Fax: +84-(0)4-3771 5691  *  Email: speri@speri.org
Copyright © 2019 by SPERI. All rights reserved