Việc công nhận cuộc sống nương tựa tự nhiên của Lóng Lăn là một sự khuyến khích và công nhận cho những cá nhân, tập thể và cộng đồng đã và đang lắng nghe âm thanh và suy nghĩ của tự nhiên, cảm nhận và đồng cảm với niềm vui, nỗi buồn của tự nhiên từ đó có được vốn tri thức, vốn văn hóa, vốn sinh thái và vốn kinh tế từ đó đồng hành một cách hòa bình với thế giới tự nhiên.
Lóng Lăn, một bản nằm trên vùng đầu nguồn Phu Sủng của huyện Luang Prabang, tỉnh Luang Prabang, nước CHDCND Lào, được hình thành ban đầu bởi 4 hộ gia đình họ Zang người H’mông từ năm 1975. Nơi đây đã từng là làng bản của dân tộc Khơ Mú, nay đã chuyển xuống vùng thấp hơn để sinh sống. ‘Đất lành chim đậu’, qua thời gian, đến nay toàn bản đã có 78 hộ gia đình với 511 người của các dòng họ dân tộc H’mông như Zang, Ly, Mua, Hơ…
Chứng nhận nguồn gốc rừng mưa nhiệt đới đối với sản phẩm sinh thái bản địa của bản Lóng Lăn
Đến với Lóng Lăn ngày hôm nay, ít ai có thể tưởng tượng được cuộc sống đói nghèo và lang thang của người dân trên những mảnh nương rẫy và cánh rừng 20 năm trước đây. Người dân nơi đây đã trải qua nhiều thăng trầm do những các tác động từ bên ngoài như chiến tranh, chính sách cấm trồng cây thuốc phiện và phát nương làm rẫy cũng như những tác động của nền kinh tế thị trường trong các những thập niên 80 và 90. Cuộc sống của người dân Lóng Lăn đã bắt đầu được khởi sắc, ổn định và bền vững hơn khi chủ quyền 8,439 ha tài nguyên đất và rừng (đất rừng bảo vệ nghiêm ngặt, đất rừng tâm linh tín ngưỡng và bảo tồn cây thuốc nam, đất rừng bảo vệ đầu nguồn nước, đất rừng sử dụng, đồng cỏ chăn nuôi và đất canh tác…) và luật tục truyền thống của Lóng Lăn được lồng ghép với luật pháp và công nhận bởi chính quyền Luang Prabang từ năm 2005 sau Chương trình giao đất giao rừng dựa vào cộng đồng được tư vấn bởi CHESH Lào/SPERI, Sở Nông Lâm nghiệp Luang Prabang, Phòng Nông-Lâm nghiệp Luang Prabang, UBND huyện Luang Prabang, tổ chức tài trợ ICCO, và thời gian sau này là các tổ chức Brot/BMZ, CCFD, NPA và NLI trong quản lý và sử dụng bền vững các dạng tài nguyên thiên nhiên trên cơ sở tri thức bản địa.
Toàn cảnh cảnh quan bản Lóng Lăn
Chủ quyền đối với những không gian sinh kế và văn hóa chính là nền tảng và động lực cho cả cộng đồng và người dân Lóng Lăn cởi trói những rào cản, vượt qua các thách thức và tạo ra những sáng kiến trên cơ sở đặc thù cảnh quan, tri thức tộc người, tri thức địa phương, cây con bản địa để bảo vệ và làm giàu thêm tài nguyên đất, các cánh rừng nhiệt đới tự nhiên và những mảnh vườn trồng rau sinh thái bản địa. Đến nay, ‘cuộc sống nương tựa vào tự nhiên’ của người dân và cả cộng đồng Lóng Lăn đã được khẳng định, tự chủ và bền vững. Già Xay Khư Zang chia sẻ,
người dân của chúng tôi có thể tìm thấy mọi thứ thiết yếu cho cuộc sống từ những mảnh rừng và đất của mình. Ở những làng bản lân cận, do họ bị mất đất, rừng bị cạn kiệt nên cuộc sống của người dân rất khó khăn và phụ thuộc từ bên ngoài.
