Hướng tới một nền nông nghiệp bền vững, ngay từ bây giờ chúng ta cần có một cách nhìn tổng thể trong tư duy qui hoạch. Các hành động chiến lược ưu tiên của SPERI trong những năm vừa qua tập trung chủ yếu vào một số hành động cụ thể, gồm:
Lồng ghép các tín ngưỡng và niềm tin đối với các loại thần thiên nhiên của cộng đồng với quy định của Chính quyền địa phương, gắn kết các tổ chức quần chúng, các phòng ban chuyên môn cấp xã, cấp huyện, với hệ thống lãnh đạo truyền thống, là các già làng tại các buôn làng. Đưa bàn thờ tâm linh về các loại thần thiên nhiên và tạo điều kiện cho người dân thực hiện các tín ngưỡng đó vào các cánh rừng trước đây chưa có, như rừng do Hợp tác xã quản lý, rừng phòng hộ đầu nguồn, vườn Quốc gia, khu bảo tồn di sản thiên nhiên và văn hoá đã xếp hạng…
Khẩn trương hợp pháp hoá các cánh rừng cộng đồng, được hình thành nên từ những Luật và Tục của hệ thống chính trị xã hội truyền thống, để cộng đồng có đủ tư cách pháp nhân trong việc quản lý đối với những nơi này. Hành động này sẽ gián tiếp góp phần tái nuôi dưỡng các hành vi văn hoá, tri thức bản địa, hệ thống luật tục và các chuẩn mực đạo đức của nhiều thế hệ trong ứng xử với thiên nhiên, làm sống lại những giá trị cộng đồng đang có nguy cơ sẽ ra đi vĩnh viễn trong cơ chế thị trường. Chiến lược này cần được lồng ghép với sự hiện diện của các nhóm sở thích, như các chi hội thuốc nam, chi hội thổ cẩm, chi hội làm vườn sinh thái… cùng các tổ chức quần chúng như chi hội phụ nữ, thanh niên và các già làng tại các cộng đồng. Tư cách pháp nhân sẽ dựa trên cơ sở các quan niệm truyền thống của cộng đồng về phân chia loại đất, loại rừng, ranh giới và yếu tố tâm linh tín ngưỡng từ cộng đồng;
Tri thức bản địa, những Luật truyền thống bất thành văn của tất cả các cộng đồng trong quan niệm, trong ứng xử, trong tôn thờ và ngưỡng vọng các loại thần thiên nhiên cần được được nhận diện hợp pháp, như là một sở hữu tâm linh của cộng đồng. Triết lý này cần phải được pháp lý hoá như là quyền sở hữu trí tuệ của cảc tộc người tại các vùng rừng phòng hộ, khu bảo tồn và vườn quốc gia;
Liên kết tích cực và mạnh mẽ các lễ hội như Nào Sòng, Thứ Tỉ của dân tộc Mông; thờ Bến nước của các dân tộc Tây Nguyên; Paphi của dân tộc Thái; Chuổng Miền của dân tộc Dao, Lồng Tồng của các dân tộc Tày, Nùng… Tăng cường tổ chức các chuyến giao lưu, diễn đàn chia sẽ, trên cơ sở lồng ghép với các nghiên cứu về tín ngưỡng bản địa của các tộc người trong ứng xử với đất, rừng và nước. Kết hợp với các phương tiện thông tin, tuyên truyền nhằm tiến tới một cuộc cách mạng về nhận thức, và một quy trình phát triển nhân văn trong tư duy lý luận, để chuyển cách nhìn, thái độ và hành vi trong các phương pháp luận lập pháp, hành pháp và tư pháp, vì một thế giới hài hoà, bằng hữu giữa con người với thiên nhiên;
Sưu tầm, biên soạn lại các truyền thuyết phản ánh tín ngưỡng của cộng đồng bằng việc ghi chép, chụp ảnh, quay video để xây dựng một hệ thống tài liệu chia sẻ và ứng dụng tại các hệ thống Trường đào tạo nhà nông sinh thái của Viện SPERI và các trường đào tạo nghề, các Viện nghiên cứu và trong thực thi các chương trình liên quan đến quy hoạch, sử dụng và phát triển các dạng tài nguyên, đặc biệt là tài nguyên đất đang đứng trước nguy cơ hoang mạc hoá hiện nay.
Trường đào tạo Nhà nông sinh thái (FFS) của SPERI tại HEPA có một tầm nhìn hướng tới trân trọng giá trị hệ thống của Hệ Sinh thái; lắng nghe ngôn ngữ của cảnh quan và xây dựng tinh thần học tập lẫn nhau thông qua những khoá đào tạo thực hành về Nông nghiệp Sinh thái. Nhiệm vụ của ngôi trường này đặt ra là trong tương lai sẽ góp phần tạo ra những đổi thay ở cấp độ địa phương, nhằm đóng góp các giải pháp hành động cho sự cải thiện toàn cầu về khí hậu, về suy thoái đất, suy giảm đa dạng sinh học, và nâng cao vai trò của cộng đồng trong phụng dưỡng thiên nhiên. Đây cũng sẽ giáo dưỡng một môi trường để giúp cho những người nông dân, và đặc biệt là tầng lớp thanh niên, thực sự tự do phát triển các kỹ năng thực hành, trí tuệ, cũng như kinh nghiệm bản địa của mình, trên cơ sở quan niệm: Đất là cuộc sống, là tình yêu, là tâm linh, là quan hệ xã hội, là vị thế chính trị, là chuẩn mực đạo đức, là hệ tín ngưỡng của các tộc người. Vậy nên hành vi quy hoạch sử dụng một cách thấu tình đạt lý đối với hệ đất cũng tức là đã góp phần gián tiếp nuôi dưỡng Vốn Xã hội, bởi Vốn xã hội vốn là tập hợp các hệ giá trị về chuẩn mực[1], niềm tin[2], đạo đức[3] hành vi[4] và sự sáng tạo, do quá trình lao động và các quan hệ tương tác biện chứng từ các mối quan hệ lao động[5] trong xã hội tạo ra. Nguồn vốn này được hình thành, nuôi dưỡng và phát huy bởi các mối quan hệ tự do, bình đẳng và dân chủ trong xã hội mà không bị bất kỳ một thể chế chính trị cũng như mục tiêu vật chất nào chi phối, cám dỗ; và được xã hội tự nguyện cảm nhận như một thước đo về giá trị cũng như các quy chuẩn đạo đức bất thành văn. Ngược lại, các hành vi lạm dụng trong quy hoạch sử dụng và phát triển hệ đất sẽ khiến cho hệ xã hội thay đổi, niềm tin của con người bị khủng hoảng, cấu trúc cộng đồng rạn nứt, vốn xã hội không còn môi trường để được tiếp tục nuôi dưỡng, xã hội sẽ phát triển thiếu hài hoà, không bền vững. Đây sẽ là một tội lỗi hệ thống mang tầm chiến lược, khó khắc phục được trong một sớm một chiều, mà chắc chắn phải đánh đổi bằng các hệ giá trị trong khoảng thời gian dăm ba thế hệ.
Đất có thổ công, sông có hà bá là câu nói của muôn đời. Đất cũng biết yêu, biết ghét, biết giận hờn giống như con người ta vậy. Cho nên không có đất tốt, mà cũng chẳng có đất xấu, chỉ có con người của chúng ta có hiểu được cái tâm trạng của đất, những điều đất muốn, để chúng ta tác động vào đất theo đúng những dòng tư duy và suy nghĩ của đất hay không mà thôi… |
Trong tương lai, FFS sẽ phát triển trở thành một Trung tâm Đào tạo tiên phong ở lưu vực Mekong về đào tạo thực hành cho các Nhà nông sinh thái, và giáo dưỡng môi trường sống thân thiên giữa Con người và Thiên nhiên. Thông qua việc tổ chức những diễn đàn năng động và phương pháp thảo luận liên thế hệ giữa thanh niên, nhà khoa học, người nông dân, nhà nghiên cứu ứng dụng, các kênh truyền thông và những nhà lập định và thực thi chính sách; FFS mong muốn đóng góp vào việc nâng cao nhận thức xã hội về phương pháp luận thực hành nông nghiệp sinh thái, và vai trò của tri thức địa phương đối với quy hoạch và sử dụng hợp lý các dạng tài nguyên Thiên nhiên.
[1] Quy ước xã hội mang tính quyết định về chiều sâu của tiến trình tự đánh giá xã hội
[2] Hệ giá trị của một loại hình sản phẩm từ quá trình lao động sáng tạo ra, đã trở thành “tín hiệu và hình ảnh” được xã hội định giá bất thành văn, có thể hiểu như một bản quyền uy tín và sự tin tưởng của xã hội đối với hệ giá trị đó. Trong quan hệ xã hội, niềm tin được xã hội tự định giá trị về mặt ngữ và nghĩa như một chỉ số an toàn về nhân cách, chất lượng và tính văn minh của một xã hội «vốn xã hội – social capital »
[3] Quy chuẩn về giá trị của các mối quan hệ của các loại hình lao động và sáng tạo được xã hội nhận diện và phân biệt như một chỉ số xã hội để phân biệt giữa cái tốt và cái không tốt, cái tiêu cực và cái tích cực, cái văn minh và phi văn minh, và được lưu truyền hay nuôi dưỡng trong những môi trường xã hội cụ thể.
[4] Các chỉ số cụ thể của một giá trị xã hội được lưu truyền
[5] Lao động trí tuệ và chân tay - sản phẩm từ lý thuyết hoặc từ thực hành
|
|