Ngoài những sản phẩm đủ phục vụ cho cuộc sống như rau, quả, gà, lợn, thuốc nam…, hàng ngày, hàng tháng, hàng năm, các gia đình ở Lóng Lăn đều đặn có thu nhập từ việc trồng và bán rau các loại sinh thái bản địa như su su, rau cải hoa vàng, cải củ, đậu, thì là, cải bắp... Điều đặc biệt đối với rau của Lóng Lăn, theo như người dân kể lại đó là: chỗ nào có đất trống, cuốc đất, gieo hạt và cứ để như vậy đến ngày thu hoạch. Không cần bón phân vì rừng có nhiều, lá rụng xuống, sau một thời gian trở thành mùn làm cho đất luôn luôn tốt. Vì các vườn rau nằm ở trên các quả núi cao và bên cạnh những cánh rừng nên đất và không khí luốn luôn ẩm, sau buổi sáng những giọt sương đọng trên lá cây rơi xuống gốc, nên không cần phải tưới nước. Do rừng có nhiều cây, nên sâu bệnh không thể phát triển, người dân không cần phải dùng thuốc trừ sâu. Hơn nữa, người dân Lóng Lăn đã lựa chọn nhiều loại rau trồng một lần mà có thể thu hoạch được nhiều lần vì sau mỗi lần cắt mầm của nó lại đâm chồi trở lại. Chính vì điều đó đã giúp cho rau của Lóng Lăn có thể trồng suốt 10 tháng trong năm với năng suất rất ổn định. Bình quân, một ngày cả bản có thể thu hái được từ 1-1,5 tấn rau cung để cấp cho thị trường Luang Prabang. Ngoài ra, nguồn tài sản rất đáng kể mà ít người biết đến đó là đàn bò gần 500 con đang được các gia đình nuôi trong hai vùng chăn thả cộng đồng trên đình núi Phu Sủng quanh năm phủ bóng bởi hệ sinh thái đa dạng và khí hậu hài hòa.
Ngày 23.3.3017, các sản phẩm sinh thái bản địa được làm ra bởi người dân H’mông bản Lóng Lăn trên những mảnh đất phì nhiêu, có độ cao trên 1.000 mét so với mực nước biển, và được che chở bởi các cánh rừng tự nhiên đã chính thức được công nhận bởi Tổ chức Cuộc sống Tự nhiên Quốc tế (Nature Life-International) có nguồn gốc rừng mưa nhiệt đới (Rainforestation Farming).
Giáo sư Goltenboth trao Chứng nhận nguồn gốc canh tác nương tựa rừng nhiệt đới cho các sản phẩm sinh thái bản địa của bản Lóng Lăn
Lễ trao vinh danh và trao Chứng nhận nguồn gốc rừng mưa nhiệt đới đối với các sản phẩm sinh thái bản địa của Lóng Lăn được tổ chức tại Trường Đào tạo Nông dân Sinh thái Dựa vào Cộng đồng (Community Based Farmers’ Field School) với sự tham gia của Già làng, Trưởng bản, nông dân nòng cốt, đại diện tổ chức cộng đồng và người dân bản Lóng Lăn, đại diện Sở Nông Lâm nghiệp Luang Prabang (PAFO), Phòng Nông Lâm nghiệp Luang Prabang, UBND huyện Luang Prabang, Cụm phát triển Kok Van, báo chí địa phương, Tổ chức NLI và CHESH Lào / SPERI.
Ông Boun On, Trưởng Văn phòng PAFO cho biết, việc công nhận các sản phẩm sinh thái bản địa của Lóng Lăn có nguồn gốc rừng mưa nhiệt đới không chỉ là niềm tự hào đối với Lóng Lăn mà toàn huyện và tỉnh Luang Prabang. Ngoài việc Luang Prabang được công nhận là Di sản văn hóa thế giới đã được công nhân bởi UNESCO, tri thức tộc người H’mông cùng các sản phẩm sinh thái bản địa của Lóng Lăn, lần đầu tiên được vinh danh bởi Tổ chức NLI. Mô hình Lóng Lăn về cuộc sống hài hòa và nương tựa với thiên nhiên sẽ là bài học cho huyện và tỉnh Luang Prabang làm bài học phổ biến và nhân rộng ra các địa bàn khác. Toàn bộ cán bộ của tỉnh sắp tới sẽ được huy động tham gia cùng người dân Lóng Lăn đem những cây con bản địa đang gieo ươm tại vườn ươm bản địa của Lóng Lăn đi trồng và làm giàu thêm những cánh rừng không chỉ của Lóng Lăn mà các làng bản khác trên địa bàn tỉnh.
Được hỏi giấc mơ của Lóng Lăn trong tương lai là gì, Già Xay Khư Zang mong muốn Lóng Lăn sẽ có môi trường thiên nhiên tốt hơn, rừng được bảo vệ tốt hơn và nhiều bạn bè hơn. Ông Boun On cho rằng, để đạt được giấc mơ này người dân Lóng Lăn cần tiếp tục kế thừa những giá trị và vốn đã có để vững vàng hơn, bền vững hơn và tạo ra nhiều vốn kinh tế hơn trước những thách thức ngày càng gia tăng của thị trường. Do vậy, chính quyền huyện và tỉnh Luang Prabang sẽ lên kế hoạch để kết nối Lóng Lăn với hệ thống chuỗi du lịch của địa phương.
Tiến sỹ John Quayle, Chủ tịch Quĩ Rừng nhiệt đới Indonesia và Úc cho rằng, Lóng Lăn là một trong những điểm hội tụ đủ 4 nguồn vốn mà ít nơi có được, đó là: vốn tài nguyên, vốn sinh thái, vốn văn hóa, vốn tri thức bản địa. Nay cần phát huy những nền tảng này để tạo ra nguồn vốn kinh tế sinh thái bền vững bằng việc đưa Lóng Lăn nên một cấp bậc phát triển mới. Lóng Lăn cần trở thành thành điểm du lịch giáo dục sinh thái - văn hóa hoặc du lịch rừng nhiệt đới và bảo tồn thuốc nam (ý kiến của Giáo sư Goltenboth), giúp cho người dân có thêm nguồn thu bền vững hơn nữa để quay trở lại làm giàu thêm những vốn đã có của cộng đồng.
Giáo sư, Tiến sỹ Goltenboth, thay mặt Chủ tịch Tổ chức NLI đã chia sẻ cảm nhận về sự thay đổi qua ba lần đến thăm Lóng Lăn. Lần thứ nhất khi đến Lóng Lăn, Giáo sư được thấy những cánh rừng, đặc biệt là khu rừng thuốc nam cộng đồng rất giàu và đa dạng cùng với những tri thức và hiểu biết tuyệt vời của người dân, đặc biệt là các thầy thuốc nam trong việc sử dụng và bảo tồn nguồn tài nguyên này. Lần thứ hai, Giáo sư được chứng kiến những bài học, tri thức của người dân trong canh tác sinh thái và bảo vệ rừng bằng luật tục đã được chia sẻ ngay trên FFS của Lóng Lăn. Lần thứ ba, Giáo sư chứng kiến hàng ngàn hạt giống cây rừng bản địa khác nhau (như đinh, lim xanh, mây, chè, bơ, …) đã được toàn thể cộng đồng thu hái, ươm và đang nảy mầm trong Vườn ươm cây bản địa ngay tại khuôn viên FFS của Lóng Lăn, để mai này sẽ được đem đi trồng và làm giàu thêm những cánh rừng tự nhiên. Sự cảm nhận của Giáo sư được thể hiện khi so sánh tiếng chim hót mỗi lần chạm ngõ Lóng Lăn mà chỉ cách đó vài ki lô mét toàn là âm thanh của tiếng lá khô rơi xào xạc, buồn thê thảm trên mảnh đất bạc màu, nơi đã từng là rừng tự nhiên bạt ngàn nay được thay thế bởi cây cao su và tếch. Những cánh rừng này đã được Giáo sư ví là ‘nghĩa địa của tự nhiên'. Là người từng đi nhiều nơi trên thế giới, Giáo sư đã thốt lên rằng, mình đã tìm thấy ‘Thiên đường của tự nhiên’ cùng với một cộng đồng giàu bản sắc văn hóa, tri thức bản địa, cuộc sống sống hài hòa, thân thiện với thiên nhiên ngay tại Lóng Lăn.
CHESH Lào / SPERI